Phương Tây chờ kinh tế Nga sụp đổ, nhưng họ đã phải kinh ngạc trước thành công của Putinomics
Với Putinomics, Tổng thống Putin đã chèo lái con tàu kinh tế Nga vượt qua những con "sóng cả" một cách ngoạn mục.
LTS: Không lâu sau khi Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp cấm vận Nga từ năm 2014, Tổng thống Mỹ lúc đó, Barack Obama, tuyên bố nền kinh tế Nga "đã bị vỡ vụn". Những người chủ xướng cấm vận, trừng phạt Nga hy vọng kinh tế nước này sẽ sụp đổ và người dân Nga do đời sống sa sút sẽ trút mọi bất bình lên Chính phủ. Nhưng tình hình không như vậy. Kinh tế Nga vấp phải nhiều khó khăn, bị khủng hoảng nhưng đã vượt qua khủng hoảng, trở lại tăng trưởng… Bài dưới đây của Tạp chí Foreign Affairs với đầu đề "Sự thành công đáng kinh ngạc của Putinomics" là một trong những đánh giá tích cực của dư luận thế giới về kết quả chèo lái con tàu kinh tế Nga của Tổng thống Vladimir Putin.
"Putin chứng kiến sự sụp đổ của nền kinh tế Nga cùng với hình ảnh của ông" - đó là đầu đề bài báo đăng trên tạp chí Time cuối năm 2014. Tuy nhiên, 3 năm đã trôi qua kể từ khi giá dầu lao dốc năm 2014 làm giảm một nửa giá trị của mặt hàng từng bảo đảm một nửa ngân sách chính phủ của Nga.
Lĩnh vực năng lượng của Nga đã bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt. Ảnh: Sputnik
Trong năm đó, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với các ngân hàng, công ty năng lượng và quốc phòng của Nga, loại các công ty lớn nhất của Nga khỏi các thị trường vốn và thiết bị khoan dầu công nghệ cao quốc tế.
Nhiều nhà phân tích - ở Nga cũng như ở nước ngoài – đã cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế có thể đe dọa sự cầm quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Giờ đây tình hình không phải như vậy.
Hiện nay, nền kinh tế Nga đã ổn định, lạm phát ở mức thấp trong lịch sử, ngân sách gần như được cân bằng và Putin đang dần tiến tới khả năng tái cử vào tháng 3/2018, với nhiệm kỳ tổng thống thứ tư. Putin gần đây đã vượt nhà lãnh đạo Xô viết Leonid Brezhnev trở thành nhà lãnh đạo lâu đời nhất của Nga kể từ Joseph Stalin.
Sự ổn định kinh tế đã đảm bảo cho ông một tỷ lệ ủng hộ xung quanh mức 80%. Putinomics (chính sách kinh tế của Putin) đã làm cho vị tổng thống Nga có thể "sống sót" qua các cú sốc tài chính và chính trị liên tục. Ông đã làm được điều đó như thế nào?
Nước Nga đã vượt qua thách thức kép là sự sụp đổ về giá dầu và các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhờ một chiến lược kinh tế 3 mũi nhọn.
Thứ nhất, trên tất cả, nó tập trung vào sự ổn định kinh tế vĩ mô – duy trì mức nợ và lạm phát thấp.
Thứ hai, nó ngăn chặn sự bất đồng trong dân chúng bằng việc đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp thấp và trợ cấp đều đặn, thậm chí gây phương hại cho mức lương cao hơn hay tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, nó để cho khu vực tư nhân nâng cao tính hiệu quả, nhưng chỉ ở những nơi nó không xung đột với các mục tiêu chính trị. Chiến lược này sẽ không làm cho nước Nga trở nên giàu có hơn, nhưng nó giữ cho nước này ổn định và giới lãnh đạo cấp cao tiếp tục nắm quyền.
