Phó Thống đốc NHNN: Tăng trưởng tín dụng tùy theo nhu cầu thực tế của nền kinh tế, có thể cao hoặc thấp hơn 17%

31/08/2018 08:59 AM | Kinh tế vĩ mô

Đến 30/8, tăng trưởng tín dụng đạt 8,5%, mới chỉ được 50% so với chỉ tiêu 17% cả năm. Phó Thống đốc cho biết, với tính toán hiện này thì 17% có thể là một chỉ tiêu phù hợp để vừa đạt được tăng trưởng cũng như đảm bảo kiểm soát lạm phát.

Báo cáo tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 30/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Mai Tiến Dũng cho biết tăng trưởng tín dụng năm 2018 sẽ đạt dưới 18%. Theo Bộ trưởng, tính đến ngày 15/8/2018, tăng trưởng tín dụng khoảng 8,18% và dự kiến trong năm nay mức tăng trưởng khống chế ở mức 17% (năm 2018 mức tăng này khoảng trên 18%).

"Mặc dù khống chế tăng trưởng tín dụng, nhưng vẫn đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh với mức lãi suất ổn định", Bộ trưởng cho hay.

Nói rõ hơn về chỉ tiêu tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trước hết chỉ số tín dụng là chỉ số điều hành vĩ mô để  thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ, vì vậy để có được chỉ số tín dụng hợp lý đối với nền kinh tế là yêu cầu rất cao. Phải thực hiện đồng thời. Thứ nhất là tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho nền kinh tế. Thứ hai phải thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát. Đến thời điểm hiện nay cũng đã hết 8 tháng và tăng trưởng nền kinh tế nhìn chung rất khả quan.

Kiểm soát lạm phát mặc dù vẫn dưới 4% nhưng vẫn cần cảnh giác với việc kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm. Chính vì vậy việc điều hành chỉ số tăng trưởng tín dụng, đặt ra ngay từ đầu năm là khoảng 17%, thì cũng có thể thấp hơn hoặc cao hơn tùy theo nhu cầu thực tế của nền kinh tế. Đến thời điểm 30/8, tăng trưởng tín dụng đạt 8,5%, mới được 50% so với chỉ tiêu 17%.

Như vậy, còn lại 8,5% nữa cho 4 tháng cuối năm. Với tính toán hiện nay, theo Phó Thống đốc thì 17% có thể là một chỉ tiêu phù hợp để vừa đạt được tăng trưởng cũng như bảo đảm được kiểm soát lạm phát. Còn nhu cầu vốn cho nền kinh tế, kể cả hiện nay cũng như tiếp theo, đặc biệt với những lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi, đều đã có kế hoạch và các ngân hàng thương mại vẫn luôn đảm bảo thanh khoản cho những ưu tiên này.

Theo Hải Vân

Cùng chuyên mục
XEM