Phương thức chữa lành nỗi đau đeo đuổi từ quá khứ: Buông bỏ niềm tin cũ và học cách tin vào chính mình

09/04/2020 10:45 AM | Sống

Những khó khăn hiện tại của một người trưởng thành thường xuất phát từ những niềm tin tiêu cực cố hữu, phần lớn được hình thành từ cách họ được đối xử từ thời thơ ấu.

Louise L. Hay sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cha mất sớm, mẹ tái hôn với một người đàn ông bạo lực. Gần như suốt cả tuổi thơ, bà phải chịu đựng sự lạm dụng cả thể chất và tình dục, với rất nhiều công việc vất vả nặng nhọc.

Nỗi đau quá khứ đeo đuổi Louise L. Hay cho đến những năm trưởng thành, trong vô thức bà luôn nghĩ rằng mình vô giá trị, không xứng đáng được yêu thương. "Tôi chỉ nhận được một ít tình thương thời thơ ấu và không có ai làm tôi cảm thấy bản thân mình tốt đẹp, cũng đáng được yêu thương, trân trọng", bà nhớ lại.

Trong "Chữa lành nỗi đau" - cuốn sách được viết khi Louise L. Hay đã vượt qua tất cả và trở thành tác giả truyền cảm hứng tinh thần nổi tiếng - bà giải thích: Những khó khăn hiện tại của một người trưởng thành thường xuất phát từ những niềm tin tiêu cực cố hữu, phần lớn được hình thành từ thời thơ ấu. Louise L.  nêu ví dụ, "Tôi kém cỏi" có thể xuất phát từ quá khứ bị phớt lờ, ruồng bỏ. Hay niềm tin "Cuộc sống quá nguy hiểm" có nguồn gốc từ người cha luôn sống trong sợ hãi.

"Hầu hết những điều, cả tích cực và tiêu cực, được đưa vào tâm trí chúng ta đều được ta tiếp nhận vào thời điểm lên ba tuổi. Thế rồi, những trải nghiệm của chúng ta đều dựa trên những gì ta đã tiếp nhận và tin tưởng về bản thân và về cuộc đời vào thời điểm đó. Cách chúng ta được người khác đối xử khi còn rất nhỏ luôn luôn là cách mà chúng ta hiện đang đối xử với bản thân mình", Louise L. Hay nói.

Phương thức chữa lành nỗi đau đeo đuổi từ quá khứ: Buông bỏ niềm tin cũ và học cách tin vào chính mình  - Ảnh 1.

Những niềm tin hạn hẹp tác động vào trong mọi mặt của cuộc sống hiện tại của con người đó khi đã trưởng thành, từ mối quan hệ, công việc, tài chính... Những trải nghiệm gây nên buồn đau, bất hạnh, thương tổn cứ thế lặp đi lặp lại.

Theo Louise L. Hay, khi có một khuôn mẫu nào đó bị vùi sâu vào bên trong tâm hồn, người ta cần nhận thức được và buông bỏ chúng nếu muốn "chữa lành" hoàn cảnh của mình. Nếu bạn luôn có những ám ảnh tiêu cực về bản thân: "Tôi không đủ giỏi", "Không ai yêu thương tôi", "Tôi sẽ làm mọi người thất vọng về mình"..., hãy thử nhìn lại những trải nghiệm quá khứ, xem những niềm tin ấy được hình thành từ đâu. Chỉ khi nào nhận thức, hiểu và xoá bỏ những niềm tin hạn hẹp về bản thân, một người mới có thể vượt qua những khó khăn cố hữu, dựng xây con người mới, cuộc sống mới.

Trong "Chữa lành nỗi đau", nữ tác giả dành ra nửa thời lượng cuốn sách để phân tích về nguồn gốc của những niềm tin tiêu cực của một người về chính họ. "Niềm tin cũ kỹ mà bạn đang bám vào là gì? Làm ơn đừng trách móc bản thân, mà chỉ cần chú ý xem những niềm tin đó là gì?" Đó là câu hỏi mà Louise L. Hay nhắc lại nhiều lần trong cuốn sách.

Trong phần còn lại của cuốn sách, tác giả chia sẻ những chỉ dẫn, bài tập thực hành để buông bỏ niềm tin cũ, học được cách tin vào chính mình và áp dụng sự thay đổi này trong nhiều khía cạnh của cuộc sống: Từ mối quan hệ, công việc, đến tài chính, thể chất...

"Chữa lành nỗi đau" không những có thể giúp người đọc thoát khỏi những ám ảnh tiêu cực trong cuộc sống, mà quyển sách này còn giúp ta biết cách yêu thương chính mình để gieo những hạt giống hy vọng cho tương lai.

Lousise L. Hay là tác giả của nhiều tác phẩm truyền cảm hứng tinh thần, tạo động lực để thay đổi cuộc sống. Bà sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cha mất sớm, mẹ tái hôn với một người đàn ông bạo lực, bà trở thành nạn nhân của bạo hành, lạm dụng tình dục, sau này bà còn gặp tan vỡ trong hôn nhân và bị ung thư. Nhưng với niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống và tình yêu đối với bản thân, bà đã tự giải thoát bản thân và giúp đỡ nhiều người khác.

Các tác phẩm của bà đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng. Cuốn Chữa lành nỗi đau đã bán được 35 triệu bản trên toàn thế giới, được đưa vào danh sách Bestseller của New York Times.

Thảo Thảo

Cùng chuyên mục
XEM