Phượt thủ độc hành trên Con đường tơ lụa huyền thoại: "Hãy tháo dây, nhổ neo khỏi bến đỗ an toàn"

09/08/2016 19:43 PM | Sống

Con đường phía trước đối với tôi còn rất dài và không có lý do gì mình phải đi chậm lại. Hãy vững bước và bắt đầu tiếp tục lên đường dù chỉ là độc hành.

CHUYẾN ĐỘC HÀNH ĐẦU TIÊN Ở TÂY TẠNG

Đó là mùa thu năm 2006. Hành trang trước đó của tôi chỉ là những chuyến đi công tác ngắn ngày ở Thái Lan hay Singapore và một vài chuyến cưỡi ngựa xem hoa ở đất nước Campuchia gần quê ngoại. Khi thay đổi công việc, tôi đánh liều một chuyến để thỏa niềm mong ước là khám phá vùng đất linh thiêng Tây Tạng sau khi bị quyển sách Mật Mã Tây Tạng “đầu độc”.

Tôi không thạo tiếng Hoa, chỉ bập bõm những từ thông dụng như một đứa trẻ đang bi bô tập nói. Trước đây, phương tiện thông tin đại chúng không nhiều nên tôi chỉ thu thập chủ yếu từ những trang web của nước ngoài. Các diễn đàn cung cấp thông tin của Việt Nam về Tây Tạng cũng thật ít ỏi. Tôi chỉ còn biết hít thật sâu và lấy hết can đảm để thực hiện chuyến độc hành đầu tiên trong đời.

CHỈ CẦN CAN ĐẢM, MỌI THỨ SẼ ỔN THÔI

Tất nhiên, tôi cũng chuẩn bị khá chu đáo từ lịch trình, khách sạn, xe cộ, hành lý, sức khỏe để đến được vùng đất mơ hồ, huyễn hoặc mà cứ nghe mọi người bảo nhau là phải đến nhanh kẻo Tây Tạng sẽ mất đi văn hóa truyền thống độc đáo của nơi được xem là nóc nhà thế giới. Tôi đã đi trên cung đường sắt tuyệt đẹp vắt qua những hồ nước xanh như ngọc, đến khu tập kết ở độ cao 5.300 mét của đỉnh Chomolungma khi đêm trước bão tuyết vần vũ liên hồi hay viếng những tu viện huyền bí của Phật giáo Mật Tông Tây Tạng ở Shigaste.

Hồi đó, bạn bè bảo tôi là liều mạng khi độc bước ở xứ sở từ an ninh đến điều kiện vệ sinh đều kém cõi, thời tiết thì vô cùng khắc nghiệt đối với cả người địa phương huống hồ những lữ khách từ một quốc gia nằm sát đường xích đạo. Trong những ngày đầu tiên đặt chân đến xứ tuyết, tôi đã bị sốc độ cao khiến mặt sưng vù như bị đàn ong vò vẽ tấn công.

Cung điện Potala ở Tây Tạng
Cung điện Potala ở Tây Tạng

Tôi tự trấn an là hãy can đảm trong mọi tình huống. Khi đứng trước sự lựa chọn hãy chọn can đảm. Can đảm dấn thân hoặc can đảm từ bỏ. Can đảm đương đầu hoặc can đảm chấp nhận. Can đảm chọn thứ mình yêu hoặc can đảm yêu thứ mình chọn. Chỉ cần can đảm, rồi mọi thứ sẽ ổn thôi. Và chính sự can đảm này đã tạo cho tôi một bước ngoặt lớn cho những chuyến độc hành sau này.

THÁNH ĐỊA MACHU PICHU

Những năm gần đây tôi hay đi du lịch dài vào dịp nghỉ Tết Nguyên Đán. Hình như đã ba năm rồi tôi không ăn Tết cùng gia đình. Khi thì ở Trung Đông, khi thì châu Phi, còn lần này là Nam Mỹ. Đôi khi nghĩ lại thấy mình cũng không phải đạo, nhưng công việc không cho phép tôi nghỉ dài ngày vào những thời điểm khác khi những hành trình của tôi càng về sau càng dài miên man với quá nhiều điểm đến mong đợi.

