Phong trào Trái Đất phẳng lan ra với tốc độ thực sự đáng sợ, nhưng liệu nó có hại không?
Đã xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng cho thấy ảnh hưởng xấu của phong trào này. Thế nhưng đại đa số chúng ta vẫn coi đây là trò đùa.
“Tôi không muốn tin rằng Trái Đất này phẳng”, David Weiss nói bằng một giọng hơi méo, anh bày tỏ quan điểm bán tín bán nghi về một sự thật đã được công nhận cả trăm năm nay. “Liệu bạn có muốn rằng một ngày mình chợt bừng tỉnh, và biết rằng ai cũng nghĩ mình là thằng ngốc không?”
Miệng nói thế, nhưng anh Weiss tin Trái Đất này phẳng thật. Bốn năm trước, khi anh không thể tận mắt thấy được đường cong của Đất Mẹ, anh đặt niềm tin tuyệt đối vào việc hành tinh ta đang sống dẹt như cái đĩa, nằm cố định trong không gian. “Sự thật” đó khiến anh liên tục hoài nghi thực tại.
“Tôi hoảng loạn thực sự luôn. Như kiểu đang đứng yên lành mà bị gạt giò vậy,” anh Weiss nói với kênh CNN trong một bài phỏng vấn qua điện thoại.
Mang trong mình suy nghĩ khác, anh Weiss gặp vấn đề trong việc giao du với những người sống quanh mình, anh cảm thấy “đen đủi” khi vẫn còn những người bạn không cùng quan điểm với mình. “Tôi chẳng thấy có vấn đề gì với bất kỳ ai nghĩ rằng chúng ta đang sống trên một quả bóng. Lựa chọn của họ mà,” anh nói. “Chẳng qua đó là điều tôi không tiếp thu được.”
Mang trong mình suy nghĩ khác, hiển nhiên Weiss sẽ tìm tới những người chung chí hướng: anh tìm tới những cộng đồng cùng quan niệm Trái Đất phẳng.
Giữa tháng Mười một vừa rồi, anh Weiss tới dự Hội nghị Quốc tế về Trái Đất Phẳng được tổ chức thường niên, đến hôm nay đã là lần thứ ba, diễn ra tại khách sạn Embassy Suites tại Dallas, Texas. Bên đứng ra tổ chức sự kiện nói với CNN rằng phải ít nhất 600 người tới tới tham gia. Trước lần này, sự kiện đã diễn ra tại Raleigh và Denver; xa hơn, Brazil, Anh và Ý, cũng đã từng tổ chức sự kiện Trái Đất phẳng của riêng họ.
Hội nghị cũng chẳng khác nhiều những thứ bạn thường thấy, chỉ có cái thông điệp đứng đằng sau khiến chúng ta khó ở thôi. Trên bục cao, người phát biểu dõng dạc nói những câu từ đã được luyện tập nhuần nhuyễn, những bài thuyết trình như “Không gian là Giả” hay “Thử nghiệm Mặt Trăng: Cùng nhìn vào Lời nói dối hình cầu” có vẻ rất được lòng người nghe.
Cuối buổi đàm đạo, người ta trao giải cho những video có chủ đề Trái Đất phẳng hay nhất. Những người đắm đuối chạy theo niềm tin Trái Đất phẳng hứng khởi vô cùng khi được gặp những cá nhân có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng này.
“Chúng tôi vẫn liên lạc trực tuyến đấy, nhưng sự kiện này cho phép chúng tôi gặp mặt bắt tay, ôm nhau thắm thiết,” anh Weiss nói. “Chúng tôi có thể cộng tác với nhau, kiếm tìm bạn mới. Bởi bạn đoán xem, bạn cũ của chúng tôi … chúng tôi mất nhiều bạn lắm.”
