[Phim hay] Theory of everything: Sức mạnh kì diệu của tình yêu...
Không chỉ nồng nàn vị yêu, thuyết yêu thương là câu chuyện đời cảm động chạm tới trái tim khán giả của nhà vật lý lý thuyết, nhà vũ trụ học thiên tài Stephen Hawking cùng bà Jane Wilde – người vợ nghị lực và can đảm của ông.
Thông tin phim:
Tên phim: Theory of everything – Thuyết vạn vật / Thuyết yêu thương (tạm dịch)
Đạo diễn: James Marsh
Kịch bản: Anthony McCarten, Jane Hawking
Diễn viên: Eddie Redmayne, Felicity Jones, Tom Prior
Khởi chiếu: 27/3/2015
Nội dung chính:
Tưởng chừng như những bộ phim chính kịch về cuộc đời của những nhà khoa học vĩ đại chỉ có những con số, những phương trình, lý luận khô khan, đơn điệu. “Theory of everything” đã phá tan những quan niệm đó để mang tới một góc nhìn khác, một câu chuyện rất “đời”, sâu sắc và cảm động về một con người với bộ óc thiên tài nhưng trái tim lại ấm áp yêu thương.
Dù đã sử dụng cốt truyện chính là cuốn tự truyện của bà Jane Wilde Hawking nhưng phải mất tới một thập kỉ, bộ đôi đạo diễn Jame Marsh và biên kịch Anthony mới hoàn tất các phân cảnh của bộ phim. Quá trình thai nghén 10 năm thật xứng đáng khi “Theory of everything” đã thật sự chạm vào trái tim khán giả, đưa khán giả vào một chuyến hành trình chân thực, mà xúc động.
Chuyện phim lấy bối cảnh nước Anh năm 1963 khi Stephen Hawking đang theo học tiến sỹ vật lý. Thông minh, khác biệt nhưng không hề lập dị, chàng trai Stephen với lối nói chuyện hài hước, dí dỏm đã chinh phục được trái tim của cô gái xinh đẹp Jane Wilde. Quen biết, tìm hiểu và gắn bó với nhau, cuộc hôn nhân của hai người được ví như sự gặp gỡ giữa khoa học và nghệ thuật. “Anh nghiên cứu cuộc hôn nhân giữa không gian và thời gian” “Còn em thích du hành thời gian” .
Hawking và Jane của buổi yêu đầu.
Thế nhưng cuộc sống vốn chẳng thể nào đoán trước được tương lai, dù Stephen có thể quay ngược thời gian, quay ngược đồng hồ, tìm kiếm cội nguồn của vạn vật nhưng ông không thể khiến cảm xúc của mình quay ngược lại thời điểm gặp Jane hay điều khiển trái tim đang rung động bởi vì yêu trong lồng ngực. Ông có thể “chạm” tới sự vận động của vũ trụ nhưng lại không thể khôi phục vận động cơ thể khi bản thân mắc chứng bệnh quái ác “yếu thần kinh vận động”. Một tình yêu vừa chớm liệu có mau tàn trước những thử thách, chông gai của cuộc đời?
Căn bệnh quái ác bào mòn thể xác Stephen nhưng không thể bào mòn tình yêu của hai người.
Nhưng may mắn thay số phận đã khiến Stephen gặp Jane: “Em muốn chúng ta ở bên nhau lâu hết khả năng có thể” lời hứa của Jane, lời hứa của tình yêu và cũng chính lời hứa này đã khiến cuộc đời của hai người lật sang trang mới với những dũng cảm và nghị lực phi thường. Có thể nói Stephen Hawking đã tạo ra kết nối giữa không gian và thời gian, còn Jane, bà đã tạo ra kết nối giữa Hawking và cuộc sống bằng chính tình yêu, nghị lực tuyệt vời của bản thân. Câu nói: “Chúng cháu sẽ cùng nhau chống lại căn bệnh đó” như một lời tuyên thệ đấu tranh vì còn sống là còn hi vọng.
