Phố đi bộ Hà Nội: Sự xâm lăng của loài chó

18/10/2016 10:55 AM | Sống

Vốn là nơi dành cho các hoạt động của người, phố đi bộ giờ đây tràn ngập các loại chó khác nhau, nhỏ có, to có, Tây ta hay Tàu đủ cả nhưng điểm chúng là... không rọ mõm.

Với những người yêu và nuôi chó, việc mang theo thú cưng của mình đi khắp nơi giống với một sở thích nhiều hơn là việc làm trách nhiệm. Thế nhưng, nếu có yêu nhau cũng đừng quên rọ mõm.

Phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) bắt đầu được triển khai hoạt động từ ngày 1/9 vừa qua và đã thu hút lượng lớn khách du lịch mỗi dịp cuối tuần.

Là một không gian mở với nhiều hoạt động nghệ thuật, cộng đồng cũng như ẩm thực... phố đi bộ trở thành nơi thư giãn lý tưởng của người dân thủ đô dịp cuối tuần, thế nhưng dần già, đây cũng trở thành tụ điểm tụ hội của những người yêu chó. Có người ví von rằng đây không phải là phố đi bộ nữa mà đang dần trở thành phố chó do sự xuất hiện ngày một nhiều hơn của những người bạn 4 chân.

Chó đông như người

Tới đây, dễ thấy nhất có lẽ là phốc, từ phốc sóc, phốc hươu cho tới phốc ngựa, những chú chó nhỏ nhắn không dây đeo không rọ mõm chạy quanh phố phường, chúng đùa nghịch với nhau, đùa cùng chủ và tạo nên một không gian khá vui nhộn.


Hình ảnh bầy chó diễu hành trên phố đi bộ, nhiều con có dây đeo nhưng hiếm thấy con nào mang rọ mõm. (Ảnh: Facebook)

Hình ảnh bầy chó "diễu hành" trên phố đi bộ, nhiều con có dây đeo nhưng hiếm thấy con nào mang rọ mõm. (Ảnh: Facebook)

Thế nhưng, nếu để ý kĩ, có rất nhiều loại chó khác nhau, từ Tây, ta, Tàu đủ cả và điểm chung là đều không bịt "khẩu trang" (đeo rọ mõm).

Kể cả là những người đã chơi chó lâu năm hay nuôi chó có tay nghề cũng khó lòng nhận biết nổi đâu là chó dữ và đâu là chó hiền, có thể giống này hiền nhưng con chó đó liệu có hiền hay không?

Nhiều chia sẻ cho rằng có những hội chó thường xuyên họp mặt mỗi dịp cuối tuần, họ dắt thú cưng của mình dạo quanh khu vực ven Hồ Gươm. (Ảnh: Facebook)
Nhiều chia sẻ cho rằng có những hội chó thường xuyên họp mặt mỗi dịp cuối tuần, họ dắt thú cưng của mình dạo quanh khu vực ven Hồ Gươm. (Ảnh: Facebook)

Nghịch cảnh này càng đáng lo ngại hơn khi ngoài người và chó thì trẻ em cũng là một phần không nhỏ xuất hiện trên phố đi bộ.

"Mẹ ơi con sợ!"

Đưa con vào phố đi bộ, chị T cũng mong sẽ có những phút giây thoải mái bên chồng con, để bé tự do chạy nhảy, chơi đùa và tham gia các hoạt động cộng đồng. Thế nhưng, cứ 3 bước đi, bé lại gặp chó, gặp phải con hiền lành thích đùa thì chẳng sao, thỉnh thoảng gặp phải chó to quá hoặc chó trông có vẻ dữ dằn, bé nhà chị T lại hét lên rồi chạy về phía mẹ.

Chị T cho rằng chẳng ai cấm được người đi bộ dắt chó, thế nhưng nếu đã dắt thì nên có dây đeo hoặc rọ mõm vào. Không những chủ quản chó tốt hơn mà còn giúp những du khách khác an tâm hơn khi tiếp cận chú chó này.

Mặc dù chó không lồng lên hay đe doạ như nhiều người vẫn chia sẻ, thế nhưng chị T cho rằng chẳng ai biết được liệu chúng sẽ làm gì, nhiều con chủ quát còn chẳng nghe nên nếu có sự cố xảy ra, chị chẳng biết trông chờ vào ai. Đấy là còn chưa kể đến chuyện vệ sinh của bọn chó được dắt vào đây, ai quản lý được việc này?

Tin chó hay tin người?