Vài trăm người mừng mừng tủi tủi gặp được người chia sẻ niềm tin với mình (dù sai trái) ở Dallas chỉ là một phần nhỏ thôi. Trên Trái Đất tròn trịa này, số người tin rằng Trái Đất phẳng không hề nhỏ: họ vẫn ngày ngày từ chối tin vào khoa học, và lan truyền thông điệp Trái Đất phẳng, hòng lôi kéo thêm nhiều người cùng gia nhập đại gia đình của mình.
Chưa có nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra chính xác có bao nhiêu người đã “sa ngã”, nhưng những người như anh Weiss hay bất cứ ai cùng quan điểm với anh lúc nào cũng sẵn sàng khẳng định có hàng triệu người như họ: nhiều trong số đó là ngôi sao lớn, là những phi công hàng không thương mại. Ở trên môi trường mạng, những cộng đồng Trái Đất phẳng còn hoạt động mạnh hơn nhiều: những tập hợp gồm hàng trăm hàng người, bu lấy những video YouTube có khả năng vươn tới hàng triệu người khác nữa.
Theo khảo sát của YouGov thực hiện trên hơn 8.000 người Mỹ trưởng thành, thì cứ 6 người sẽ xuất hiện một cá nhân không hoàn toàn tin rằng Trái Đất có hình cầu. Tại Brazil, Viện Datafolha mới thực hiện khảo sát và cho ra kết quả đáng ngại: trên tổng số 2.000 người được hỏi, họ thấy rằng có thể tới 7% dân số Brazil tin rằng Trái Đất phẳng.
Cộng đồng tưởng như yếu ớt này được hậu thuẫn bởi một loạt ngôi sao, những sự kiện liên quan, đồ lưu niệm về Trái Đất phẳng và đáng lo hơn nữa, là một loạt giả thuyết ngụy khoa học được dùng để thuyết phục thêm nhiều người khác. Theo người tổ chức sự kiện, mỗi năm lại thêm nhiều sự kiện liên quan tới Trái Đất phẳng nữa xuất hiện.
“Tôi chưa thấy thứ gì phát triển nhanh mức này,” Robbie Davison, người thành lập trung tập hội nghị Dallas cho hay. “Tôi dám nói rằng trong vòng 10 năm nữa, số lượng sẽ khiến bạn choáng ngợp cho coi … năm sau, sẽ xuất hiện sự kiện như thế này ở tất cả thành phố lớn trên thế giới.”
Các chuyên gia đã bắt đầu lo lắng, rằng liệu phong trào này có thực sự vô hại, hay sức ảnh hưởng của nó đang sắp sửa chém một cú chí mạng vào nhận thức của nhân loại.
Lần đầu tiên Robbie Davidson biết tới sự tồn tại của cộng đồng Trái Đất phẳng, Davidson chỉ biết cười và nói rằng: “Họ ắt phải là nhóm người thiếu hiểu biết nhất rồi. Ai có đầu óc bình thường mà lại tin tưởng vào thứ ngốc nghếch như vậy chứ?”
Vài năm sau, Davidson tự tay tổ chức sự kiện cho một hội nghị Trái Đất phẳng quốc tế. Và cũng giống đa số những người CNN gặp tại sự kiện quốc tế này, Davidson bị thuyết phục rằng Trái Đất phẳng khi không tự chứng minh được Trái Đất có hình cầu.
Khi không thể dùng khoa học để chứng minh Trái Đất phẳng hay cầu, Davidson đưa lời giải thích như sau: “Hãy cứ thử giả định [nhân loại] có kẻ địch, đó chính là quỷ dữ, là quỷ Satan. Công việc của hắn sẽ là thuyết phục thế giới rằng Chúa không tồn tại. Và hắn đã làm rất tốt việc thuyết phục người ta rằng chúng ta chỉ là một điểm ngẫu nhiên trong Vũ trụ vô tận.”