Nếu đoạn đầu phim như một khúc dạo đầu của bản giao hưởng cuộc đời, thì đoạn giữa phim chính là cao trào với những nốt cao đầy xúc cảm. Căn bệnh không chỉ cướp đi khả năng vận động của Stephen mà còn cướp đi cả giọng nói của ông, biến một thiên tài thành người “tàn” nhưng không hề “phế”. Bằng sức mạnh của tình yêu, tình thân gia đình, ông đã từng bước đứng lên, viết lên trang sách cuộc đời của chính mình – một vĩ nhân.
Gia đình chính là động lực giúp ông chống chọi và chiến thắng bệnh tật.
Với khoảng thời gian 2 giờ đồng hồ, 40 năm cuộc đời của giáo sư Stephen Hawking đã được tái hiện chân thực, sống động và ám ảnh. Thành công đó phải kể đến lối diễn xuất rất xuất thần của nam diễn viên trẻ Eddie Redmayne. Diễn mà tựa như không diễn, những phân cảnh thể hiện cảm xúc nội tâm, những bước đi xiêu vẹo cùng ánh nhìn thông thái, ta như gặp lại giáo sư Stephen Hawking của 40 năm trước qua hình ảnh nhân vật Stephen của Eddie.
Nhờ vai diễn này, Eddie đã vinh dự được nhận gải Oscar cho hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, đưa tên tuổi của Eddie cũng như nghiệp diễn của anh lên tầm cao mới. Có được thành quả này phải kể đến những nỗ lực không mệt mỏi của Eddie. Anh đã dành thời gian để gặp gỡ giáo sư Hawking, tìm hiểu những thói quen sinh hoạt của ông đồng thời còn có quan hệ rất thân thiết với người con út của giáo sư. Giải Oscar chính là một phần thưởng xứng đáng dành cho Eddie.
Dù không được nhận giải Oscar cho vai diễn Jane Wilde nhưng nữ diễn viên trẻ Felicity Jones cũng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả: Hình ảnh một cô gái nhỏ xinh nhưng lại chứa trong mình một nghị lực yêu, nghị lực đấu tranh to lớn. Cho dù những chông gai của cuộc đời đã bào mòn đi ít nhiều sự dũng cảm đương đầu của Jane để bà lựa chọn ra đi nhưng không thể phủ nhận bóng dáng của bà trong cuộc đời của Stephen Hawking. Phía sau thành công của ông chắc chắn có bà, người phụ nữ tuyệt vời.
Điểm nhấn của phim không chỉ nằm ở góc máy đẹp lột tả những khung cảnh yên bình của nước Anh thập kỉ 60, không chỉ ở những phân cảnh về nghị lực và tình yêu của hai nhân vật chính mà còn ở chỗ lột tả những góc khuất rất “đời”. Sự từ bỏ của Jane sau bao cố gắng dù tàn nhẫn nhưng chân thực, không thi vị hóa cuộc sống.
Cuộc sống là thế, áp lực khiến người ta khó có thể thông cảm và bao dung hơn. Nhưng cuộc sống cũng đầy rẫy những món quà, những điều kì diệu. Tựa như tình yêu đẹp của Jane và Stephen vậy. Những thước phim như một lời tự sự thấp thoáng bóng dáng của thể loại phim tài liệu nhưng dù có nhiều ý kiến trái chiều về nhiều phân đoạn nội tâm chưa được khai thác sâu sắc hay do cách làm phim khá an toàn nhưng bộ phim vẫn là một điểm sáng trong dòng phim chính kịch của Anh và là một bản giao hưởng định mệnh đầy xúc động về cuộc đời. Nghị lực cùng tình yêu giúp ta vượt qua số phận. Sự vĩ đại đâu cần đến từ những điều to lớn, phô trương mà nằm trong chính những điều giản dị mà đôi lúc ta vì vội vã mà bỏ qua trong cuộc sống.
Thiên tài cũng vậy, nhờ cuộc đời đầy thăng trầm của ông mà hàng loạt những phát hiện qúy báu cả trong vật lý và y học đã được giáo sư Hawking đóng góp cho nhân loại. Bạn thấy đây, đôi khi khó khăn trong cuộc sống lại là cú “hích” cần thiết cho thành công.
“Theory of everything” đã giành được 180 đề cử cùng 19 giải thưởng điện ảnh, trong đó có 5 đề cử Oscars, 2 giải Quả Cầu Vàng.