Người ta vẫn có câu "mồm chó vó ngựa", người lớn thì còn biết đường mà tránh những "hoạ điểm" này, thế nhưng với trẻ em hiếu động, tò mò, biết trông chờ vào ai?

Là một người nuôi chó lâu năm, anh N.V. Nam cho rằng chủ thì thường tin vào chó và tin vào khả năng của bản thân mình. Nhiều người tự tin có thể bảo, ra lệnh được cho chó nên chủ quan không dùng dây dắt hoặc đeo rọ mõm. Có nhiều giống chó khôn, dạy được thế thật. Nhưng anh Nam cho rằng không phải giống chó nào cũng giống nhau và tuỳ vào điều kiện, đôi khi có những con ở nhà rất ngoan nhưng ra đường nói không nghe, bảo không làm.

Anh Nam cho rằng ở các quốc gia nước ngoài, quy định dắt chó ra đường có dây đeo và rọ mõm là bắt buộc. Việt Nam còn thoải mái khi chó được đi vệ sinh bừa bãi mà không có ai kiểm soát, tại nước ngoài chủ phải bốc bằng tay, cho vào túi sau đó đưa vào thùng rác để tránh ô uế môi trường.

Nước ngoài xử lý ra sao?

Lấy ví dụ đơn cử như ở Anh, chỉ đơn giản với việc dắt chó không đúng cũng có thể khiến bạn ngồi tù. Động vật nuôi nói chung và chó nói riêng phải được kiểm soát khi ở nơi công cộng, việc kiểm soát bao gồm sử dụng dây kéo và rọ mõm.

Nếu như vật nuôi của bạn tấn công người hoặc vật nuôi khác, hay đơn giản nó đe doạ và làm người khác sợ hãi thôi bạn cũng có thể bị phạt tới 6 tháng tù. Với những trường hợp vật nuôi gây ra thương tích nghiêm trọng, bạn có thể bị phạt tù 5 năm.

Trông thì không có gì đáng sợ nhưng đây là Pitbull, giống chó có lịch sử gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng.
Trông thì không có gì đáng sợ nhưng đây là Pitbull, giống chó có lịch sử gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng.

Tại đây cũng có nhiều giống chó bị cấm, điển hình là dòng chó Pitbull nổi tiếng cơ bắp, chó Tosa của Nhật Bản, chó Dogo và Fila. Việc sở hữu những loại vật nuôi có giống hoặc được lai tạo từ giống trên là phi pháp.

Trong khi đó người Việt vẫn thoải mái nuôi Pitbull, mang chúng ra phố đi bộ mà chẳng cần rọ mõm, dây đeo.

Học từ phố đi bộ Nguyễn Huệ

Trước nguy cơ mất an toàn và cả lý do mỹ quan, chính quyền TP HCM đã cấm dắt chó đi dạo trên phố đi bộ Nguyễn Huệ vào năm ngoái.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ trước đây từng tràn ngập các loại chó đắt tiền.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ trước đây từng tràn ngập các loại chó đắt tiền.

Mặc dù gây tranh cãi lớn khi nhiều người cho rằng việc làm này hạn chế thú vui của dân TP HCM nhưng sau khi lệnh cấm được thực thi, cảnh tượng lộn xộn vì chó không còn xuất hiện ở phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Dắt cho là một hình ảnh đẹp, sang trọng và nó đang là một thú chơi mới với dân thành thị, yêu động vật cũng là một nét đẹp cần được phát huy. Thế nhưng, hãy để thú vui này có kiểm soát và quan trọng hơn hết, hãy đảm bảo an toàn cho người khác cũng như chính vật nuôi của mình.

Nghiêm cấm thả rông chó ở nơi công cộng

Ông Nguyễn Đình Đảng Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội, cho biết Nghị định số 05/2007/NĐ-CP quy định rõ nghiêm cấm thả rông chó ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị, khi đưa chó ra ngoài phải rọ mõm và có người dắt.

Ngoài ra, chủ nuôi không thực hiện tiêm phòng đối với các bệnh trong danh mục tiêm phòng bắt buộc (trong đó có bệnh dại) sẽ bị xử lí theo Nghị định 119/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, với mức phạt từ 300.000-500.000 đồng.

Theo ông Đảng, trong điều 7 Luật Thú y (đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) quy định phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng nếu để động vật phóng uế ra nơi công cộng, nuôi động vật gây mất vệ sinh khu dân cư...

- Trích từ bài viết của báo Người Lao Động -

Van Vu

Cùng chuyên mục
XEM