Điều đó phải chăng để nói rằng Tổng thống Putin thực sự có một chiến lược kinh tế? Một sự giải thích chung chung, quen thuộc về "tuổi thọ" của Putin là ông tồn tại được vì thu nhập từ dầu mỏ của Nga đã giữ cho nước này không bị chìm; nền kinh tế của Nga được biết đến là tham nhũng nhiều hơn là quản lý kinh tế có hiệu quả…
Moscow năm 1999. Ảnh: Jochem D Wijnands/Getty
Hãy xem nước Nga như thế nào vào năm 1999, khi Putin lần đầu tiên trở thành Tổng thống: một đất nước có thu nhập trung bình, trong đó lợi nhuận từ dầu mỏ đóng góp đáng kể vào GDP. Một đất nước được dẫn dắt bởi một trung tá trẻ tuổi cam kết sử dụng các cơ quan an ninh để tăng cường quyền lực của mình. Một Tổng thống có được tính hợp pháp dân chủ một phần dựa vào khả năng của ông trong việc buộc các doanh nghiệp lớn và giới đầu sỏ phải tuân theo những nguyên tắc của ông.
Tài năng của Điện Kremlin trong việc tập trung và phân phối nguồn lực giúp giải thích vì sao giới lãnh đạo cấp cao Nga duy trì được quyền lực trong gần 2 thập niên và cách thức họ triển khai sức mạnh ở nước ngoài với sự thành công nào đó.
Không giống những người tiêu tiền như rác của mình những năm 1990, Nga trong những năm 2000 đã tiết kiệm, tích lũy hàng trăm tỷ USD ở thời điểm giá dầu cao, thu hút nguồn lực vào các quỹ dự trữ để sử dụng khi giá dầu giảm.
Nếu chính sách kinh tế của Kremlin đã không theo xu hướng đơn giản hóa như thường được mô tả - khi những vụ biển thủ và những sai lầm được khỏa lấp nhờ thu nhập từ dầu mỏ - thì các nhà cầm quyền đã không thể tiếp tục nắm quyền được ngay cả khi họ tiến hành 2 cuộc chiến tranh ở nước ngoài.
Mục đích của Kremlin trong chính sách kinh tế không phải là tăng tới mức tối đa GDP hay thu nhập hộ gia đình. Một mục tiêu như vậy có lẽ đã đòi hỏi một loạt chính sách rất khác biệt.
Nhưng đối với các mục tiêu của Kremlin là duy trì sức mạnh ở trong nước và duy trì sự linh hoạt triển khai nó ở nước ngoài, chiến lược 3 mũi nhọn của Putinomics – sự ổn định kinh tế vĩ mô, sự ổn định thị trường lao động và sự kiểm soát có giới hạn của nhà nước đối với các khu vực có tầm quan trọng chiến lược – đã đem lại hiệu quả.
Hãy bắt đầu với sự ổn định kinh tế vĩ mô. Kể từ khi Putin bắt đầu cầm quyền, ông và giới lãnh đạo cấp cao Nga nhìn chung đã ưu tiên trả nợ, duy trì mức thâm hụt tài khoản vãng lai thấp và hạn chế lạm phát.
Tồn tại qua những cuộc khủng hoảng kinh tế đầy thảm họa năm 1991 và 1998, các nhà lãnh đạo Nga biết rằng các cuộc khủng hoảng ngân sách và vỡ nợ có thể hủy diệt lòng tin của người dân vào một vị Tổng thống và thậm chí lật đổ một chế độ, như Boris Yeltsin và Mikhail Gorbachev đều phát hiện ra.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhậm chức lần đầu tiên 5/2000. Ảnh: PPIO
Khi Putin lần đầu tiên nhậm chức, ông đã dành phần lớn khoản thu nhập dầu mỏ của Nga để trả nợ nước ngoài trước hạn. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Nga đã cắt giảm mạnh chi tiêu cho các dịch vụ xã hội nhằm đảm bảo rằng ngân sách vẫn gần được cân bằng.
Năm 2014, các khoản thu từ dầu mỏ và khí đốt đóng góp gần một nửa ngân sách chính phủ của Nga. Hiện nay, thương mại dầu mỏ bằng một nửa mức năm 2014, nhưng nhờ những cắt giảm ngân sách mạnh mẽ, thâm hụt của Nga vào khoảng 1% GDP – thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước phương Tây.
