Phú quý giật lùi: 8X và 9X sẽ nghèo khó hơn cha anh mình
Theo một báo cáo từ Resolution Foundation, đây có thể là thế hệ đầu tiên trong lịch sử sẽ nghèo khó hơn những thế hệ cha chú của mình.
Thế hệ Millennials, hay thế hệ Y, là khái niệm dùng để chỉ những người sinh ra từ những năm 1980 – 2000, thời kỳ đầu tiên của xã hội kỹ thuật số với internet, mạng xã hội và những đột phá như vũ bão của công nghệ số. Theo thống kê chưa chính thức, thế hệ Millennials hiện chiếm số dân đông đào nhất trên thế giới và là chủ chốt trong lực lượng lao động toàn cầu.
Thời kỳ sau 1990 cũng là lúc thế giới chứng kiền nhiều sự thay đổi mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, ví dụ như sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, cuộc khủng hoảng kinh tế hay cuộc toàn cầu hóa đã kéo thế giới vào vòng xoáy hội nhập. So sánh với những thế hệ trước, chính Millennials là những người bị tác động bởi yếu tố thời cuộc mạnh mẽ nhất.
Gần đây, những nghiên cứu từ báo cáo Intergenerational Commission, một báo cáo nghiên cứu về khoảng cách giữa các thế hệ, công bố bởi tổ chức Resolution Foundation (Vương quốc Anh) đã chỉ ra rằng số tiền kiếm được trong độ tuổi 20 của những người dưới 35 tuổi hiện tại đang kém hơn tới 8.000 bảng so với những người thuộc thế hệ trước đó.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng khoảng cách giữa “một thế hệ giàu có trước kia” và “một thế hệ khó khăn của những người trẻ hiện tại” đang ngày càng được nới rộng.
Thế hệ Y ở nước Anh: Phú quý giật lùi ?
Báo cáo chỉ ra rằng những người thuộc thế hệ Y đã bị chịu tác động bởi cái gọi là “sự bòn rút tiền lương”. Theo tính toán, tổng thu nhập của một người trong thế hệ Y trong cả một đời làm việc là vào khoảng 825.000 bảng.
Điều này nghĩa là một người ở thế hệ này sẽ luôn kiếm được số tiền ít hơn hẳn một người trung bình thuộc thế hệ X, là những người sinh ra trong những năm từ 1966 – 1980.
Đâu là nguyên nhân ?
Tại sao lại có điều này? Nhiều chuyên gia nhận định rằng đây chính là kết quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi mà những người thuộc thế hệ Y đã gia nhập thị trường lao động vào đúng thời điểm này.
Các số liệu dường như cũng ủng hộ những điều đó, khi xem xét mức lương trung bình theo giờ tại Anh, thì những người ở lứa tuổi 22 - 39 phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Mức giảm lương của những người này còn cao hơn mức giảm trung bình của toàn bộ người lao động.
Tuy nhiên, báo cáo Intergenerational Commission lại chỉ ra rằng đó không phải là nguyên nhân chính yếu. Theo báo cáo, hiện tượng những người trong thế hệ Y gặp khó khăn ở lúc đầu sự nghiệp đã có ngay từ trước khi cuộc khủng hoảng diễn ra và thậm chí sự “phú quý giật lùi” này đã có thể tồn tại từ những thế hệ trước đó.
Như biểu đồ, có thể thấy rằng có sự giảm sút trong tốc độ tăng lương trung bình ở các thời kỳ.
Thế hệ X có mức tăng chậm hơn hẳn thế hệ những người sinh ra trong chiến tranh (thế hệ “baby boomers” – những người sinh trong giai đoạn 1946 – 1964).
Đến những người sinh trưởng vào năm 1981 - 1984 thuộc thế hệ Y (gia nhập thị trường lao động trước khi khủng hoảng diễn ra) thì hầu như không đón nhận bất cư sự tăng nào trong đồng lương trung bình (0%).
Ông Torsten Bell, giám đốc của Resolution Foundation từng phát biểu rằng “Chênh lệch về thu nhập giữa các thế hệ đang dần trở thành một sự bất bình đẳng mới trong thời đại của chúng ta, và bằng chứng rõ ràng nhất chính là ở tiền lương”
Điều tương tự với phần còn lại của thế giới
Một cuộc điều tra khác của tờ The Guardian vào đầu năm 2016 này chỉ ra rằng chênh lệch thu nhập giữa các thế hệ không chỉ xảy ra ở Anh mà còn ở hầu khắp các nền kinh tế phương Tây. Dựa theo những số liệu từ LIS (Luxembourg Income Study), thì ở các nước này, những người ở thế hệ Y đang có thu nhập thấp hơn cả thu nhập trung bình của quốc gia nơi họ đang sống.
Ngoại trừ Úc và bên ngoài Anh, thì người lao động trong độ tuổi từ 25 – 29 ở các quốc gia khác như Canada, Đức, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Ý đang có thu nhập thấp hơn trung bình khoảng 19% so với thu nhập trung bình quốc gia của họ.
Ngược lại, ở tầng lớp những người hưởng lương hưu từ 65 -74, thu nhập của họ ngày càng tăng lên, với mức tăng vượt trội so với những người tuổi từ 25 – 29, dẫn đến mức chênh lệch thu nhập giữa các thế hệ ngày càng lớn.
Ông Angel Gurría, tổng thư ký của OECD từng nói với tờ The Guardian vào tháng 3/2016 rằng: “Đây là một tình cảnh rất khó khắn cho những người trẻ, khi họ đã phải hứng chịu hậu quả nặng nề của cuộc khủng hỏa trên toàn cầu, và sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc thì thị trường lao động cũng chẳng có mấy sự cải thiện nào”.