Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Nợ xấu là hệ quả của quá trình, không phải do yếu kém của ngành ngân hàng

23/07/2024 16:19 PM | Kinh tế vĩ mô

Tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2024 sáng 23/7, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết nợ xấu tổng thể lên tới 6,9%.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Nợ xấu là hệ quả của quá trình, không phải do yếu kém của ngành ngân hàng- Ảnh 1.

Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú chủ trì buổi họp báo

Cụ thể, đến cuối tháng 6/2024, nợ xấu tổng thể bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC, nợ xấu tiềm ẩn khoảng 6,9%. Phó Thống đốc nhấn mạnh, nợ xấu đang có xu hướng tăng, trở thành thách thức không chỉ của ngành ngân hàng mà còn của toàn nền kinh tế.

Theo ông, nợ xấu là hệ quả của cả một quá trình, không phải do yếu kém của ngành ngân hàng. Tất nhiên, có một số khoản nợ xấu do cán bộ tín dụng khi thẩm định không lường được khả năng trả nợ và rủi ro của khách hàng. Về cơ bản, nợ xấu là do những khó khăn chung của nền kinh tế khiến khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm.

"Chúng tôi muốn công khai, minh bạch vấn đề này để thấy được trách nhiệm chung của các bên trong việc xử lý nợ xấu. Không chỉ ngân hàng, khách hàng cũng phải tăng cường ý thức trả nợ vì tiền gửi là của nhân dân", ông Đào Minh Tú nói.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Nợ xấu là hệ quả của quá trình, không phải do yếu kém của ngành ngân hàng- Ảnh 2.

Ngoài thông tin về nợ xấu, về hoạt động kinh doanh vàng, Phó thống đốc cũng cho rằng, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.

Cụ thể, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước, và sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan, hiện, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi đã giảm đáng kể. Giá bán vàng miếng SJC trên thị trường trong nước đã giảm mạnh, chênh lệch trên 5 triệu đồng/lượng so với giá thế giới.

Còn về tín dụng, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tính đến cuối tháng 6/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia…

Thảo Vân

Cùng chuyên mục
XEM