Putin đã ủng hộ Ngân hàng Trung ương Nga khi ngân hàng này nâng lãi suất, biện pháp này đã hạn chế lạm phát nhưng cũng kiềm chế tăng trưởng. Logic của Kremlin là người Nga muốn ổn định kinh tế là trên hết.
Trong khi đó, giới lãnh đạo cấp cao Nga biết họ cần sự ổn định để tiếp tục nắm quyền. Để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, Điện Kremlin đã thực hiện chương trình khắc khổ tài chính kể từ năm 2014, nhưng hầu như không có sự phàn nàn gì.
Mũi nhọn thứ hai của chiến lược kinh tế của Putin là đảm bảo công ăn việc làm và trợ cấp.
Trong cú sốc kinh tế những năm 1990, lương và trợ cấp chính phủ của Nga thường không được chi trả, dẫn đến các cuộc phản kháng và sự mất lòng dân đối với Tổng thống Boris Yeltsin. Bởi vậy, khi cuộc khủng hoảng gần đây nổ ra, Điện Kremlin đã lựa chọn chiến lược cắt giảm lương thay vì để cho tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Hãy xem xét sự khác biệt ở hầu hết các nước phương Tây. Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh ở Mỹ, nhưng những người không bị sa thải không phải trải qua những sự cắt giảm lương mạnh mẽ.
Ngược lại, ở Nga, tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng 1 điểm phần trăm. Nhưng vào năm 2015, lương đã giảm gần 10%. Cắt giảm lương được chấp nhận, nhưng đóng cửa nhà máy hay sa thải hàng loạt là không được phép.
Điều này phù hợp với tính toán chính trị của Điện Kremlin: Người Nga thường không phản kháng về việc cắt giảm lương, nhưng sa thải hay đóng cửa nhà máy sẽ kéo họ xuống đường biểu tình.
Người Nga thường không phản kháng về việc cắt giảm lương. Ảnh minh họa: Konstantin Aksenov
Chính sách xã hội được quản lý bằng logic tương tự. Trong quá khứ, những người nhận trợ cấp của Nga đã tập hợp biểu tình chống lại cắt giảm trợ cấp. Và vì vậy Chính phủ giảm tài trợ cho y tế và giáo dục nhưng duy trì ổn định trợ cấp – bằng chứng cho thấy Điện Kremlin coi trọng sự đóng góp của trợ cấp vào ổn định chính trị.
Mũi nhọn thứ ba của Putinomics là chỉ để các công ty tư nhân hoạt động tự do ở những nơi họ không gây hại cho chiến lược chính trị của Kremlin.
Vai trò lớn của các công ty nhà nước do giới đầu sỏ chi phối trong một số khu vực then chốt được minh chứng một phần bởi sự sẵn sàng của họ hỗ trợ Kremlin trong việc quản lý tình cảm lòng dân bằng việc duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp, các phương tiện truyền thông thuận chiều và đối lập chính trị bị gạt sang bên lề.
Chẳng hạn, ngành công nghiệp năng lượng có ý nghĩa then chốt đối với tài chính của Chính phủ, vì vậy các công ty tư nhân hoặc bị sung công hoặc hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước. Các công ty thép ít quan trọng hơn, nhưng họ cũng phải tránh việc sa thải hàng loạt.
Các công ty thuộc lĩnh vực dịch vụ, chẳng hạn như các siêu thị, không có vai trò chính trị như vậy. Ông chủ của các công ty năng lượng không thể phớt lờ hoạt động chính trị. Do những hạn chế chính trị này, niềm hi vọng mà khu vực tư nhân của Nga có được là nâng cao tính hiệu quả hay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế? Một chút, nhưng không nhiều.
Điều này cũng phù hợp với logic của Kremlin. Tăng trưởng là tốt, nhưng duy trì quyền lực còn tốt hơn.