'Quả bom nhiệt' kích hoạt, giết chết hải lưu Gulf Stream: Viễn cảnh đáng sợ nào sẽ xảy ra với con người?
Nếu hải lưu Gulf Stream 'chết', bờ biển phía đông của Mỹ và Tây Âu sẽ chìm vào Kỷ băng hà lạnh giá.
Được ví là 'lò sưởi khổng lồ' của đại dương, dòng hải lưu Gulf Stream (Dòng Vịnh) là một trong những dòng hải lưu lớn nhất, dữ dội nhất và chảy nhanh nhất Trái Đất.
Theo các nhà khoa học, nhờ có gió, trọng lực, mật độ nước biển mà hải lưu (dòng chảy đại dương) được hình thành tự sự dịch chuyển của nước trên đại dương.
Các dòng hải lưu quyết định khí hậu Trái Đất. Chúng điều hòa nước đại dương bằng cách (1) đẩy nước ấm ở vùng xích đạo về hai cực của Trái Đất và (2) đưa nước lạnh ở các cực trở lại xích đạo. Do đó, đại dương có hai loại hải lưu là hải lưu nóng và hải lưu lạnh, Gulf Stream thuộc hải lưu nóng.
Nó di chuyển từ vùng biển nóng sang vùng biển lạnh. Cụ thể, Gulf Stream mang nước biển ấm áp chảy suốt từ Vịnh Mexico đến bờ biển phía đông của Mỹ và đảo Newfoundland (Canada), sau đó băng qua Đại Tây Dương nơi nó chia làm hai nhánh - băng qua Bắc Âu và quay lại Tây Phi.
Bản đồ nhiệt của dòng hải lưu Gulf Stream tại Vịnh Mexico. Nguồn: NASA
Vào mùa Thu, nó di chuyển về phía bắc, đến mùa Đông và đầu mùa Xuân, nó di chuyển về phía nam. Chiều rộng của dòng hải lưu nóng này dao động từ 100 đến 200 km.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) nhận định, Gulf Stream là hải lưu dữ dội và chảy nhanh bậc nhất Trái Đất. Tốc độ di chuyển của nó phụ thuộc vào khu vực mà nó di chuyển qua, tuy nhiên, tốc độ trung bình của Gulf Stream nhanh hơn gấp 300 lần so với tốc độ chảy cực đại của sông Amazon (Nam Mỹ, dòng sông có lưu lượng chảy lớn nhất hành tinh). Vận tốc chảy nhanh nhất mà Gulf Stream đạt được là 9 km/giờ (tương đương 2,5 mét/giây).
Gulf Stream chở khoảng 113 triệu mét khối nước mỗi giây - bằng lượng nước của tất cả các con sông trên Trái Đất cộng lại, dữ liệu của NOAA.
Các nhà khoa học đặt vấn đề: Làm cách nào mà băng tan có thể làm biến đổi thế giới? Tại sao các dòng hải lưu có khả năng đưa chúng vào Kỷ băng hà mới?
Năm 2018, tờ Guardian (Anh) dẫn thông tin của các nhà khoa học cho biết, dòng hải lưu Gulf Stream đang trong tình trạng chảy yếu nhất trong 1.600 năm. Vấn đề này khiến giới nghiên cứu không khỏi lo ngại đến vấn đề một ngày nào đó, Gulf Stream sẽ ngưng chảy, dù phải mất nhiều thế kỷ điều này mới có khả năng xảy ra.
Cần phải nhắc lại: Các dòng hải lưu quyết định khí hậu Trái Đất. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu dòng hải lưu nóng Gulf Stream biến mất?
Các dòng hải lưu trên thế giới định hình khí hậu Trái Đất. Ảnh: SPL
Gulf Stream đóng vai trò là một phần của vành đai băng tải đại dương toàn cầu (hệ thống lưu thông nhiệt độ và độ mặn toàn cầu).
Trong các yếu tố ảnh hưởng, hải lưu có tác động rất lớn đến sự hình thành khí hậu ở các vùng trên thế giới, do khả năng truyền nhiệt cao của nước biển so với không khí, các dòng hải lưu nóng và lạnh đã điều tiết sự chênh lệch nhiệt độ giữa các vùng vĩ độ cao - thấp cũng như bờ Đông – bờ Tây của các đại dương. Ngoài ra, các dòng hải lưu còn ảnh hưởng đến lượng mưa, độ ẩm, đa dạng sinh học… của các vùng mà nó đi qua, thông tin từ website của Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ.
