Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: 12 chỉ tiêu đặt ra cho năm 2021 rất nặng nề
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đưa ra 12 chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2021. Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định còn rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19.
Sáng ngày 28/12, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương năm 2020 chính thức khai mạc. Tại đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nêu 12 chỉ tiêu chủ yếu cụ thể đặt ra cho năm 2021.
Trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ của năm 2021 và thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu… để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021.
Theo đó, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hoá khát vọng phát triển đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Đối với tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020 được thực hiện trong bối cảnh không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; xung đột thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.
Nhưng nhìn chung, kinh tế năm 2020 đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 bình quân 6,8%/năm.
Bất chấp những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91%; là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD.
Thu Ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt 96% dự toán. Cơ cấu lại Ngân sách Nhà nước đạt kết quả tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng lên 81,6% (giai đoạn 2011 - 2015 là 68,7%). Bội chi Ngân sách Nhà nước và nợ công được kiểm soát trong giới hạn an toàn và giảm so với giai đoạn trước.
Ngoài ra, tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, xuất siêu 5 năm liên tiếp (năm 2020 ước đạt 19,1 tỷ USD).
Vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước thực hiện năm 2020 đạt cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%.
Việc sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn thực chất hơn; hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp nhà nước được nâng lên. 12 dự án yếu kém của ngành công thương được xử lý và đạt kết quả bước đầu, một số dự án đã có lãi và giảm lỗ lũy kế; đưa 3 dự án ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban chỉ đạo.