Phó Giáo sư trẻ nhất ĐH Bách Khoa TPHCM: 37 tuổi, 2 bản quyền tác giả, hơn 50 bài báo khoa học
Với 'gia tài' nghiên cứu đồ sộ, anh Phạm Vũ Hồng Sơn (sinh năm 1985) của trường ĐH Bách Khoa TPHCM được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư ngày 18/5 vừa qua.
Xin chào PGS.TS Phạm Vũ Hồng Sơn, là 1 trong 28 ứng viên của ĐH Quốc gia TPHCM nhận quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư (GS) và Phó Giáo sư (PGS), anh có cảm xúc ra sao?
PGS.TS Phạm Vũ Hồng Sơn (ngành Xây dựng): Trước và sau khi được phong hàm, tôi vẫn là tôi, vẫn nghiên cứu và làm việc như bình thường. Hơn ai hết, tôi cảm thấy rất vinh hạnh khi những cống hiến, đóng góp của mình được công nhận. Đó còn là sự khích lệ tinh thần để tôi có thêm động lực trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy.
Trong hơn 50 công trình nghiên cứu khoa học của mình, anh cảm thấy tự hào nhất với đề tài nghiên cứu nào? Anh có thể giới thiệu sơ qua về tính thực tiễn của đề tài đó?
Để nói về một công trình nghiên cứu đáng nhớ và nhiều cảm xúc nhất với tôi, có lẽ là công trình nghiên cứu “A Hybrid Bayesian Fuzzy-Game Model for Improving the Negotiation Effectiveness of Construction Material Procurement" (Một mô hình trò chơi để cải thiện hiệu quả đàm phán của việc mua sắm vật liệu xây dựng) đăng trên tạp chí ASCE, một trong những nghiên cứu đầu tiên của tôi về "Trí tuệ nhân tạo (AI) và Lý thuyết trò chơi (GT)".
Trong tất cả các phỏng đoán, việc dự đoán được ý định của người khác là một trong những thách thức lớn nhất. Và nghiên cứu này đã xây dựng một hệ thống hỗ trợ ra quyết định từ rất nhiều dữ liệu thông tin thu thập trong quá khứ và hiện tại để phỏng đoán chiến lược và cách thức ra giá trong đấu thầu của nhiều đối thủ cùng một lúc, từ đó đưa ra giá phù hợp nhất với tỷ lệ thắng thầu cao.
Một số lĩnh vực đã bắt đầu thay đổi cách vận hành và đấu thầu trực tuyến ngày càng được áp dụng rộng rãi. Có một số sản phẩm giá cả thay đổi rất nhanh vì phụ thuộc nhiều vào nhu cầu sử dụng và nguồn cung ứng đầu vào như giá điện, giá dầu hoặc giá kim loại. Vì vậy, một quyết định lựa chọn giá mua bán phù hợp ảnh hưởng rất nhiều đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Mô hình hỗ trợ ra quyết định trong nghiên cứu kể trên, có thể tổng hợp và phân tích cùng lúc rất nhiều thông tin để có được một chiến lược giá tối ưu, sau đó cùng lúc thương lượng hoặc đấu thầu với nhiều nhà cung cấp trên thế giới để tìm ra được giá mua tốt nhất. Tôi và nhóm nghiên cứu vẫn đang cố gắng hoàn thiện mô hình này và hi vọng có thể thương mại hóa trong thời gian tới.
Chân dung PGS.TS Phạm Vũ Hồng Sơn với những thành tích tiêu biểu trong hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy.
Trước những kỳ vọng trong nghiên cứu khoa học là phải tìm ra cái mới, tốt hơn cái người khác đã làm, anh có cảm thấy áp lực vì điều này không?
Tôi thường xuyên rơi vào tình trạng bí ý tưởng bởi khi xác định tiếp cận với những đề tài mới thì cần có kho dữ liệu và bản lĩnh "thử sai, thử thất bại". Hơn nữa, ngành Xây dựng có đặc thù lâu đời và nhiều nghiên cứu nên nếu tìm ra cái mới mà không tốt hơn cái người khác đã làm thì sẽ không có được kết quả.
