ADB: Phần lớn dự án BOT của Việt Nam không qua đấu thầu cạnh tranh
"Cách làm của Việt Nam không phù hợp với chuẩn mực Quốc tế, phần lớn các dự án không được trao thầu thông qua đấu thầu cạnh tranh"
Không một chính phủ nào có thể kham nổi toàn bộ việc đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, nhưng cũng không nhà đầu tư tư nhân nào có thể làm được việc này vì đây là lĩnh vực có hiệu quả kinh tế thấp và nhiều rủi ro. Đó là lý do mô hình PPP (Public Private Partner - hợp tác công - tư, trong đó Nhà nước cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào các dịch vụ hoặc công trình công cộng) ra đời.
Với mô hình PPP, Nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân, được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ. Mô hình PPP đặc biệt phát triển mạnh tại châu Á trong bối cảnh châu lục này phát triển nhu cầu về dịch vụ công cộng cũng như cơ sở hạ tầng rất lớn.
Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhận định, tại Việt Nam, đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng còn rất hạn chế. Trong đó, một nguyên nhân quan trọng là do các cơ quan Nhà nước đã "thiết lập cách làm riêng của mình trong các dự án BOT - loại hình dự án PPP được ưa chuộng tại Việt Nam".
"Cách làm của Việt Nam không phù hợp với chuẩn mực Quốc tế, phần lớn các dự án không được trao thầu thông qua đấu thầu cạnh tranh", báo cáo ADB nhận định.
Việc "bắt tay" với Nhà nước cũng chẳng hấp dẫn gì khi các công ty tư nhân đánh giá quy trình đấu thầu và đàm phán các dự án PPP rất tốn thời gian và không thể tiên liệu. Ngoài ra, còn có những quan ngại về chất lượng của các nghiên cứu khả thi PPP.
Nhà đầu tư tư nhân cho rằng đấu thầu PPP tại Việt Nam thiếu minh bạch và rất tốn thời gian.
Theo tính toán, Việt Nam cần khoảng 170 tỷ USD đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp thoát nước, giao thông trong giai đoạn 2011-2020. Trong khi đó, Ngân sách đang bị thâm hụt triền miên chỉ có thể đáp ứng khoảng một nửa con số này.
Để bù đắp phần thiếu hụt, Việt Nam hiện đang nỗ lực nhiều hơn để lôi kéo khu vực tư nhân tham gia vào các dự án công. Năm 2012, Chính phủ đã cho thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về PPP, do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì.
Năm ngoái, Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch-Đầu tư xây dựng dự thảo nghị định nhằm cải thiện khung pháp lý cho PPP, thay thế các quy định pháp luật liên quan đến PPP hiện hành bằng một khung pháp lý thuận lợi hơn cho người sử dụng và công tác quản lý. Dự thảo hiện đang trong quá trình lấy ý kiến của các bên và nhiều khả năng sẽ được thông qua vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, luật đấu thầu mới điều chỉnh quy trình lựa chọn nhà đầu tư cũng sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 năm 2014.
Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra e ngại. mối lo chính của các DN tư nhân vẫn là sự minh bạch trong đấu thầu và phải cạnh tranh với các DN Nhà nước trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hoặc có sự chỉ đạo của nhà nước. Ngay cả khi trúng thầu, các DN tư nhân vẫn phải đối mặt với rủi ro do sự thiếu nhất quán trong chính sách liên quan đến sự tham gia của khu vực tư nhân trong nền kinh tế.
Trang Lam
Theo Trí Thức Trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!
http://ttvn.toquoc.vn/search.htm?keyword=ADB%3A+Ph%E1%BA%A7n+l%E1%BB%9Bn+d%E1%BB%B1+%C3%A1n+BOT+c%E1%BB%A7a+Vi%E1%BB%87t+Nam+kh%C3%B4ng+qua+%C4%91%E1%BA%A5u+th%E1%BA%A7u+c%E1%BA%A1nh+tranh