Vậy vai trò của băng trong sự hoạt động của dòng hải lưu là gì?
Hải lưu tạo ra sự khác biệt về mật độ nước. Nước ấm có mật độ thấp hơn và nổi lên bề mặt đại dương. Ngược lại, nước lạnh có mật độ cao hơn, do đó chúng có xu hướng chìm xuống đáy.
Bên cạnh đó, còn có 1 yếu tố nữa xác định mật độ của nước đó là lượng muối của nước. Đây là lúc vai trò của băng được nhắc đến.
Băng ở các cực gồm cả nước ngọt. Khi băng tan chảy do sự nóng lên toàn cầu (tựa bom nhiệt) không ngừng gia tăng, quá trình băng tan chảy sẽ bổ sung thêm nước ngọt vào biển khiến cho nước ở Bắc Đại Tây Dương bớt đậm đặc hơn (bớt mặn hơn). Đến một lúc nào đó, nước biển lạnh sẽ không thể chìm xuống đáy được nữa. Điều này khiến băng tải đại dương toàn cầu ngừng lưu thông, ảnh hưởng đến sự di chuyển của các dòng nước đại dương (hải lưu).
Đó là lúc đánh dấu sự kết thúc của Gulf Stream, và là sự khởi đầu của một thứ đáng sợ khác: Kỷ băng hà mới!
Khi con người đang làm nóng hành tinh lên theo thời gian, thì khí hậu lại diễn biến theo những cách bất ngờ và không hề đơn giản.
Gulf Stream là một dòng hải lưu nóng. Nó giúp cho mùa Đông ở biển phía tây châu Âu trở nên ôn hòa. Nó cũng giữ cho nhiệt độ mùa Đông ấm hơn và nhiệt độ mùa Hè mát hơn trên bờ biển phía đông bang Florida (Mỹ).
Thảm kịch cụ thể gì sẽ xảy ra nếu Gulf Stream ngừng chảy, ngừng mang nước ấm đến các khu vực mà nó từng đi qua?
- Tây Âu, Bắc Mỹ sẽ chìm trong tình trạng đóng băng, lạnh giá. Nhiệt độ trung bình của châu Âu sẽ giảm tới 10 độ C.
- Bão băng sẽ hoành hành khắp Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh. London, trong số các thành phố khác, sẽ bị bao phủ trong tuyết lạnh nhiều tuần.
Bão băng sẽ hoành hành khắp Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh. Ảnh minh họa
- Bờ biển phía đông của Mỹ đối mặt một vấn đề khác - mực nước tăng. Thông thường, mực nước biển tại bờ biển nước Mỹ thấp hơn so với mực nước biển ở châu Âu. Đó là vì Gulf Stream ấm hơn khi đến châu Âu. Do vậy, nếu Gulf Stream ngừng chảy, nước biển sẽ bị đẩy về phía Mỹ.
Về lâu dài, lũ lụt ven biển sẽ phá vỡ nền nông nghiệp ở những khu vực đó, nhấn chìm các nền kinh tế dựa vào việc trồng trọt và phân phối cây trồng.
- Và trong khi bờ biển phía đông của Mỹ và Tây Âu trở nên lạnh lẽo khi chìm trong Kỷ băng hà địa phương, thì nhiệt độ ở phần còn lại của thế giới sẽ vẫn tiếp tục tăng, bởi khi đó thế giới đang chìm trong bầu khí quyển nóng do băng (đóng vai trò là tủ lạnh tự nhiên) liên tục tan.
- Biến đổi khí hậu sẽ kích hoạt các đám cháy, sóng thần, bão - tất cả cùng một lúc. Đó sẽ là một thế giới khác, một thế giới đầy rẫy thảm họa, tang thương.
Đây là những thảm kịch thời tiết mà Trái Đất đã từng thấy trước đây. Nhưng lần này, nền văn minh vượt bậc của con người sẽ bị phá vỡ.
Chỉ một ví dụ về sự kiện nếu Gulf Stream ngừng chảy, nhân loại đã đối mặt vô vàn thảm kịch tự nhiên. Trong khi đó, đại dương rộng lớn còn chứa rất nhiều các dòng hải lưu chưa được định danh, nghiên cứu. Dưới tác động ngày một nhiều của con người (phát thải khí nhà kính gây băng tan), đến 1 lúc nào đó, chính con người sẽ hủy hoại môi sinh của mình!