Thường khi mọi người rơi vào bế tắc sẽ tạo ra sức ì tâm lý, bị đi theo lối mòn trong suy nghĩ, áp lực tìm ra cái mới. Nhưng với tôi, khi cảm thấy bế tắc, tôi sẽ mạnh dạn từ bỏ kết quả của phương hướng đầu tiên mặc dù đã bỏ nhiều công sức cho nó để tìm ra một hướng đi mới.
Tôi cho rằng, dù mất một hay nhiều năm nghiên cứu, hãy dũng cảm bỏ kết quả cũ khi nó đi vào đường cùng để lùi lại và rẽ sang con đường mới. Bởi nghiên cứu khoa học không phải đâm lao, theo lao mà là dám thử sai và sửa sai nên luôn phải có tinh thần và tính sáng tạo trong đó.
PGS.TS Phạm Vũ Hồng Sơn (ngoài cùng bên tay phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng bạn bè, đồng nghiệp.
Vậy theo PGS.TS Hồng Sơn, giá trị của thời gian trong nghiên cứu khoa học được biểu hiện như thế nào?
Với tôi, nghiên cứu khoa học không có thời gian cố định, thời gian nghiên cứu sẽ là vô chừng và bất kể thời điểm nào trong ngày cũng có thể nghiên cứu. Kể cả khi tôi đang chạy xe, cho con ăn, giảng dạy, đi ngủ... cũng đều nghĩ về vấn đề đang nghiên cứu. Có hôm đang giảng bài, tôi chợt nghĩ ra ý tưởng hay sẽ liền ghi ra giấy hay nhiều hôm trắng đêm để thực hiện ý tưởng nghiên cứu vì nếu không làm ngay lúc đó thì sẽ không yên tâm. Vì thế, có thể khẳng định, thời gian với tôi là... vô giá.
Mở rộng thêm, tôi cho rằng giá trị của thời gian trong nghiên cứu khoa học còn được biểu hiện ở sự kiên trì của mỗi người làm nghiên cứu. Bởi lẽ, có những công trình nghiên cứu được ứng dụng ngay lập tức và có nhiều đóng góp cao cho xã hội nhưng cũng có những nghiên cứu phải mất 20 đến 50 năm sau mới có thể ứng dụng được.
Có 2 bản quyền tác giả về các phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý an toàn xây dựng và đấu thầu online liệu có phải là thành tựu lớn nhất của anh trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học không?
Đã làm nghiên cứu, ai cũng mong muốn công trình của mình không mãi nằm trên giấy mà phải ứng dụng được vào thực tiễn. Tôi rất vui vì đã làm được một phần công việc ấy. Tôi và nhóm nghiên cứu phát triển thành công phần mềm Manaworker ứng dụng được trên web và cả apps điện thoại chạy trên hệ điều hành Android và IOS, kết nối với GPS để giám sát và cảnh báo an toàn cho công nhân làm việc ở công trường thi công. Sau khi ứng dụng thử ở một vài công trường thực tế đã giảm đáng kể các sai phạm về an toàn lao động của công nhân. Kết quả này đã thôi thúc tôi tiếp tục nghiên cứu tích hợp thêm nhiều tính năng mới trong tương lai.
Theo anh, để trở thành một nhà nghiên cứu khoa học giỏi, điều kiện đầu tiên các bạn trẻ cần quan tâm đến là gì?
Tôi thường nói với các bạn sinh viên, hãy tập làm quen với nghiên cứu khoa học như lần đầu tập yêu nhưng phải giữ "cái đầu lạnh", đủ tỉnh táo để không phải vấp ngã nhiều lần.
Sự kỳ vọng cao của xã hội cũng sẽ tạo cho các bạn những áp lực nhất định, nhưng nếu muốn trở thành một nhà nghiên cứu khoa học chân chính và giỏi chuyên môn, trước tiên bạn phải tự có trách nhiệm với lựa chọn của chính mình, tự đặt ra mục tiêu và tự tạo ra áp lực hoàn thành mục tiêu đó.
Xin chân thành cảm ơn PGS. TS Phạm Vũ Hồng Sơn! Chúc anh sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
PGS. TS Phạm Vũ Hồng Sơn là Cựu Sinh viên trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia Đài Loan (NTUST hay Taiwan Tech). Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, anh đã tiếp tục chương trình nghiên cứu sinh tại Taiwan Tech và về nước công tác từ năm 2015.