Quan chức Nhà Trắng yêu cầu hoãn áp dụng lệnh cấm Huawei trong 2 năm
Người quản lý ngân sách Nhà Trắng yêu cầu hoãn áp dụng các lệnh cấm với tập đoàn công nghệ Huawei khoảng 2 năm, nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ.
Quyền Giám đốc Văn phòng Ngân sách và Quản lý Nhà Trắng, Russell Vought, đang tìm cách trì hoãn thực thi các hạn chế đối với gã khổng lồ công nghệ Huawei có trụ sở tại Trung Quốc, Tạp chí Phố Wall đưa tin hôm 9/6.
Theo báo cáo, quyền Giám đốc Văn phòng Ngân sách và Quản lý đưa ra yêu cầu này trong thư gửi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và các thành viên của Quốc hội Mỹ. Ông Vought cũng yêu cầu trì hoãn việc thực thi Đạo luật ủy quyền quốc phòng, được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký năm 2018 mà dự kiến các điều khoản nhắm vào Huawei .
Theo báo cáo của quyền Giám đốc Văn phòng Ngân sách và Quản lý Vought, lệnh cấm với Huawei sẽ khiến chính phủ mất đi số lượng nhà thầu đáng kể.
"Trong khi chính quyền nhận ra tầm quan trọng của những lệnh cấm này với an ninh quốc gia [...] Một số cơ quan thấy mối quan ngại đáng kể từ một loạt các bên liên quan có khả năng bị ảnh hưởng", bức thư viết.
Bức thư cho rằng, việc trì hoãn sẽ cho chính phủ Mỹ "thêm thời gian để suy nghĩ thấu đáo về các tác động tiềm năng và hướng giải quyết chúng".
Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ vẫn chưa lên tiếng về thông tin bức thư này.
Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5 đưa Huawei Technologies và khoảng 70 chi nhánh vào danh sách đen, cấm họ mua thiết bị Mỹ nếu không có sự cho phép của chính phủ. Thực hiện lệnh cấm, Google tạm dừng kinh doanh với Huawei, bao gồm việc chuyển giao các dịch vụ phần cứng, phần mềm và kỹ thuật, ngoại trừ các dịch vụ công khai thông qua cấp phép nguồn mở.
Một số quốc gia cáo buộc Huawei được nhà nước Trung Quốc tài trợ và làm gián điệp cho họ qua các thiết bị. Năm 2018, Australia, Nhật Bản, New Zealand cấm công ty tham gia hợp đồng chính phủ do lo ngại an ninh.
Nhà Trắng vận động và gây sức ép với các đồng minh thân cận ở châu Âu ngừng hợp tác với Huawei vì lý do an ninh. Huawei nhiều lần bác bỏ các cáo buộc của cơ quan tình báo Mỹ rằng họ cài đặt quyền tiếp cận "cửa sau" vào các thiết bị của mình theo lệnh chính phủ Trung Quốc, giúp Bắc Kinh theo dõi người dùng.