Khi không thể dùng khoa học sẵn có để chứng minh cái hiển nhiên, Davidson quay về lối đi tăm tối mà nhân loại vẫn dùng nhiều năm nay: giải thích mọi thứ quá tầm hiểu biết bằng sự tồn tại của một thế lực nào đó cao hơn.
Trong thực tại mà Davidson tin tưởng, thì Trái Đất, Mặt Trời và Mặt Trăng dường như nằm trong một lồng kính khép kín được kiểm soát chặt chẽ. Dựa vào logic này, họ dễ dàng từ chối tin vào sự thật: ví dụ như ảnh chụp Trái Đất từ quỹ đạo chỉ là sản phẩm của photoshop, hay rằng “nếu đặt một camera trên Mặt Trăng quay lại Trái Đất 24/7”, mọi thứ sẽ “sáng tỏ”.
Chẳng mấy khó khăn, Davidson tìm được cả một cộng đồng chia sẻ đức tin với mình. “Tôi nghĩ rằng nếu thực hiện một buổi hội nghị, đây sẽ là bước tiến mới để phương tiện truyền thông, hay thậm chí cả thế giới sẽ nhìn vào và rằng, ‘rõ ràng đang có sự kiện gì đó xảy ra, đây không phải là một trào lưu mạng hay một nhúm người khùng tồn tại trên Internet, giờ chúng tôi đã tổ chức gặp mặt trong một tòa nhà có thật.’”
- Đầu tiên, và quan trọng nhất: “chúng tôi không tin rằng mình đang nằm trên một cái đĩa bay trong không gian.” Cộng đồng Trái Đất phẳng không tin vào không gian, họ cho rằng Trái Đất nằm cố định một chỗ và việc hạ cánh lên Mặt Trăng là giả. Những ánh mắt dò xét hướng về phía lực hấp dẫn - nhưng Davidson nhấn mạnh, rằng chưa ai tận mắt nhìn thấy lực hấp dẫn cả nên khái niệm này vô nghĩa.
- Thứ hai, sẽ chẳng ai ngã ra khỏi Đĩa Đất đâu. Lý do: đa số họ tin rằng hành tinh của chúng ta là một cái đĩa, với Bắc Cực là bức tường băng bao quanh rìa.
- Thứ ba, những người tin Trái Đất phẳng hiện đại không có nhiều điểm chung với Hội Trái Đất Phẳng - Flat Earth Society, một nhóm người đã tồn tại hàng chục năm và có đâu đó khoảng 200.000 like trên Facebook. Điểm chung lớn nhất của họ có lẽ là niêm tin vào sự tồn tại của cái Đĩa Đất.
Một vài người tại hội nghị Trái Đất phẳng quốc tế cho rằng Hội kia là tổ chức do chính phủ hậu thuẫn, với mục đích bơm tin giả khiến khẳng định “Trái Đất phẳng” nghe khó tin hơn với những người đang kiếm tìm sự thật. Davidson không ngần ngại gọi giả thuyết những người chung chí hướng nhưng khác hội kia là “nực cười hết sức”.
Hội Trái Đất Phẳng trả lời CNN: “Chúng tôi không phải tổ chức bù nhìn của chính phủ. Chúng tôi là tổ chức bao gồm những thuyết gia Trái Đất phẳng đã tồn tại trước cả khi đại đa số người tới dự hội nghị biết về Trái Đất phẳng.”
“Chẳng cần phải bàn, chúng tôi không hứng thú gì với việc kết bè phái chống lại nhau, hay việc để cảm xúc chi phối mỗi khi xảy ra bất đồng. Chúng tôi mong Hội nghị Trái Đất Phẳng Quốc tế thành công, và chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững đức tin của mình.”
