"Phù thủy tài chính" Suze Orman: Hãy vứt danh sách việc cần làm liên quan đến tiền bạc đi và tập trung vào điều này
Thay vì cố gắng giải quyết tất cả mọi thứ cùng một lúc, Orman khuyên rằng: Bạn nên chọn vấn đề khiến bạn "trằn trọc lúc nửa đêm để suy nghĩ" và tập trung để thực hiện điều đó trước tiên.
Suze Orman là nữ doanh nhân được mệnh danh "phù thủy" trong giới tài chính nước Mỹ, nằm trong danh sách 100 doanh nhân có sức ảnh hướng lớn nhất thế giới. Sắc sảo, quyết đoán và uy tín là những từ được sử dụng để hình dung về người phụ nữ này trong 11 năm sự nghiệp tư vấn tài chính.
Suze Orman chính là cố vấn danh tiếng của đài CNBC, có công cống hiến cho ngành truyền thông với 8 giải thưởng Gracie và 2 giải Emy về truyền hình.
"Bạn muốn làm những điều được cho là tốt nhất, nhưng đôi khi thật khó để tìm ra đó là gì. Liệu đó có phải là trả nợ, xây dựng quỹ tiết kiệm dành cho trường hợp khẩn cấp, hay là một mục tiêu hàng đầu khác, như số tiền dành cho cuối đời chẳng hạn?", Suze Orman chia sẻ trên blog cá nhân.
Vâng, tất cả những điều đó đều quan trọng, tuy nhiên cố gắng để làm tất cả cùng một lúc không phải là một sự lựa chọn khôn ngoan. Thay vì cố gắng giải quyết tất cả mọi thứ cùng một lúc, Orman khuyên rằng: bạn nên chọn vấn đề khiến bạn "trằn trọc lúc nửa đêm để suy nghĩ" và tập trung để thực hiện điều đó trước tiên.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn sẽ bỏ qua mọi thứ khác, như các hóa đơn hay các khoản thanh toán đang chờ xử lý. Tuy nhiên, một khi bạn có khả năng để trả các khoản chi tiêu thì đừng để tâm trí của mình choáng ngợp với những nỗi lo về tài chính.
Tập trung vào một điều tại một thời điểm cũng là một ý tưởng được khuyến khích từ triệu phú Tony Robbins. Ông cho rằng, mặc dù danh danh sách những việc cần phải làm sẽ đưa ra những lựa chọn được ưu tiên, cũng như khiến bạn cảm thấy bạn đang làm việc rất hiệu quả, nhưng trên thực tế thì bạn không thực sự hoàn thành bất cứ điều gì.
Tuy nhiên, một khi bạn có một mục cụ thể và rõ ràng thì nó sẽ giúp bạn có động lực hơn rất nhiều khi bạn có một danh sách những việc cần phải làm trong tay.
Hãy chọn một vấn đề khiến bạn "cảm thấy thông minh hơn, mạnh mẽ hơn và an tâm hơn về tương lai của bạn" để giải quyết. Đừng suy nghĩ về những gì người khác cần. Hãy chỉ tập trung vào bản thân mình mà thôi.
Mục tiêu của bạn có thể là xây dựng quỹ tiết kiệm khẩn cấp, đăc biệt là khi bạn đang trong trường hợp khủng hoảng như tai nạn hay mất việc đột ngột. Trong trường hợp đó, bạn sẽ muốn có một khoản tiền tiết kiệm trong 8 đến 12 tháng để giải quyết những vấn đề khẩn cấp và bất ngờ, Orman chia sẻ.
Đó cũng có thể là kế hoạch tài chính khi nghỉ hưu. Trong trường hợp đó, các chuyên gia khuyên rằng bạn nên tiết kiệm 25% tổng số tiền lương khi bạn 20 tuổi, hoặc tương đương với mức lương của một năm khi bạn ở tuổi 30.
Cho dù mục đích tài chính của bạn là gì, đừng nản lòng nếu trong giai đoạn đầu bạn không đạt được điều đó. Orman viết: "Tôi không gợi ý những điều mà bạn có thể "búng tay" và giải quyết chúng chỉ trong một ngày, một tuần hay một tháng. Một cách để bắt đầu thực hiện mục tiêu là đánh giá lại các khoản chi tiêu của bạn. Trước mỗi lần mua hàng, hãy dừng lại và tự hỏi rằng "Liệu đây là món đồ bạn muốn hay bạn thực sự cần?". Bên cạnh đó, bạn cũng nên có một công việc làm thêm với số tiền lương 10-50 USD mỗi tuần để dần đạt được mục tiêu của bạn".
Một khi bạn kiên trì thực hiện điều đó, bạn sẽ có nhiều tiền tiết kiệm hơn so với những cách thông thường khác. Mặc dù bạn sẽ mất vài tháng hay thậm chí là vài năm để đạt được mục tiêu cuối cùng nhưng bạn vẫn luôn trên con đường hướng tới an ninh tài chính.