Chuyến đi đến Nam Mỹ tôi đã phải lên kế hoạch gần một năm, điều mà trước đây chưa hề có cho những chuyến lang bạt đôi khi tùy hứng. Điều tôi muốn tận mắt thấy được trong những điểm đến xinh đẹp mà bất cứ dân du lịch bụi nào cũng thòm thèm. Cánh đồng muối Salar de Uyuni ở Bolivia như một thế giới khác, đảo Phục Sinh với những tượng Moai bí ẩn chưa có lời giải đáp và tất nhiên không thể thiếu thành phố Machu Pichu huyền bí của người Inca.


Sự bí ẩn của các tượng đá Moai

Sự bí ẩn của các tượng đá Moai

Chuyến đi đến Machu Pichu không hề dễ dàng như tôi nghĩ. Ngày tôi đến thánh địa cũng là lúc người nông dân Peru đồng loạt biểu tình. Họ phong tỏa hầu hết các con đường lớn nhỏ dẫn đến Machu Pichu. Công ty thuê xe đã thu hết tiền của khách và họ cũng không biết cách thức nào để đưa chúng tôi đến Machu Pichu khi cuộc biểu tình sẽ diễn ra đến ba ngày liên tục. Người dân đòi hỏi chính phủ tăng phúc lợi, cải thiện thêm đời sống cho họ khi mà Machu Pichu thu hút khách du lịch nhưng họ không được hưởng lợi từ tài sản vô giá này của đất nước. Một chút nản lòng khi tôi nhận được thông tin như thế.

Không thể chờ đợi đến khi kết thúc cuộc biểu tình vì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của tôi cho những ngày hôm sau, tôi bèn thương lượng là chấp nhận không đi theo những con đường chính mà len lỏi vào khu vực vùng núi cheo leo, hiểm trở, cố hy vọng những đoạn đường đó người dân không rào chắn. Xe chúng tôi khởi hành khi trời tối mịt, thời điểm mà tài xế dự đoán là người dân sẽ trở về nhà sau một ngày biểu tình mệt mỏi.

Chúng tôi bắt đầu xuyên rừng, men theo những con đường mòn bên vách núi. Đêm thì tối mịt, không trăng. Những hòn đá cũng được người dân nơi đây bẫy xuống chắn ngang đường. Chúng tôi buộc phải dừng xe để di chuyển chúng qua một bên để tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng mỗi lúc chướng ngại vật ngày càng nhiều với những tảng đá to ba bốn người ôm không xuể. Thế nhưng, tôi vẫn hy vọng được chiêm ngưỡng thánh địa Machu Pichu.

Một người địa phương vẫy tay bảo là con đường heo hút này cũng sẽ bị chắn ở phía trước. Anh ta đề nghị cho quá giang xe, chỉ một hướng đi khác an toàn hơn để đến trạm xe lửa Ollantaytambo cho kịp giờ đến Machu Pichu trong chuyến cuối. Chúng tôi đi lần theo ánh đèn xe mà trong lòng cũng phập phồng không biết có đến được vùng đất thiêng của người Inca hay không.

Bởi thế, hành trình như là cuộc sống. Cuộc sống có tiến có lùi, có thắng có thua, có thể mất đi nhiều thứ nhưng đừng để đánh mất tâm trạng. Tôi luôn giữ cho mình tâm trạng phấn khởi trong những hành trình khó bởi nó sẽ giúp tôi vượt qua trở ngại tượng chừng không thể.

Ngay trong đêm, chúng tôi đã kịp chuyến xe lửa cuối cùng khi chỉ còn 5 phút nữa nó sẽ lăn bánh. Kỳ quan Machu Pichu đang chìm trong làn sương mơ ảo rất gần phía trước.