Cộng đồng người tin Trái Đất phẳng cũng không vờ rằng họ hiểu hết những gì mình nói ra. “Người ta không rõ 100% Trái Đất là gì, chúng tôi chỉ đặt câu hỏi với những điều vốn vẫn được học thôi.” Nhiều người trong cộng đồng này cố gắng tự thực hiện thử nghiệm chứng minh Trái Đất phẳng: có ông tự chế tên lửa để lên không nhìn Trái Đất cho rõ, có người thực hiện thử nghiệm rồi thất bại thảm hại - họ lại chứng minh được rằng Trái Đất này có hình cầu thật, có người còn mang ống bọt nước lên máy bay để chứng minh Trái Đất này phẳng - một thử nghiệm vô nghĩa.
Rõ là họ không thể chứng minh sai thành đúng, nhưng dù thất bại, đa số họ đều khẳng định rằng mình làm vậy chỉ do tò mò, bởi lẽ những người mang đầu óc đam mê khoa học sẽ đều tò mò vậy. “Chúng tôi yêu khoa học lắm,” Davidson khăng khăng nói.
Những nhân vật bài khoa học này có xu hướng … bài một lúc nhiều thứ cho tiện. Chẳng khó để tìm ra một người tin Trái Đất phẳng tin rằng vaccine có hại, việc đáp lên Mặt Trăng là giả, v.v… Có vẻ nhận thức “nghi ngờ tất cả” giúp họ trả lời được câu hỏi lớn: rằng ai đang đứng đằng sau, che giấu sự thật về hình dáng Trái Đất? Ai muốn họ tin rằng Trái Đất này là hình cầu, trong khi “rõ ràng nó là cái đĩa”? Họ cho rằng có một thế lực nào đó đứng đằng sau cai quản tất cả.
“Một khi họ tin Trái Đất phẳng, mọi thuyết âm mưu khác đều bị gạt xuống thứ hạng thấp hơn,” Mark Sargent, một thành viên tích cực của cộng đồng Trái Đất phẳng, cũng là một trong những người đứng sau bộ phim tài liệu “Đằng sau Đường cong” nói về cộng đồng trên.
“Mọi người tham gia đều có khoảng 20 thuyết âm mưu - bạn có thể hỏi từng người họ mà xem, sẽ nhận được những câu trả lời khác nhau. Thế nhưng thuyết âm mưu số một của họ luôn là Trái Đất phẳng,” Sargent nói với CNN.
Thế là họ có chung chí hướng, một niềm tin mãnh liệt vào sự tồn tại của Đĩa Đất. “Hầu hết cơn thịnh nộ của chúng tôi nhắm vào NASA. Họ luôn là cái tên được nhắc tới”, Sargent khẳng định cơ quan Vũ trụ này đứng đằng sau thuyết âm mưu về Trái Đất hình cầu. Càng đọc càng bực mình, thế quái nào mà họ lại tin vào một giả thuyết hoang đường đến vậy?
Theo lời của Daniel Jolly, giảng viên môn tâm lý học thuyết âm mưu tại Đại học Northumbria: “Về cơ bản, con người chỉ cố hiểu hơn về thế giới này thôi. Họ nhận định thế giới theo những thành kiến có sẵn trong đầu.”
“Họ có thể tỏ ra không tin tưởng vào những người, những tập hợp người có quyền lực, đơn cử như chính phủ hay NASA, và khi họ tìm những bằng chứng để ủng hộ thành kiến trong đầu mình … thế giới quan của họ sẽ bị bẻ theo lối nghĩ đó. Rất khó để thoát ra được lối mòn suy nghĩ này.”
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng có một xu hướng xã hội khiến người ta bị thu hút bởi thuyết âm mưu, đó là mong muốn “duy trì quan điểm tích cực về bản thân và về nhóm người bao quanh mình,” đó là nhận định của nhà tâm lý học Karen Douglas tới từ Đại học Kent.
Quả thật, hiếm có cộng đồng nào mạnh mẽ như nhóm người cho rằng Trái Đất là hành tinh phẳng. “Hội nghị này là nơi để những người vốn bị tẩy chay bởi bạn bè, gia đình đồng nghiệp tìm được nơi để nêu ý kiến. Khi họ tới đây, họ cảm thấy như tìm được một chốn an toàn để bộc lộ quan điểm,” Sargent nói.
