Phụ huynh không còn muốn "tra tấn" con cái trong lò đào tạo vận động viên, Trung Quốc thất thế trong kỳ Olympic năm nay

26/08/2016 08:10 AM | Kinh tế vĩ mô

Thất bại tại Olympic sẽ mở ra những cơ hội để Trung Quốc cải tổ hệ thống thể thao thiếu nhân văn và đang đến hồi thoái trào của mình.

Sau lễ bế mạc, các nhà phê bình sẽ có nhiều thời gian để mổ xẻ những vấn đề của thế vận hội năm nay ở Rio: Từ nước bể bơi chuyển sang màu xanh lá cây một cách bí ẩn cho đến những khán đài vắng bóng khán giá, ngay cả ở các sự kiện nổi bật. Một cuộc tranh cãi khác nhưng không kém phần gay gắt cũng đang xảy ra ở Trung Quốc.

Chỉ mới vài tuần trước, các chuyên gia trong và ngoài Trung Quốc đều dự đoán rằng, nước này sẽ giữ được vị trí số 2 trên bảng tổng sắp huy chương. Nhưng bước vào tuần cuối cùng rồi mà Trung Quốc vẫn kém xa về số huy chương vàng so với chính họ ở hai kỳ Olympic trước, và có nguy cơ rất cao xếp thứ ba sau Anh về thành tích chung cuộc.

Với một quốc gia từ lâu đã xem thành công ở Olympic là biểu tượng cho vị thế trên trường quốc tế, triển vọng ảm đạm trên là một nỗi kinh hoàng. Đầu tuần nay, Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc đã bày tỏ thất vọng trên tài khoản Twitter của mình bằng câu hỏi đầy chua chát: “Đùa à?”. Tuy nhiên, trên thực tế, thất bại ở Olympic lại là điều đáng để quốc gia này ăn mừng.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc như là cường quốc Olympic cũng nhanh và bất ngờ như sự phục hưng kinh tế của nước này. Thế vận hội năm 1984 ở Los Angeles, Mỹ, là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia kể từ năm 1952. Vậy mà Trung Quốc đã giành được vị trí thứ tư trên bảng tổng sắp nhờ Liên Xô và các nước đồng mình tẩy chay thế vận hội.

Thành tích trên có được là nhờ một chương trình đào tạo thể thao quốc gia rầm rộ được triển khai từ thập niên 1950. Mục đích của chương trình rất đơn giản: sử dụng ngân sách và quyền lực của nhà nước Trung Quốc để tìm những vận động viên xuất sắc nhất và đào tạo họ tới đẳng cấp thế giới.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã phát triển hàng nghìn trường thể thao nhận cả những trẻ mới 4 tuổi để đào tạo. Các nhà quản lý lùng sục những ngôi sao tiềm năng. Những trẻ khác thì được bố mẹ xin vào học. Đặc biệt là với nhiều người Trung Quốc ở vùng nông thông, những ngôi trường trên là con đường duy nhất để thoát khỏi lũy tre làng và có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Lợi ích đạt được có thể là rất lớn. Những người đoạt huy chương vàng ở Trung Quốc được tưởng thưởng bằng những khoản tiền lớn và thậm chí cả bất động sản.

Trong khi đó, không khó để thấy được những mặt trái của hệ thống. Những vận động viên trẻ phải trải qua quá trình đào tạo khắc nghiệt và đôi khi còn bị hành hạ như tra tấn. Phụ huynh thường sống xa con của mình, thậm chí là trong nhiều năm. Song, tệ hơn cả là các ngôi trường thể thao này thường xem nhẹ việc học văn hóa của vận động viên, khiến nhiều người tốt nghiệp không được chuẩn bị cho cuộc sống sau giải nghệ. Trong vài năm gần đây, có vô số các câu chuyện về việc các vận động viên tốt nghiệp, kể cả nhà vô địch Olympic phải sống trong nghèo đói và thất nghiệp.

Xét về phương diện thành tích, hệ thống trên đã hoạt động rất hiệu quả. Hiệu quả của hệ thống đã lên đến đỉnh điểm khi đưa Trung Quốc thu về số huy chương vàng kỷ lục ở Olympic Bắc Kinh năm 2008. Nhưng ngay cả ở đỉnh cao này, nhân tố then chốt tạo ra thành công - số lớn phụ huynh tìm cơ hội đổi đời cho con mình thông qua thể thao - đang biến mất.

Trong 5 năm qua, thu nhập ở vùng nông thôn đã tăng trưởng nhanh hơn thu nhập ở các đô thị. Trong khi đó, tỷ lệ sinh ngày càng giảm và các cơ hội kinh tế rộng mở hơn ở Trung Quốc khiến các bậc cha me ở Trung Quốc không muốn đánh bạc tương lai con em mình vào cơ hội thành công ít ỏi ở Olympic.

Tác động của việc này lên các trường thể thao Trung Quốc là rất lớn. Tính từ tháng 5 năm nay, có 2.183 trường thể thao ở Trung Quốc, đào tạo ra 95% vận động viên tham dự Olympic. Con số này giảm mạnh so với 3.687 trường vào năm 1990. Đặc biệt là môn bóng bàn, tỷ lệ tuyển sinh đã giảm 75% kể từ năm 1987.

Do số vận động viên đầu vào và số trường đào tạo giảm, thành tích của bóng bàn Trung Quốc đang bắt đầu suy yếu. Năm nay, thể dục dụng cụ, thế mạnh truyền thống của Trung Quốc đã không giành được một huy chương vàng nào. Các môn có truyền thống thành công khác như cầu lông và bắn súng cũng chỉ đem lại những nỗi thất vọng.

Nhưng trong họa có phúc, một kỳ thế vận hội thất thu huy chương có thể giúp chính phủ Trung Quốc nghĩ lại về tham vọng Olympic của mình. Làm các trường thể thao nhân đạo hơn và cải thiện việc học văn hóa sẽ giúp thu hút nhiều ứng viên tiềm năng hơn. Quan trọng hơn, Trung Quốc cần tìm một cách để mở cánh cửa đội tuyển quốc gia cho các vận động viên được đào tạo bên ngoài hệ thống nhà nước.

Tin tốt là Trung Quốc đã có sẵn một mô hình để khắc phục những vấn đề trên. Năm nay, chính phủ đã chỉ định hàng nghìn trường không chuyên về thể thao làm “học viên bóng đá”, nơi các chương trình đào tạo bóng đá sẽ được cung cấp cho học sinh bên cạnh việc giảng dạy văn hóa như bình thường.

Những học viên triển vọng nhất sau đó có thể phát triển dần lên các giải bóng đá chuyên nghiệp và cuối cùng là đội tuyển quốc gia. Mặc dù các chương trình như này có thể không áp dụng được cho mọi môn thể thao, chúng là xuất phát điểm tốt cho quá trình phân phối nguồn lực thể thao và đào tạo thông qua nhà trường và cộng đồng. Suy cho cùng, đó là cách tốt nhất để củng cố vị thế của Trung Quốc trên bục huy chương.

Nam Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM