Phố đi bộ Hà Nội sau 3 tuần thí điểm: Yên bình nhưng... buồn tẻ vì thiếu điểm vui chơi giải trí!

20/09/2016 20:04 PM | Xã hội

Khách tham quan cho rằng không gian phố đi bộ yên bình nhưng buồn tẻ vì thiếu hoạt động vui chơi giải trí, chỉ đi đi lại lại thì rất nhanh chán, khó níu chân họ ở lại lâu hoặc quay lại đây nhiều lần.

Mới đây, người dân Thủ đô đã chính thức được trải nghiệm phố đi bộ tại 16 tuyến đường quanh khu vực hồ Gươm.

Các tuyến đường quanh hồ Gươm và một số tuyến phụ cận như Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Hàng Dầu, Tràng Tiền, Bảo Khánh, Lê Thạch... bị cấm liên tục 24/24h từ 19h tối thứ 6 đến 24h ngày Chủ nhật.

Các tuyến khác nằm xa khu vực hồ Gươm hơn như Tạ Hiện, Hàng Ngang, Hàng Đào, Lương Ngọc Quyến... chỉ cấm vào các buổi tối thứ 6, 7 và Chủ nhật

Sau 3 tuần đầu tiên thí điểm, quyết định xây dựng không gian phố đi bộ quanh hồ Gươm đang nhận được sự hưởng ứng từ nhiều người dân. Tuy nhiên, một số người cho rằng, việc chốt chặt lệnh cấm cả ban ngày lẫn ban đêm khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn, gặp nhiều rắc rối. Trong khi đó, khách tham quan lại phản ánh rằng họ cảm thấy không gian phố đi bộ yên bình nhưng buồn tẻ vì thiếu hoạt động vui chơi giải trí.

Đủ mọi rắc rối vì bị cấm xe cả ngày lẫn đêm

Việc xây dựng không gian phố đi bộ quanh hồ Gươm khiến rất nhiều người dân Thủ đô cảm thấy háo hức, muốn một lần ghé thăm. Thế nhưng trước khi được trải nghiệm sự yên bình, tĩnh tại ở phố đi bộ, họ phải vượt qua rất nhiều đám tắc đường, vất vả tìm chỗ trông xe vì các bãi gửi xe ở gần, do TP tổ chức và thu đúng mức giá quy định thường hết chỗ từ khá sớm.

Khu vực ùn tắc nhất là đường Hai Bà Trưng, Hàng Gai, Cầu Gỗ... Khung cảnh giữa bên trong và bên ngoài phố đi bộ là một sự trái ngược. Ở trong thanh bình, ở ngoài đông đúc, tắc nghẽn. Nhưng nếu bạn chỉ là khách tham quan, đến phố đi bộ dạo chơi một chốc một lát thì phiền phức mà bạn gặp phải chắc chắn sẽ không lớn bằng những người dân sống quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Những ngày cuối tuần, phố Hai Bà Trưng thường xuyên đông đúc như thế này.

Còn đây là không gian bên trong phố đi bộ.

Cảnh tĩnh lặng này kéo dài từ 12h trưa đến khoảng 3h chiều.

"Đáng lý ngày cuối tuần xe cộ ở khu phố cổ sẽ thưa hơn nhưng bây giờ, mỗi lần ra đường chúng tôi cũng gặp phải cảnh tắc đường ở phía bên ngoài, vào đến bên trong thì phải dắt bộ xe khá mệt mỏi", anh Hùng (phố Nguyễn Xí) tâm sự. Theo anh, vì cảnh tắc đường ở các tuyến đường "thoát" bên cạnh "phố cấm" thường xuyên xảy ra nên mỗi khi di chuyển, anh đều phải căn giờ đi sớm hơn mọi khi.

Rắc rối lớn nhất theo nhiều người dân là việc họ luôn phải "thủ sẵn" thẻ ra vào. Ông Hiếu (sống tại phố Hàng Khay) cho biết, nhiều lúc ông và các con ra ngoài mà không mang theo giấy tờ. Kết quả lúc ra thì không sao nhưng khi về lại phải điện cho người thân mang giấy ra để được dắt xe vào.

Đây là tấm thẻ ra vào mà người dân luôn phải mang theo khi muốn dắt xe máy, xe đạp vào bên trong.

