Apple lách thuế bằng cách nào?

22/05/2013 15:32 PM | Quản trị

Các thành viên quốc hội Mỹ đã có một bản báo cáo về kết quả điều tra về chiến lược thuế của Apple. Dưới đây là những phát hiện đáng chú ý nhất.

1. Hầu như toàn bộ hoạt động ngoài nước Mỹ của Apple được điều hành thông qua Apple Operations International - một công ty ở Ireland không có nhân viên

Trong khi đó, Apple nói với các nhà điều tra là họ đã làm thất lạc tất cả hồ sơ liên quan tới lý do Operations International được thành lập vào năm 1980, cũng như những hồ sơ cho thấy vì sao toàn bộ doanh số bán hàng trên thế giới của Apple lại được chuyển qua công ty này.

2. Apple trả 2% - hoặc ít hơn – thuế thu nhập doanh nghiệp tại Ireland

Các nước có mức thuế thấp dành cho Apple sự đãi ngộ đặc biệt với thuế suất thuế thu nhập là 2%. Tuy nhiên trong một số trường hợp, con số này có thể còn thấp hơn. Ví dụ từ năm 2009 – 2011, công ty con Apple Sales International của Apple kiếm được 38 tỉ USD nhưng chỉ phải trả 21 triệu USD tiền thuế, tương đương mức thuế suất thực tế là 0,06%.

3. Apple Operations International, công ty đem lại 30% lợi nhuận ròng toàn cầu cho Apple trong khoảng 2009 – 2011, không hề phải nộp thuế.

“Mánh khóe” này của Apple phải nói là rất thông minh: Luật pháp Mỹ quy định một doanh nghiệp có thể bị đánh thuế tùy theo nơi thành lập công ty, còn luật pháp Ireland quy định đánh thuế doanh nghiệp dựa trên vị trí của người quản lý công ty. Như vậy, nếu bạn thành lập một công ty con ở Ireland nhưng quản lý công ty đó từ Mỹ, theo quy định tính tới hiện tại, bạn không phải nộp thuế ở quốc gia nào.

Đó là chính xác những gì Apple đã thực hiện, không kê khai thuế cho Apple Operations International ở bất cứ quốc gia nào trong 5 năm qua.

4. Lợi nhuận ở Mỹ của Apple cuối cùng lại ở Ireland

Báo cáo điều tra này không chỉ tố cáo hành vi lách thuế của Apple đối với doanh số bán hàng ở nước ngoài, mà còn nói rằng Apple đang chuyển lợi nhuận tại Mỹ sang các công ty con ở Ireland.

Cách thức như sau: Apple xây dựng thỏa thuận chia sẻ chi phí với các công ty ở Ireland. Theo đó, các công ty con sẽ nhận được một phần lợi nhuận không cân đối từ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Mỹ. Từ 2009 – 2012, Apple đã chia cho bộ phận tại Mỹ 4 tỉ USD chi phí R&D và 38,7 tỉ lợi nhuận, trong khi công ty con ở Ireland nhận được 4,9 tỉ chi phí R&D nhưng tới 74 tỉ USD lợi nhuận.

5. Hầu hết 102 tỉ USD Apple đang giữ “ở nước ngoài” lại nằm trong các ngân hàng Mỹ.

Vì các công ty ở Ireland được quản lý bởi nhân viên Mỹ, tiền mặt ở Ireland của Apple chủ yếu được lưu trữ ở các tổ chức tài chính của Mỹ, chủ yếu được quản lý bới Braeburn Capital.

6. Apple có vẻ rất kém trong việc ước tính thuế của chính mình

Trong các báo cáo hãng năm từ 2009 – 2011, Apple thông báo với các nhà đầu tư là họ dành ra 13,7 tỉ USD để trả thuế liên bang. Tuy nhiên, thực tế Apple chỉ trả 5,3 tỉ USD. Tất nhiên đây chỉ là con số ước tính trước, nhưng thật lạ lùng khi mỗi năm Apple ước tính chênh lệch nhiều tỉ USD. Do đó, thuế suất tại Mỹ của Apple thực tế chỉ là 20,1%, thấp hơn nhiều so với mức từ 24% tới 32% như hãng công nghệ này nói.

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM