Proton - Niềm tự hào của ô tô Malaysia vừa phải bán mình cho ông lớn xe hơi Trung Quốc

07/09/2017 07:30 AM | Kinh doanh

Proton là hãng ô tô khiến người Malaysia tự hào vì là sản phẩm nội địa hoàn toàn, tuy nhiên lịch sử hãng có thể sẽ thay đổi kể từ khi tập đoàn Geely của Trung Quốc mua lại gần 50% cổ phần.

Hãng xe Proton được thành lập vào năm 1983, trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa dưới thời cựu thủ tướng Mahathir Mohamad. Chỉ hai năm sau đó, nhà máy đầu tiên của Proton đi vào hoạt động với dòng xe Proton Saga 1,3 lít. Động cơ của chiếc xe này vẫn phải nhập khẩu từ nhà máy Mitsubishi tại Nhật và tỷ lệ nội địa hóa chỉ vào khoảng 18%.

Nhờ sự phát triển không ngừng, tỷ lệ nội địa hóa trong các xe của Proton đã tăng lên hơn 69% vào giữa năm 1989 và đến năm 2000, lần đầu tiên một chiếc ô tô hoàn toàn “Made in Malaysia” đã chính thức ra đời.

Giai đoạn chính phủ Malaysia ban hành chính sách lãi suất thấp với các khoản vay mua sắm hàng hóa nội địa, thị phần của Proton đã từng đạt con số 74%. Tuy nhiên, sản phẩm không nổi bật, chính sách hậu mãi hạn chế và sự canh tranh gay gắt của các thương hiệu nước ngoài đã đẩy thị phần Proton xuống còn 15% vào năm ngoái.

Để vực dậy thương hiệu mạnh ngày nào, Proton đành tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Cuộc bán mình

Theo báo quốc tế, vào tháng 5 năm nay, tập đoàn xe hơi Trung Quốc Geely, đơn vị hiện sở hữu thương hiệu xe sang Volvo, đã mua lại 49,9% cổ phần từ Proton, mở đường cho bước tiến sau này của Geely vào khu vực Đông Nam Á.

Theo thỏa thuận, Geely cũng mua lại 51% cổ phần Proton đang sở hữu tại Lotus, hãng sản xuất xe thể thao nổi tiếng của Anh trước đây. Với bước tiến này, Geely kỳ vọng sẽ bổ sung thêm một sản phẩm uy tín vào danh mục xe của mình, giống như Volkswagen có Porsche và Toyota có Lexus.

“Sự gia nhập của Proton và Lotus sẽ giúp chúng tôi củng cố vị thế trên phạm vi toàn cầu cũng như xây dựng chỗ đứng vững chắc tại thị trường Đông Nam Á”, phó chủ tịch điều hành Geely, Daniel Li Donghui, chia sẻ.

Proton - Niềm tự hào của ô tô Malaysia vừa phải bán mình cho ông lớn xe hơi Trung Quốc - Ảnh 1.

Một mẫu xe của Proton

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Malaysia, ông Johari Abdul Ghani cho biết Proton sẽ luôn là thương hiệu ô tô quốc gia, là niềm tự hào của người Malaysia, vì hãng xe thuộc sở hữu nhà nước này vẫn nắm quyền kiểm soát 50,1% số cổ phần còn lại.

“Thương hiệu ô tô của chúng tôi sẽ có cơ hội hồi sinh, một cơ hội rất lớn, tôi hy vọng là thế”, ông nói.

Khafif Japrif, chủ tịch câu lạc bộ những người yêu thích xe Proton thì cho biết: “Niềm tự hào dân tộc còn mãi trong mạch máu chúng tôi. Cái chúng tôi muốn ở đây là thương hiệu Proton sẽ phát triển tốt hơn, mạnh mẽ hơn, có thể cạnh tranh với các đối thủ ngoại”.

Geely hiện đặt mục tiêu sẽ hồi sinh Proton và sản xuất khoảng 500.000 xe trước 2020 riêng cho thị trường ASEAN. Đơn vì này cũng khẳng định 10.000 công nhân của Proton không bị ảnh hưởng bởi thương vụ vừa ký kết với Geely.

Trước khi thương vụ mua bán với Proton diễn ra, hãng xe hơi Trung Quốc từng gây chú ý bằng việc mua lại hãng xe Thụy Điển Volvo từ Ford trị giá 1,8 tỷ USD. Nhờ tiềm lực tài chính mạnh, Geely dần nâng tầm Volvo lên hàng xe sang, cạnh tranh với những đối thủ như Mercedes, BMW, Audi, Lexus.

Sau 31 năm hình thành và phát triển, đến nay, Geely là một trong những hãng xe tư nhân lớn nhất Trung Quốc. Tỷ phú Trung Quốc Li Shufu, chủ tịch tập đoàn Geely cũng nắm giữ khối tài sản khoảng 7 tỷ USD, được mệnh danh là “Henry Ford của Trung Quốc”.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM