Quản lý chặt định danh thương mại điện tử bằng định danh người bán

25/01/2025 08:55 AM | Kinh doanh

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử để định danh người bán trên sàn thương mại điện tử thông qua VneID.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 09, trong đó yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử để định danh người bán trên các sàn thương mại điện tử thông qua VneID. 

Hiện nay trung bình mỗi tháng người Việt chi gần 1 tỷ USD (khoảng gần 24.000 tỷ đồng) để mua sắm trên các sàn thương mại điện tử. Việt Nam thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này kéo theo tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thất thoát thuế ngày càng tinh vi, phức tạp.

Quản lý chặt định danh thương mại điện tử bằng định danh người bán- Ảnh 1.

Trung bình mỗi tháng người Việt chi gần 1 tỷ USD để mua sắm trên các sàn thương mại điện tử.

Doanh nghiệp một tháng sản xuất hơn 30.000 sản phẩm xe đạp, tiêu thụ trong thị trường nội địa. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, bắt trước kiểu dáng và bán với giá chỉ bằng 1/5 sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất đã và đang gây ra nhiều khó khăn.

Ông Phí Trọng Thành - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thống nhất cho hay: "Họ sẽ làm suy yếu thương hiệu của trong nước với việc sản phẩm không có chất lượng đủ tốt".

Theo quy định của pháp luật, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới phải đăng ký khai báo với các cơ quan chức năng khi có 1 trong 3 tiêu chí: có tiếng Việt, có tên miền tiếng Việt hoặc có trên 100.000 giao dịch tại Việt Nam trở lên.

Ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho hay: "Không thể cấm được việc người dân, doanh nghiệp có thể vào những trang alibaba để đặt hàng. Theo như quy định của pháp luật hiện hành họ không phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương".

Theo Nghị định 85 của Chính phủ về thương mại điện tử, vẫn chưa có quy định về người bán trên sàn phải định danh, mới chỉ có quy định về thuế yêu cầu các sàn phải cung cấp thông tin về người bán cho cơ quan thuế.

"Một số sàn thương mại điện tử ở nước ngoài hoạt động xuyên biên giới, bán hàng cho người cư trú tại Việt Nam thì công tác phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu", Thượng tá Phạm Công Hải - Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho hay.

Gia tăng vi phạm trong thương mại điện tử

Quản lý chặt định danh thương mại điện tử bằng định danh người bán- Ảnh 2.

Số vụ vi phạm bị xử lý về hàng giả, hàng nhái, cạnh tranh không lành mạnh trên không gian mạng tăng 2,4 lần, số tiền xử phạt tăng gần 3 lần so với năm 2023.

Các sàn thương mại điện tử nổi bật nhất ở Việt Nam phải kể đến là Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023. Tuy nhiên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, số vụ vi phạm bị xử lý về hàng giả, hàng nhái, cạnh tranh không lành mạnh trên không gian mạng tăng 2,4 lần, số tiền xử phạt tăng gần 3 lần so với năm 2023.

Cụ thể, trong năm 2024 cả nước đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm, cao gấp 2,6 lần so với năm trước đó, trị giá hàng hóa vi phạm cũng cao gấp 4,4 lần. Lực lượng chức năng đã ứng dụng chuyển đổi số, sử dụng công cụ, phương tiện kỹ thuật rà quét, phát hiện vi phạm. Xử lý vi phạm trên thương mại điện tử sẽ "đụng chạm" đến lợi ích của nhiều người nổi tiếng tham gia quảng cáo với hàng triệu lượt theo dõi, có sức ảnh hưởng lớn nhưng lực lượng chức năng cho biết sẽ "không có vùng cấm". Một con số đáng chú ý khác được Tổng cục thuế đưa ra là chỉ trong năm 2024, đã có 30.000 cá nhân kinh doanh online vi phạm về thuế và bị xử phạt 1.223 tỷ đồng.