"Đi bộ thôi thì không sao chứ mang xe theo là phải xuất trình giấy tờ khá lằng nhằng", chị Hải (Hàng Dầu) tâm sự. Có lần đang nấu dở bữa cơm, phát hiện ra còn thiếu một số nguyên liệu, chị muốn chạy ù ra chợ cũng không thể nhanh và tiện lợi như trước. "Vì còn phải tìm thẻ ra vào, dắt bộ xe ra bên ngoài rồi mới đi được. Đó là còn chưa kể so với trước kia thì bất tiện hơn vì ngày xưa mình còn chẳng cần đi chợ, nhiều cô bán hàng vẫn đi xe đạp, xe máy chở rau củ, thức ăn qua đây bán nhưng bây giờ không có thẻ ra vào, không phải dân sống ở đây nên họ không đi bán nữa".

Không muốn dắt xe quá xa, nhiều người vẫn tranh thủ leo lên xe để đi như thế này.

Dù vắng tanh nhưng các bác bảo vệ vẫn phải liên tục canh gác ở các chốt cấm.

Việc gửi xe cũng nảy sinh nhiều bất tiện. Chị Hà (một người dân sống trên phố Đinh Lễ) tâm sự, mặc dù TP khẳng định sẽ miễn phí vé gửi xe cho người dân sống tại phố đi bộ song thực tế không hoàn toàn như vậy. Thậm chí, con gái chị còn bị "chém đẹp" 30.000 đồng/lần gửi xe để đi bộ về nhà.

Bất tiện nhất là dịp cuối tuần, gia đình chị Hà thường có người thân, họ hàng đến thăm. Thay vì có thể đi thẳng xe đến nhà chị thì vừa qua, họ phải gửi xe từ khá xa. "Nhiều người bạn của tôi không sống trên phố cổ nên không thạo đường xá, đi lòng vòng mãi mới quay về được nhà tôi".

Ban ngày phố đi bộ vắng hoe, lúc đông vui khách vẫn than buồn vì thiếu chỗ chơi

Không phải dịp lễ, Tết hoặc những ngày đặc biệt, không gian ở phố đi bộ ban ngày khá tĩnh lặng. Thời điểm đông người nhất ở đây là từ 18h trở về đêm. Trong suốt một ngày dài, bạn có thể bắt gặp rất nhiều khoảnh khắc phố đi bộ vắng tanh không một bóng người. Đó là các khoảng thời gian sáng sớm tinh mơ hoặc lúc từ 11h30 đến khoảng 3h chiều. Thời điểm từ 8h đến 10h sáng và 15h đến 17h chiều, phố đi bộ tuy không đến mức vắng lặng nhưng cũng không thực sự nhộn nhịp.

Lý do đầu tiên được nhiều du khách nêu ra là phố đi bộ đang thiếu các tụ điểm vui chơi, giải trí cũng như những nhà hàng, quán ăn theo thị hiếu của người trẻ.

Ca nhạc đường phố...

... Trò chơi dân gian là những hoạt động giải trí ít ỏi vào ban ngày ở phố đi bộ.

Từ sáng cho đến đêm, phố đi bộ sẽ có một số hoạt động như ca nhạc đường phố, chơi trò chơi dân gian, triển lãm tranh, ảnh... và đó là tất cả những hoạt động có ở đây.

Chị Vân Anh (làm việc tại một ngân hàng lớn ở Hà Nội) chia sẻ: "Mình không thấy phố đi bộ có gì hấp dẫn. Thứ nhất là phong cảnh không mới mẻ vì mình đã ở Hà Nội gần chục năm. Thứ hai là ban ngày ở đó khá nắng nóng. Đi đến nơi phải gửi xe và đi bộ khá xa, rất mệt mỏi trong khi vào đến bên trong thì không có gì để chơi".

Theo chị Vân Anh, nếu tổ chức phố đi bộ cả ngày lẫn đêm thì TP nên tập trung tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hơn. "Mình thấy phố đi bộ hiện nay cũng không có gì khác so với trước đó ngoài một số hoạt động ca nhạc và triển lãm tranh ảnh... mà tất cả những thứ đó lại không phải sở thích của mình".

Nhiều người cũng cho rằng, hoạt động văn nghệ đường phố sẽ đẹp hơn nếu được tổ chức bài bản và không kèm theo việc quyên tiền như thế này.

Đồng tình với quan điểm này, chị Thanh (phố Quang Trung) chia sẻ: "Dù rất thích vẻ trong lành ở phố đi bộ nhưng mình cũng thấy là nó rất buồn tẻ. Phải đến 8h30, các hoạt động văn nghệ mới xôm hơn nhưng mới đầu còn hứng thú, nếu tuần nào đến phố đi bộ cũng chỉ có ngần ấy hoạt động thì mình không thấy hào hứng lắm".

