[Phim hay] Citizen Kane – Công dân Kane
Đứng đầu trong danh sách 100 phim Mỹ xuất sắc nhất mọi thời đại do Viện điện ảnh Hoa Kỳ (AFI) bình chọn.
Thông tin:
Tên phim: Citizen Kane (Công dân Kane)
Đạo diễn: Orson Welles
Diễn viên: Orson Welles, Joseph Cotten, Dorothy Comingore....
“Tiền bạc và thời gian là những gánh nặng ghê gớm nhất của cuộc đời... và những kẻ bất hạnh nhất là những người sở hữu chúng nhiều hơn mình có thể sử dụng”
(Money and time are the heaviest burdens of life, and... the unhappiest of all mortals are those who have more of either than they know how to use).
Samuel Johnson (Nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận, nhà biên tập người Anh)
Bạn có thể xem online bộ phim trên SohaPhim tại đây.
Giới thiệu:
Đứng đầu trong danh sách 100 phim Mỹ xuất sắc nhất mọi thời đại do Viện điện ảnh Hoa Kỳ (AFI) bình chọn, “Citizen Kane” kể về cuộc đời của “ông trùm” báo chí Charles Foster Kane – một nhân vật được xây dựng dựa theo nguyên mẫu William Randolph Hearst, “trùm” truyền thông Mỹ - qua cuộc điều tra về “Rosebud”, lời cuối cùng trước khi chết mà ông đã nói. Kane dần hiện ra theo lời kể của từng người, từ khi còn nhỏ cho đến lúc cuối đời với những âm mưu thủ đoạn kinh doanh, một bộ óc thông minh tuyệt đỉnh và cả sự tàn nhẫn máu lạnh.
Khi mới công chiếu, bộ phim không được giới phê bình đánh giá cao, và có lẽ từ sức ép của Ngài Hearst bộ phim dần bị lãng quên trong làng điện ảnh Mỹ cho tới hơn một thập kỷ sau mới được phổ biến rộng rãi trên truyền hình.
Phóng viên Thomson
Mở đầu bộ phim là những hình ảnh mang màu sắc trinh thám và cả cái chết lặng lẽ của một tỷ phú – người nắm quyền lực có thể làm rung động kinh tế thế giới – người được ví như “Thành Cát Tư Hãn của nước Mỹ”. Đến cuối phim lại là cuộc đối thoại đầy triết lý, giải thích những bí ẩn về con người kiệt xuất ấy.
Nói bộ phim thuộc thể loại phim trinh thám cũng không sai, bởi tình tiết cốt truyện phim diễn ra theo sự điều tra manh mối, truy tìm ra tung tích của “thứ” hoặc “vật” mang tên “Rosebud”.
Anh chàng phóng viên Thomson (William Alland) – người có đôi mắt trầm tĩnh, khuôn mặt tri thức và phong cách dùng ngôn ngữ giống như một nhà tư tưởng thời cận đại, như một người xếp hình, truy tìm những mảnh ghép để sắp xếp lại thành một chuỗi có nghĩa.
Đến cuối cùng anh ta cũng đã có được đáp án, thế nhưng đáp án này không làm thỏa mãn tất cả những người liên quan tới cuộc đời Kane. Anh ta mặc áo khoác, đội mũ, bỏ lại một câu triết lý sâu xa như thể muốn tất cả cùng nghiền ngẫm, bởi “Rosebud” tồn tại trong cả Kane và cả họ: “Ông ấy đã có tất cả và rồi cũng mất tất cả.
Có thể “Rosebud” là thứ mà ông ấy đã mất hoặc chưa bao giờ có được....Tôi không nghĩ một từ có thể giải nghĩa được một đời người ... Có thể “Rosebud” là thứ còn thiếu trong mảnh xếp hình ấy”.
Không một ai ngờ tới “Rosebud” – thứ mà mọi người vẫn nhọc công tìm kiếm – đã bị những công nhân chịu trách nhiệm đốt di vật, thiêu hủy một cách vô tình và dứt khoát.
Quả cầu tuyết Kane nắm trong tay khi cận kề cái chết
Dựa vào những dòng hồi tưởng, những câu chuyện kể và lối đan xen tình tiết bí ẩn với tiết tấu mạch lạc của bộ phim khiến khán giả phải đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác về nhân vật huyền thoại Kane.