Trung Quốc quản lý chặt thương mại điện tử bằng định danh

Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 61 triệu người dùng thương mại điện tử, tức cứ 5 người thì có 3 người đã tham gia mua bán trên thương mại điện tử. Để xác thực 61 triệu người này đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, và không có cách nào khác phải sử dụng giải pháp công nghệ. Tại các quốc gia phát triển, hệ thống định danh người bán hàng thương mại điện tử hoàn thiện đã mang lại hiệu quả quản lý rất lớn.

Quản lý chặt định danh thương mại điện tử bằng định danh người bán- Ảnh 3.

Tại Trung Quốc người đăng ký bán hàng phải chính chủ để đảm bảo cho quá trình thanh toán, hậu mãi hàng hóa với bên mua cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Yếu tố bắt buộc ở Trung Quốc là người đăng ký bán phải chính chủ để đảm bảo cho quá trình thanh toán, hậu mãi hàng hóa với bên mua cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật. Yếu tố chính danh, chính chủ được Trung Quốc quy định ngặt nghèo không chỉ trong lĩnh vực thương mại điện tử mà còn trong đăng ký số điện thoại di động. Bởi tại đất nước tỷ dân, chính chủ, chính danh liên quan đến yếu tố thanh toán, đánh giá công dân. Đây là quy định bắt buộc và có từ nhiều năm nay. 

Với các lĩnh vực chuyên môn như y tế, tài chính, giáo dục cần có bằng cấp tương ứng ngoài các yêu cầu về tính trung thực, đạo đức kinh doanh, người bán hàng còn phải có thêm bằng cấp chuyên môn. 

Tại Trung Quốc ngoài các quy định pháp luật xử lý nghiêm các hành vi bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, quảng cáo thổi phồng thì người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử còn chịu quản lý ngầm bằng những quy định về chấm điểm công dân, đánh giá từ người tiêu dùng. Nếu lừa gạt người tiêu dùng, hay trốn thuế dễ bị cơ quan chức năng đưa vào danh sách đen và nguy cơ đóng cửa hàng là rất lớn.

Tuy người mua, người bán ít khi gặp nhau như cách bán hàng truyền thống ngoài chợ nhưng người bán hàng trên thương mại điện tử phải là chính chủ, phải là người thật, phải giữ chữ tín thì mới tồn tại được trong cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Dự báo trong năm 2025, thương mại điện tử sẽ cán mốc 30 tỷ USD, chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ và đóng góp vào mục tiêu 20% GDP của kinh tế số. Có thể thấy, việc thực hiện định danh trên sàn thương mại điện tử là yêu cầu cấp thiết, bởi việc xác thực danh tính sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, cạnh tranh lành mạnh hơn và giúp người bán hàng có thể an tâm đầu tư, kinh doanh trong khi người mua hàng được đảm bảo quyền lợi của mình. Chỉ có như vậy mới có thể phát triển thương mại điện tử lành mạnh và bền vững.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM

NỔI BẬT TRANG CHỦ

Chuyện gì đây: "Ông trùm" F&B Golden Gate thâu tóm The Coffee House?

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh The Coffee House đang đối mặt nhiều khó khăn.

Elon Musk đang 'giết chết' Tesla?

Doanh số bán hàng của Tesla đang giảm chưa từng có, trong khi các chủ sở hữu bán tháo xe cũ.

The Coffee House trước tin đồn 'bán mình' cho Golden Gate: Đóng gần 1/2 số cửa hàng so với thời hoàng kim, chìm trong lỗ lũy kế, bị các 'ông lớn' F&B cạnh tranh thị phần

Cựu CEO Nguyễn Hải Ninh gọi The Coffee House là “phần đẹp nhất trong tuổi thanh xuân”, trong khi Nikkei Asia từng đánh giá đây là startup mô hình cà phê phát triển nhanh nhất. Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, The Coffee House dần đánh mất hào quang, rơi vào thua lỗ, thu hẹp thị phần.

Hãng son “quốc dân” Merzy thông báo rời Việt Nam sau 9 năm tham gia thị trường

Hãng son của Hàn Quốc - Merzy thông báo rời thị trường Việt Nam sau 9 năm gắn bó.