Một điểm trừ khác được nhiều người nêu ra là việc thiếu dịch vụ quán ăn, mua sắm theo phong cách giới trẻ. Đi dọc quanh hồ Gươm, bạn sẽ thấy các quán nước, cafe có tuy rất nhiều nhưng những nhà hàng ăn uống bình dân hoặc tầm trung, có phong cách trẻ trung hiện đại lại khá ít. Ngoại từ khu vực hàm cá mập, nếu đi dọc phố Hàng Khay, Hàng Dầu, Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng... chắc chắn một người khó tính sẽ khó tìm được điểm dừng chân.

Phố Hàng Khay biến thành phố trà đá vỉa hè.

Hàng nước vỉa hè đang mọc lên khắp nơi quanh hồ Gươm.

Chỉ cần một chiếc ghế, vài chai nước, người dân cũng có thể bắt đầu kinh doanh.

Phố đi bộ thành nơi trà chanh chém gió vỉa hè?

Và có lẽ phố Tràng Tiền sẽ đẹp hơn nếu không có những cảnh ngồi sát mép đường mà bán hàng như thế này.

Chúng ta có thể điểm qua một số phố buôn bán chính quanh hồ Gươm để thấy là hàng quán ở đây, đang có sự "lệch pha" với nhu cầu của du khách. Chẳng hạn phố Hàng Khay chủ yếu buôn bán đồng hồ, phố Hàng Dầu chuyên vali, túi xách, Lò Sũ chuyên nón, mũ, giày dép, Đinh Lễ, Nguyễn Xí chuyên về sách... và tất cả các con phố này hầu hết bị khách tham quan bỏ qua vì chúng không đáp ứng đúng nhu cầu của khách du lịch, đó là nhu cầu ăn, uống, nghỉ ngơi, mua sắm trang sức, quần áo.

"Nếu ở phố Nguyễn Huệ, Sài Gòn, mình có thể tấp vào bất kỳ hàng quán nào cũng được vì chúng có thiết kế đều trẻ, hiện đại, giá vừa tầm thì ở đây phải đi bộ khá xa, giá lại đắt đỏ", chị Thùy Linh (một du khách từ Sài Gòn ra thăm Hà Nội) cho biết.

Theo chị Linh, nếu chỉ đến hồ Gươm để tìm các quán đã quá nổi tiếng, có chuỗi cửa hàng thì đó không phải là lựa chọn của cô. "Ví dụ như uống Highlands Coffee, ăn đồ Thaiexpress, mình có thể chọn điểm khác thay vì lên phố đi bộ vì như vậy không mất công gửi xe, đi bộ. Mình nghĩ, hồ Gươm thì phải có những quán đặc biệt, tìm không thấy ở chỗ khác và giá cả vừa tầm, có như vậy mới níu kéo được du khách".

Sẽ có rất nhiều tuyến đường quanh hồ Gươm mà dù đi mỏi chân, bạn cũng chẳng thấy một hàng ăn, quán nước nào vừa đẹp, ngon, giá tầm trung để bước vào.

Ngoài những dấu trừ trên, một số du khách cũng đề cập đến những rắc rối như hàng quán vỉa hè quá nhiều, gây ra cảnh tượng nhếch nhác, quá nhiều điểm biểu diễn kiếm tiền thay vì làm nghệ thuật thuần túy...

"Tôi muốn đưa cháu đi ăn kem thì phải đi khá xa, đến các quầy bán hàng lớn hoặc kem Thủy Tạ, Tràng Tiền... mới mua được, như thế rất bất tiện. Nước uống hiện đã có nhiều cây bán hàng tự động, hàng rong nhưng đồ ăn nhanh như kem, xúc xích, bánh trái lại quá ít nơi bán", bà Thảo, một du khách tâm sự.

Bà Thảo cũng tỏ ra không đồng tình khi mặc dù TP có quy định cấm bán hàng rong nhưng ở vỉa hè phố đi bộ, lúc nào cũng có hàng nước tràn ra khắp nơi.

Bà Thảo phải đưa cháu gái đi bộ khá xa mới mua được một cây kem.

Bên cạnh đó, bà Thảo cũng cho rằng, nếu các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đều do TP tổ chức thì sẽ hay hơn rất nhiều so với việc một số ban nhạc tự biểu diễn và thu tiền. "Họ kiếm tiền là không xấu nhưng nó sẽ đẹp hơn nếu đây là do TP tổ chức và không thu tiền như vậy. Tôi nghĩ điều đó sẽ làm hình ảnh Hà Nội đẹp hơn trong mắt mọi người, nhất là khách du lịch nước ngoài", bà Thảo nói thêm.

Cùng chuyên mục
XEM