IN DẤU TRÊN CON ĐƯỜNG TƠ LỤA HUYỀN THOẠI

Đây là chuyến đi mang lại dấu ấn lớn đối với những người thích trải nghiệm du lịch văn hóa như tôi. Sau hai tháng, đi dọc theo Con đường tơ lụa, tôi đã có chuyến đi đáng nhớ trong đời. Từ Kuwait, Iran của “vùng đất lửa” Trung Đông đến những đất nước gần như biệt lập ở Trung Á như Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và hàng loạt các điểm đến xa xôi mà đoàn thương nhân năm xưa đã phải trải qua với biết bao nhiêu câu chuyện li kì huyền bí.

Trên Con đường tơ lụa năm nào, tôi đã lang thang qua bao nhiêu làng mạc, thị trấn heo hút không bóng người, được tận mắt chứng kiến những công trình kiến trúc cổ có tuổi đời hàng trăm năm thậm chí hàng ngàn năm, may mắn tham dự những lễ hội truyền thống của địa phương, được đắm mình trải nghiệm với cuộc sống cùng cư dân bản địa ở Trung Đông trên khắp các nẻo đường… Đối với tôi, được trải nghiệm là được một lần khám phá chính mình.

HÃY VỮNG BƯỚC VÀ TIẾP TỤC LÊN ĐƯỜNG DÙ CHỈ LÀ ĐỘC HÀNH

Qua những chuyến đi, những mẩu chuyện được gom nhặt giúp tôi có thể hình dung một thế giới đa sắc màu, nơi mà niềm thương yêu được tôn vinh hơn cả. Thế giới tuy đa chiều, nhiều quan điểm, hệ thống chính trị khác nhau, thậm chí là niềm tin tôn giáo không đồng nhất, ngôn ngữ khác biệt, phong tục tập quán đa dạng nhưng điều đọng lại vẫn là sự yêu thương chân chính.

Tôi không hình dung được sự thân thiện của người dân ở Iran khi mà đất nước họ luôn nằm trong sự ngờ vực của thế giới, sự hỗn độn của mớ thông tin đa chiều từ truyền thông. Sự hiếu khách từ những người Hồi giáo có phần khép kín, theo tôn chỉ. Họ đã giúp cho tôi rất nhiều trong hành trình khám phá xứ sở Ba Tư vừa qua.

Đi nhiều, tôi mới thấy thế giới gần nhau hơn. Tôi dường như không còn cố chấp, không còn chủ quan, giữ được bình tĩnh trước mọi chuyện và suy nghĩ theo hướng rộng mở. Mình mở lòng với mọi người thì mọi người cũng sẽ mở rộng lòng yêu thương với mình mà thôi.


Với người dân Iran thân thiện

Với người dân Iran thân thiện

Chuyến đi không chỉ cho tôi hiểu thêm về Con đường tơ lụa lịch sử mà còn giúp cho tôi có thời gian tìm tòi, nghiên cứu, giúp tôi có thể phát huy khả năng giảng dạy trong công việc của mình. Càng tiếp cận với thực tế qua những chuyến đi tôi càng có thêm nhiều tiết giảng thú vị. Tôi nghĩ các học trò cũng cần điều đó hơn là lý thuyết suông từ trong sách vở.

Những câu chuyện tôi muốn ghi lại như những kỷ niệm trong hành trình trải nghiệm của bản thân. “Độc hành” ra đời cũng chỉ vì lẽ đó. Đây chính là của để dành của tôi sau những hành trình rong ruổi của mình trên Con đường tơ lụa huyền thoại.

Con đường phía trước đối với tôi còn rất dài và không có lý do gì mình phải đi chậm lại. Hãy vững bước và bắt đầu tiếp tục lên đường dù chỉ là độc hành. Ngay vừa khi bắt đầu của hành trình luôn là những điều tuyệt diệu và kết thúc cũng sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ trong đời. Tôi luôn biết ơn những con đường dài và đầy thử thách vì chính nó đã cho tôi biết sức chịu đựng và sự đương đầu của mình như thế nào trong những cuộc hành trình vô tận…

Mark Twain có một câu nói mà tôi rất thấm: "Hai mươi năm về sau bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì bạn đã làm. Vậy nên hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn. Hãy để cánh buồm của bạn đón trọn lấy gió. Thám hiểm. Mơ mộng. Khám phá".

Theo Nguyễn Hoàng Bảo

Cùng chuyên mục
XEM