Orson Welles đã giới thiệu về Charles Kane một cách rất tài tình khi so sánh giữa Thượng Đô của Thành Cát Tư Hãn với Xanadu của “ông trùm” Kane. Hàng loạt cảnh quay về công cuộc xây dựng Xanadu – ngôi mộ của Kane, một ngọn núi được tạo ra bằng 20 ngàn tấn đá cẩm thạch, một trăm ngàn cây trên một vùng đất hoang vu, còn những đồ quý giá thì nhiều không kể xiết, chỉ được tóm gọn trong một câu: “Đủ cho 10 núi bảo tàng của cải trên thế giới”.
Vậy là khán giả phải tò mò, phải hứng thú về cuộc đời một con người như vậy: điều gì làm nên thành công của ông, điều gì khiến ông hối tiếc, điều gì làm ông phải chết trong cô độc như vậy. Lẽ ra một người giàu có như ông phải rất đông con cháu, người thân, bạn bè, thậm chí là đối thủ đứng bên cạnh trong những giây phút cuối đời.
Thế nhưng Kane chỉ có một mình, duy nhất một quả cầu thủy tinh bầu bạn, và một cô y tá chăm sóc, lúc này bước vào phủ khăn che mặt. Chỉ riêng trường đoạn miêu tả của cải của Charles Kane thôi cũng đã cho thấy sự đầu tư kỹ lưỡng, chú ý nhấn mạnh từng chi tiết nhỏ của đạo diễn Orson Welles.
Kane quyết liệt và “tùy hứng” khi giải quyết công việc
Bộ phim sử dụng nhiều góc máy, cảnh quay kỳ lạ như làm lồi hình ảnh, lia chậm nhưng gần sát từ trên xuống, nhiều chi tiết ẩn dụ, cắt ghép những đoạn ngắn, những cuộc đối thoại chỉ đủ để nói về một vấn đề - chẳng hạn khi miêu tả bà Emily Monroe Norton (vợ đầu của Kane), đa phần là những cảnh ngồi trên bàn ăn nói chuyện với chồng, nhỏ nhẹ cầu xin nhưng bị ông Kane lạnh lùng từ chối hoặc cau mày không nói... như vậy đã cho khán giả biết về con người bà Kane: một phụ nữ hiền hậu đến mức yếu đuối.
Bản thân Kane có lúc “gần như đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ” nhưng cũng “rất nhiều người ghét” tới mức ảnh của Kane bị đốt khắp nơi. Sự miêu tả hài hước “Không một người có tiếng tăm nào lại không ủng hộ hoặc chống lại Kane. Thường là ủng hộ, sau đó chống lại”, và hai cuộc hôn nhân không thành công của ông, một với cháu gái Tổng Thống, một với ca sĩ opera....
Tất cả đủ để nói lên một Charles Foster Kane là con người tàn nhẫn, thủ đoạn, tráo trở và hà khắc như thế nào. Đó cũng là hình tượng tiêu biểu cho mặt trái của đồng tiền - người ta căm ghét nó nhưng vẫn phải quỵ lụy trước nó.
Bà Emily Monroe Norton
Đối diện với vợ trên bàn ăn
Ca sĩ Susan Alexander
Có rất nhiều chi tiết hình ảnh ẩn dụ trong phim như trường đoạn Kane tranh cãi với người vợ hai, Susan Alexander (Dorothy Comingore đóng), người mà ai cũng tưởng rằng được Kane yêu nhất, vừa li dị vợ đầu hai tuần liền cưới và sẵn sàng xây tặng một nhà hát Opera tầm cỡ thế giới, nhưng Susan lại nói rằng “Anh chưa bao giờ cho em một thứ gì mà anh thực sự quan tâm... Anh chỉ cố mua để em phải đổi lại cho anh một thứ gì đó thôi.”
