Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam: Thị trường M&A sẽ có sóng lớn hơn trong tương lai
Thiếu vắng các thương vụ lớn, thị trường mua bán và sáp nhập được Việt Nam được dự báo đạt mức 5 tỷ USD trong năm nay. Trong khi tổng giá trị thị trường năm ngoái của thị trường này là 5,8 tỷ USD. Tuy nhiên về phía các nhà tư vấn cho rằng thị trường này hiện rất sôi động sẽ ngày càng tham gia đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam số liệu tổng giá trị thương vụ giảm không phản ánh việc thị trường đi xuống. "Hiện nay theo tôi quan sát đây đang là những đợt sóng ngầm và đang chuẩn bị cho những làn sóng M&A lớn hơn trong tương lai", chuyên gia này chia sẻ với báo chí.
Là người có hơn 20 năm trong lĩnh vực tư vấn M&A, ông Ái cho rằng có 2 xu hướng quyết định việc này. Thứ nhất liên quan đến cầu, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm tới thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư trong nước có năng lực hơn cũng quan tâm đến M&A.
Thực tế thị trường cũng minh chứng cho điều này khi trong những năm qua thị trường bán lẻ, bất động sản Việt Nam luôn lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2016, các nhà đầu tư Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore vẫn là những người mua chủ yếu tại thị trường Việt Nam.
Với các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm, thì Singapore nổi lên với những thương vụ bất động sản thương mại, và Thái Lan tiếp tục tập trung vào mảng bán lẻ và vật liệu-hóa chất với mục tiêu mở rộng thị trường. Hàn Quốc thực hiện một số thương vụ trong lĩnh vực thực phẩm và tài chính – ngân hàng.
Với nhà đầu tư trong nước, mới đây thị trường lại sôi động với thông tin Thế Giới Di Động sẽ thực hiện các giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phiếu của Trần Anh, dẫn đến việc sở hữu trên 25% vốn điều lệ của công ty này. Thế giới di động cũng đã gửi thư tới cổ đông xin ý kiến thông qua mức ngân sách cho hoạt động M&A tăng lên 2.500 tỷ đồng, thay vì 500 tỷ đồng như nghị quyết đại hội cổ đông hồi đầu năm. Số tiền này vượt xa so với giá trị của Trần Anh trên sàn chứng khoán, chỉ khoảng gần 1.000 tỷ đồng.
Về phía nguồn cung, theo ông Ái hiện có 3 nguồn cung đáng kể đang ảnh hưởng đến thị trường M&A. Thứ 1 là làn sóng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Mới đây Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quyết định 1232/2017/QĐ-Ttg phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020. Theo đó sẽ có 375 doanh nghiệp thoái vốn từ nay tới năm 2020 và phần lớn sẽ thoái hết vốn nhà nước.
Thứ 2 các doanh nghiệp trong nước cũng đã vươn lên, quan tâm hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ 3 là các doanh nghiệp nước ngoài đã mua được các doanh nghiệp rẻ trong thời điểm trước thì bây giờ là thời điểm họ muốn thoái vốn.
Theo chuyên gia này, số lượng các thương vụ có ý nghĩa nhiều hơn tổng giá trị các thương vụ trên thị trường M&A bởi giá trị thương vụ phụ thuộc vào có bao nhiêu thương vụ lớn. Tính chất của thị trường phụ thuộc vào bao nhiêu nhà tư nhân tham gia vào thị trường. Trong khi tại Việt Nam chủ yếu là các thương vụ nhỏ với mức vốn 50-100 triệu USD thì đây là động lực chính cho thị trường trong tương lai.
Cách đây 7 năm, ông Ái từng cho biết tỷ lệ thành công của các thương vụ M&A Việt Nam là 50% thì hiện đã được cải thiện hơn. Có 2 yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công cao: Thứ 1 là các doanh nghiệp trong nước đã có trình độ quản trị cao hơn trước rất nhiều nên các nhà đầu tư nước ngoài đã tìm được ngôn ngữ chung với doanh nghiệp Việt Nam. Thứ 2 về định giá đã sát với giá trị thực hơn. Hơn nữa mối quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực này đã cao lên nên cạnh tranh cao hơn, các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng chấp nhận các điều kiện của các nhà đầu tư trong nước hơn so với trước đây.