Hơn 1 tỷ đồng cho 1 nhà vệ sinh công cộng: Thực hư ra sao?
08/11/2013 07:49 AM
|
Nội dung nổi bật:
- Theo chủ đầu tư, với nhà vệ sinh công cộng, chi phí đắt nhất là thiết bị nhà vệ sinh bằng thép, chiếm khoảng 60-70% tổng số vốn đầu tư. Trong đó bao gồm thiết bị vệ sinh và phòng cho người ngồi quản lý.
- Thực tế, đã có cả chục nhà vệ sinh bằng thép giá 600 triệu đến hơn 1 tỷ đồng đã được lắp đặt ở Hà Nội từ năm 2010.
- Nhân viên một số công ty cung cấp thiết bị vệ sinh cho rằng chi phí có thể rẻ hơn rất nhiều.
Dự án 14 nhà vệ sinh công cộng với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí lấy từ tiền ngân sách của Thành phố Hà Nội đang gây nhiều tranh cãi. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội cho rằng, dư luận không hiểu gì về xây dựng lên mới ầm ĩ như vậy.
Đắt vì có chỗ ở cho nhân viên quản lý?
Dự án này được Thành phố giao cho Ban quản lý làm chủ đầu tư, dự kiến, tổng đầu tư của dự án khoảng 15 tỷ đồng. Với nhà vệ sinh này chi phí đắt nhất là thiết bị nhà vệ sinh bằng thép, chiếm khoảng 60-70% tổng số vốn đầu tư. Trong đó bao gồm thiết bị vệ sinh và phòng cho người ngồi quản lý. Phòng này được đặt ngay trong nhà vệ sinh bằng thép, và phải đảm bảo họ không bị nóng.
Ông Cường khẳng định, thiết bị trong những nhà vệ sinh này đều là những thiết bị bình thường không khác những nhà vệ sinh đã làm trước đó như ở TP.HCM, Đà Nẵng, và cả Hà Nội từng sắm. Nếu vậy, mỗi nhà vệ sinh này có giá hàng tỷ là vì có chỗ ở cho nhân viên quản lý chứ không phải “dát vàng”, hay kim cương như dư luận bàn tán.
Cụ thể, chi phí xây dựng 1,1 tỷ đồng, chi phí thiết bị 11,3 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 235 triệu đồng, tư vấn 485 triệu đồng, chi phí khác 874 triệu đồng và chi phí dự phòng 904 triệu đồng.
Tuy nhiên, ông Cường lập luận, dự án đang trong quá trình chuẩn bị, tất cả mới chỉ là khái toán.
Sau khi có sự thỏa thuận, thống nhất với các quận, huyện lúc đó đơn vị mới tiến hành khảo sát về địa hình, mật độ dân cư, lượt khách vãng lai và cuối cùng là lên phương án mặt bằng. Chi phí đề xuất cho chuẩn bị đầu tư dự kiến khoảng 358 triệu đồng.
Ông Cường cho biết, tất cả đều được thực hiện theo đúng quy trình luật đầu thầu, với sự tham gia của cơ quan thẩm định giá thuộc Bộ Tài chính, Sở Tài chính và sẽ tổ chức đầu thầu chào hàng cạnh tranh công khai.
Theo ông Cường, dự án này được nằm trong kế hoạch chỉnh trang đô thị ở Hà Nội từ năm 2010. Thực tế, đã có cả chục nhà vệ sinh bằng thép giá 600 triệu đến hơn 1 tỷ đồng đã được lắp đặt ở Hà Nội từ năm 2010.
Ai hiểu rõ được...nhà vệ sinh?
Ông Nguyễn Mạnh Cường lý giải, xét về giá trị thực tế, một nhà vệ sinh không thể lên tới tiền tỷ mà rơi vào tầm khoảng 300 đến 350 triệu đồng. Tuy nhiên, để làm một nhà vệ sinh công cộng thì không hề đơn giản.
Ông Cường cho rằng, những người kêu chi phí trên trời với nhà vệ sinh “dát vàng”, hay khách sạn 5 sao thực chất là họ... không hiểu gì.
Ban này cũng gửi kèm báo giá thiết bị của Công ty TNHH cơ điện lạnh Hoàng Gia. Theo đó, doanh nghiệp này chào giá loại nhà vệ sinh 4 buồng bằng thép kích thước 2,2 x 7,5 x 3 mét, diện tích lắp đặt 22 m2, có bể nước, bể xử lý chất thải, chậu rửa, gương, vòi xịt, đèn chiếu sáng, tủ điều khiển.... với giá 1,050 tỷ đồng, chưa có thuế VAT. Bên cạnh đó, loại nhà vệ sinh 2 buồng cũng được doanh nghiệp này chào giá 675 triệu đồng.
Ông Cường khẳng định, không có chuyện nhà vệ sinh bằng thép mà chỉ có giá trên 300 triệu. Ông Cường đặt cược, nếu có giá trên 300 triệu/nhà vệ sinh bằng thép ông Cường sẵn sàng... tặng không.
Trước thông tin về dự án này, nhân viên Công ty chuyên cung cấp thiết bị nội thất cao cấp Toto, giật mình cho biết, nếu lắp đặt thiết bị trong những nhà vệ sinh này dù hàng cao cấp cũng không hết bao nhiêu tiền, chỉ khoảng vài chục triệu là nhiều.
Với lời giới thiệu, nhà vệ sinh không chỉ có có tác dụng đơn thuần là “giải quyết nỗi buồn”, nhà vệ sinh còn được trang bị những tính năng hiện đại, cũng như được thiết kế như một kiệt tác.
Thiết bị vệ sinh đắt nhất của Toto, có hàng loạt tính năng như nắp tự động mở ra mỗi khi tiếp cận thiết bị vệ sinh này. Ngay sau khi ngồi lên, nó sẽ tự động tham gia kích hoạt hệ thống lọc không khí với tên gọi Power Catalytic Air Purifier. 6 giây sau khi ra khỏi phạm vi cảm biến của nhà vệ sinh, nó sẽ tự động xả nước và đóng nắp lại.
Cũng có thể dùng điều khiển từ xa không dây, có thể bấm nút mở, đóng hoặc làm ấm chỗ ngồi, thay đổi nhiệt độ nước, xả nước xoáy mạnh hơn, bật đèn tự động hoặc điều khiển các chức năng vòi rửa. Với thiết bị này cũng chỉ có giá 5.000 USD (tương đương 100 triệu).
Tương tự, nhân viên kinh doanh của Công ty Icd waste Technology cũng khẳng định, kinh phí cho thiết bị trong nhà vệ sinh công cộng mô hình này là không nhiều.
Nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Phú Quang chuyên cung cấp các thiết bị nhà vệ sinh công cộng thì bật cười. Nhân viên này cho biết, với chi phí 1 tỷ thì hoàn toàn có được một nhà vệ sinh với đầy đủ thiết bị hiện đại, thông minh, chất lượng cao dù có lắp đặt cả hệ thống massge cũng không hết được số tiền này.
Cũng theo lời nhân viên này, nếu chỉ lắp đặt thiết bị bình thường, với chi phí này có thể lắp được cả mấy chục nhà vệ sinh bằng thép chứ không phải là mười mấy nhà vệ sinh (tức là khoảng hơn 300 triệu/nhà vệ sinh).
Theo Xuân Tùng
Theo Đất Việt
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!