Project Syndicate: Coronavirus sẽ gián tiếp gây ra 2 cú sốc cung và 1 cú sốc cầu lớn
Dựa trên giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục và Hong Kong so với GDP, Project Syndicate đánh giá Đài Loan có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thứ hai là Việt Nam, sau đó là Malaysia và Hàn Quốc.
Các biện pháp kiềm chế dịch coronavirus của chính phủ Trung Quốc đang có tác động lớn đến nền kinh tế của chính họ, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và du lịch trên khắp châu Á.
Kể từ khi một loại coronavirus mới được báo cáo ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái, số người nhiễm bệnh trên toàn thế giới đã tăng vọt lên tới hơn 44.000 và số người chết hiện đã vượt quá 1.100.
Virus này đang lan khắp châu Á - bao gồm các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia cũng như các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ, mặc dù cho đến nay chỉ có một trường hợp tử vong bên ngoài Trung Quốc được báo cáo.
Hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng nCoV-2019 ít nghiêm trọng hơn so với dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) từng bùng phát những năm 2002-2003. Virus mới làm thiệt mạng nhiều người hơn, nhưng SARS tỷ lệ tử vong của SARS là cao hơn. Gần 10% trong số 8.096 người trên toàn thế giới được báo cáo là đã bị nhiễm SARS đã thiệt mạng.
Vào ngày 23/1, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố phong tỏa Vũ Hán, thành phố có 11 triệu dân. Kể từ đó, số lượng các thành phố của Trung Quốc bị kiểm dịch đã tăng lên 16, và có thể con số đó còn chưa dừng lại.
Kiểm dịch và các biện pháp bắt buộc khác nhằm mục đích ngăn chặn căn bệnh này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc, với các tác động lan rộng ra cả những nơi khác ở châu Á.
Vũ Hán - thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, là một trong những trung tâm công nghiệp của Trung Quốc. Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nhật Bản như Honda và Nissan đều có các nhà máy ở đó, cũng như một số đối thủ châu Âu của họ. Các nhà sản xuất phụ tùng xe hơi, linh kiện điện tử và thiết bị công nghiệp cũng có các cơ sở sản xuất quan trọng trong khu vực. Nhiều nhà máy trong số này đã phải ngừng sản xuất, bởi vì nhân viên của họ đã không thể trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Các nhà máy đóng cửa hàng loạt tạo thành một cú sốc lớn đối với chuỗi cung ứng của các công ty toàn cầu trên khắp châu Á.
Dựa trên giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục và Hong Kong so với GDP, Đài Loan có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thứ hai là Việt Nam, sau đó là Malaysia và Hàn Quốc.
Hơn nữa, sự bùng phát của coronavirus sẽ làm gián đoạn xuất khẩu các sản phẩm của Trung Quốc sang Nhật Bản, đặc biệt là thực phẩm chế biến và quần áo. Tất cả các yếu tố này sẽ gây ra tình trạng thiếu nguồn cung hàng hóa, từ đó làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của các đối tác thương mại của Trung Quốc.
Người sử dụng lao động trong khu vực sẽ phải đối mặt với cú sốc cung tiếp theo: cú sốc cung lao động. Bởi lẽ, nhiều người Trung Quốc làm việc tại Nhật Bản hoặc các nước châu Á khác sẽ không hoặc không thể trở về từ Trung Quốc.
Coronavirus đồng thời gây ra một cú sốc nhu cầu lớn, nhất là vì du khách Trung Quốc đóng vai trò quan trọng với ngành du lịch của nhiều quốc gia.
Số lượng khách du lịch Trung Quốc hiện đang giảm mạnh khi Trung Quốc cấm công dân của họ tham gia các tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài và nhiều quốc gia từ chối nhập cảnh với khách Trung Quốc.
Đánh giá về quy mô chi tiêu của du khách Trung Quốc so với GDP, các điểm đến phổ biến như Thái Lan, sau đó là Việt Nam và Singapore sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhật Bản sẽ đặc biệt lo ngại nếu dịch bệnh bùng phát kéo dài, bởi vì Thế vận hội Olympic mùa hè dự kiến bắt đầu tại Tokyo vào ngày 24/7.