Còn bên ngoài, mọi người đang đùa vui tiệc tùng cùng nhau hát bài mà dàn nhạc đang chơi “Đó không thể là tình yêu”. Khi Susan rời đi, Kane có thốt lên hai câu cầu xin: “Đừng đi, Susan! Từ giờ mọi việc đều sẽ như em muốn.” Nhưng sau này Susan đã nói với Thomson: “Tôi chỉ là mất đi tiền bạc”.
Hay Kane thẫn thờ đi xuyên qua hai hàng người, đứng cạnh cột đá trong tòa nhà, đi ngang qua tấm gương lớn ở sảnh.... soi rọi lại cuộc hành trình đầy cô độc mà cả đời ông, kể từ khi rời khỏi ngôi nhà chìm trong tuyết, đã trải qua.
Nhân vật “ông trùm” truyền thông Charles Foster Kane trong “Citizen Kane” khiến người ta liên tưởng tới nhân vật ông chủ ngân hàng William Lowell Kane trong tiểu thuyết “Kane&Abel” (Hai số phận) của nhà văn Anh Jeffrey Archer về tính cách, cách thức sử dụng đồng tiền để đạt được mục đích của mình và cả hai đều chết trong cô đơn. William Kane dùng tiền để “bóp chết” và “cứu sống” kẻ thù. Charles Kane dùng tiền để “nghiền nát” đối thủ và biến “giọng ca vịt đực” thành ca sĩ opera nổi tiếng...
Nhưng William Kane còn biết đường quay đầu khi tha thứ cho con trai và con dâu của mình, cái chết khiến người đọc xót xa thương cảm. Còn Kane cho đến phút cuối đời người ta cũng không thể dành được một chút tình cảm nào cho ông.
Thực ra Orson Welles đã ẩn dấu một chi tiết rất quan trọng xuyên suốt bộ phim và là sợi tơ mỏng manh duy nhất khiến khán giả hiểu về con người khác trong Kane. Hình ảnh đó đã được nhất mạnh ở phần đầu phim, được đánh lừa bằng sự vĩ đại đã miêu tả trong những hình ảnh trước đó của Kane.
Trong nền tuyết trắng xóa năm 1871, khi lần đầu tiên ông Thatcher – người bảo trợ cho tài sản của Kane trước năm 25 tuổi - gặp Kane. Cậu bé Kane lúc đó đang say sưa chơi đùa trong tuyết, không hề biết rằng, mẹ cậu đã ký quyết định gửi cậu cho ngân hàng để bồi dưỡng cậu thành một người giàu có.
Quả cầu tuyết Kane nắm trong tay lúc cuối đời chính là hình ảnh ngôi nhà trong ký ức của ông. Có thể ông chưa bao giờ quên, cũng có thể đó là thứ duy nhất trong đời ông không thể dùng tiền để đổi lấy được.
Kane thẫn thờ đi qua hai hàng người hầu
Cuộc đời như những mảnh vỡ lộn xộn, có những mảnh sáng màu, cũng có những mảnh đen tối, có những mảnh nằm gọn gàng trên bàn, cũng có những mảnh phải tìm rất lâu mới thấy hoặc không bao giờ thấy. Đây cũng là triết lý mà Orson Welles, người con đa tài của nghệ thuật sân khấu điện ảnh, đã sớm nhận ra. Năm 1941, cuốn phim đầu tay, sự khẳng định mình của ông đã bắt đầu bằng nhận định đó, để rồi chính bản thân ông cũng phải đi tìm những mảnh ghép đã bị bỏ quên đâu đó.
Với một giải Oscar, một giải thưởng Danh dự vì những cống hiến cho nền điện ảnh Mỹ và 19 giải thưởng quan trọng khác, Orson Welles đã được Viện phim Anh bình bầu là đạo diễn vĩ đại nhất mọi thời đại. Những bộ phim nổi bật của ông ngoài Citizen Kane còn có The Stranger (1946), Macbeth (1948), Mr. Arkadin (1955), The Tragedy of Othello: The Moor of Venice (1952), Touch of Evil (1958)...
Bạn có thể xem online bộ phim trên SohaPhim tại đây.
Khánh Sơn
Theo Trí Thức Trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!
http://ttvn.toquoc.vn/search.htm?keyword=%5BPhim+hay%5D+Citizen+Kane+%E2%80%93+C%C3%B4ng+d%C3%A2n+Kane