Nhưng có lẽ, động cơ quan trọng nhất chính là nhu cầu có được khả năng kiểm soát và ít nhiều quyền hành. “Người ta luôn muốn cảm thấy an toàn, được bao bọc khi sống trên thế giới này,” nhà tâm lý học Douglas nói. Hiển nhiên tri thức ban cho ta sức mạnh, cho dù “tri thức” ở đây lệch lạc mới nào.
“Khi bạn biết được rằng Trái Đất này phẳng … bạn sẽ cảm thấy tràn trề năng lượng," anh Weiss nói.
Cảm giác đó có thể khiến người tin Trái Đất phẳng cảm thấy thoải mái hơn, theo lời Sargent thì khiến anh “biết điều hướng cuộc sống tốt hơn”.
Có thể coi Sargent là cha đẻ của phong trào Trái Đất phẳng hiện đại. “Nếu bạn hứng thú với giả thuyết Trái Đất phẳng, khả năng cao bạn sẽ đọc những gì tôi viết trước tiên,” anh nói với CNN. Rõ ràng là Sargent không làm một mình: chính YouTube là bước đệm để thông điệp (sai trái) của Sargent bay đi khắp chốn. Anh khẳng định phong trào này không thể tồn tại nếu thiếu YouTube.
Bằng thuật toán hỗ trợ tìm kiếm và gợi ý video liên quan, một khi bị cuốn vào vòng xoáy của Trái Đất phẳng, bạn sẽ liên tục ngồi xem video liên quan. Nhận thấy xu hướng không lành mạnh, YouTube đã bắt đầu vùi những video về thuyết âm mưu dưới cái kho video khổng lồ của mình, bên cạnh đó giảm thiểu việc gợi ý những video liên quan.
Dù biết muộn còn hơn không, nhưng muộn cũng đã để lại hậu quả: tốc độ lây lan của phong trào Trái Đất phẳng lan chóng mặt, kéo theo việc người ta hào hứng tẩy chay những sự thật cơ bản, tẩy chay khoa học - một trong những viên gạch nền móng xây nên nhân loại.
“Người ta không tin vào các nhà khoa học, các chuyên gia ngày một nhiều, thậm chí còn đặt dấu hỏi về động cơ của khoa học,”, nhà tâm lý học Douglas nói. “Cần thêm nghiên cứu về hành vi này, và tôi chắc rằng sẽ có lợi ích nhất định của việc tin vào thuyết âm mưu, nhưng những bằng chứng đầu tiên cho thấy hại nhiều hơn lợi.”
“Chẳng mấy khi tôi nói câu này đâu, nhưng mà đúng … có mặt hại đó,” Sargent thừa nhận, mặt đăm chiêu khi nghĩ tới việc mình đã góp phần khiến phong trào Trái Đất phẳng mạnh mẽ như hiện tại. “Tin vào Trái Đất phẳng cũng có tác dụng phụ … một khi bạn tin vậy, bạn sẽ tự động nhớ lại mọi hoài nghi mình đã từng có.” Dần dần, họ sẽ hoài nghi mọi thứ, đặt câu hỏi “liệu có thể tin bất cứ thứ gì mà phương tiện truyền thông đại chúng nhắc tới?”
Khi không phân biệt được rõ thật giả, thế giới quan của một người sẽ đảo lộn. Thậm chí đến mức Davidson quyết tâm tranh luận với những người đứng đầu cộng đồng khoa học, dù rằng luôn bị cười nhạo.
Quyết tâm là tốt, nhưng quyết tâm cho mục đích sai trái thì không. Như ai đó trên mạng đã từng nói: cái gì cộng thiếu hiểu biết thành phá hoại ấy; câu này cũng ở trên mạng Internet, nên tin vào nó hay không phụ thuộc vào cách nhìn của bạn.