Chuyên gia EU mách kế giúp doanh nghiệp Việt vào thị trường châu Âu

30/09/2014 08:09 AM | Quản trị

“Với một công ty quy mô vừa hoặc nhỏ tại Việt Nam, việc đơn thương độc mã xâm nhập thị trường EU là điều vô cùng khó khăn, nếu không nói là bất khả thi”.

Trong cuộc trao đổi bên lề Hội nghị khởi động dự án Năng lực thương mại Việt Nam (TCV) do Mutrap tài trợ dành cho 6 Hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam, chuyên gia Thomas Krause, cố vấn dự án đã thẳng thắn nhìn nhận, vướng mắc lớn nhất trong hội nhập sâu với quốc tế chính là việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam thường không biết họ muốn gì?

Các dự án của Mutrap tài trợ đều được mọi người kỳ vọng vào việc sẽ khởi sự được nhiều doanh nghiệp mới thành công. Ở dự án TCV lần này, theo đánh giá của ông, liệu có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp mới?

Tôi nghĩ, đương nhiên là có. Nếu chúng ta có thể tiếp cận các công ty còn trẻ, mới chập chững thành lập, họ có thể tham gia vào hạt nhân thương mại và trình bày những gì họ đang còn vướng mắc trước cả nhóm qua các kênh hiệp hội doanh nghiệp.

Không chỉ các công ty khởi nghiệp mà dự án này còn nhắm tới các doanh nghiệp đã thành lập lâu và có danh tiếng trên thị trường nội địa. Nói chung, cơ hội sẽ mở ra với cả hai nhóm doanh nghiệp.

Mục tiêu của TCV đặt ra là sau 3 năm, sẽ có thêm ít nhất khoảng 20% doanh nghiệp là đối tượng thụ hưởng của dự án có thể vào được thị trường EU. Ông nhìn nhận thế nào về con số này?

Nhiều người cũng đã thắc mắc về con số này là số lượng, lợi nhuận hay thị phần… Tuy nhiên, con số này đơn thuần chỉ số lượng doanh nghiệp thành viên trong các hiệp hội doanh nghiệp tăng lên.

Thông qua dự án, sẽ có khoảng 20% số lượng doanh nghiệp có thêm kết nối với thị trường EU, hoàn toàn không đề cập tới các mặt như doanh thu hay lợi nhuận…

Vậy với đánh giá của cá nhân ông, con số này liệu có khả thi?

Thực ra theo tôi, đây cũng là một mục tiêu có tham vọng. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, chúng tôi đang nỗ lực để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với càng nhiều thông tin liên quan tới thị trường EU càng tốt, để từ đó gây dựng mối quan hệ thương mại.

Do đó, trên thực tế mặc dù con số này khó đạt được, nhưng không phải là không thực tế.

Sau khi mạng lưới doanh nghiệp đã được gây dựng, chúng tôi cung cấp các dịch vụ cho họ, thì ít nhất họ có thể tạo được mối quan hệ với các doanh nghiệp ở thị trường EU.

Theo ông, vướng mắc lớn nhất để đạt được con số này là gì?

Qua nhiều năm làm việc tại các dự án ở Việt Nam, tôi thấy, vướng mắc lớn nhất nằm ở chỗ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không biết họ muốn gì?

Cho nên, một khi tạo được các nhóm doanh nghiệp gồm khoảng 20 doanh nghiệp, cho họ đến được với nhau, họ sẽ trình bày được họ muốn gì, cần gì, rồi chuyển nhu cầu đó tới các hiệp hội.

Theo kinh nghiệm của tôi đây là bước quan trọng nhất đối với các dự án kiểu như TCV.

Với một công ty vừa hoặc nhỏ đơn lẻ tại Việt Nam, việc đơn thương độc mã xâm nhập thị trường EU là điều vô cùng khó khăn, nếu không nói là bất khả thi.

Nhưng qua mô hình hạt nhân thương mại, những công ty vừa và nhỏ trong cùng một lĩnh vực sẽ được quy về một mối, họ có thể trao đổi với nhau về các khó khăn, vướng mắc họ gặp phải.

Từ đó, Ủy ban vận động chính sách có thể chuyển tải những phản hồi này lên cấp trên để điều chỉnh chính sách hoặc có sự giúp đỡ kịp thời cho các doanh nghiệp.

EU vốn là một thị trường khó tính với những tiêu chuẩn khắt khe. Doanh nghiệp Việt Nam cần đạt được những điều kiện gì để dược chọn làm đối tác của EU, thưa ông?

Đầu tiên doanh nghiệp Việt cần phải hiểu rõ và kỹ các yêu cầu về sản phẩm của EU.

Tiếp sau đó là phải tuân thủ luật pháp, đặc biệt là trong việc bảo vệ môi trường để được xuất khẩu hàng hóa sang EU. Đó là điều quan trọng nhất.

Ngoài ra, với nhu cầu sử dụng những hàng hóa chất lượng cao của người dân EU, các bạn cũng cần phải liên tục có những sáng tạo, đổi mới về khoa học công nghệ để có thể làm hài lòng những người có mức sống cao này.

Hiện nay, có một thực trạng đang diễn ra là khá nhiều thương hiệu hàng hóa của Việt Nam muốn vào thị trường EU thường phải dưới dạng bảo hộ nhãn hiệu của một doanh nghiệp khác. Theo ông, có giải pháp gì cho doanh nghiệp Việt Nam trong bài toán này?

Đúng là thương hiệu của một sản phẩm hay doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng để xây dựng hình ảnh tích cực trên trường quốc tế.

Nhưng như tôi đã đề cập, cái quan trọng nhất là cần đạt được các yêu cầu và tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm. Từ đó bạn mới có thể tiếp cận tới thị trường EU.

Do vậy, chỉ thương hiệu mạnh thôi là chưa đủ. Muốn vào được EU, các doanh nghiệp Việt phải làm tốt nhiều điều và phải có sự kết hợp giữa cả thương hiệu và chất lượng sản phẩm.

>> Doanh nghiệp Việt đang yếu nhất chỗ nào?

Theo Vũ Minh - Lê Phương

Cùng chuyên mục
XEM