[Phim hay] Chùm nho nổi giận

23/11/2012 14:59 PM | Giải trí

Bức tranh toàn cảnh về cuộc đại khủng hoảng kinh tế chấn động thế giới những năm đầu thế kỷ 20.

http://phim.soha.vn/hd/watch/5330/0/phim-hd-The-Grapes-Of-Wrath.html

Thông tin:

Tên phim: Chùm nho nổi giận (The Grapes of Wrath)

Thể loại: drama

Đạo diễn: John Ford

Biên kịch: Nunnally Johnson dựa theo tiểu thuyết cùng tên của John Steinbeck

Diễn viên: Henry Fonda, Jane Darwell, John Carradine

Sản xuất: Twentieth Century Fox Film Corporation

Năm sản xuất: 1940

Giải thưởng: 2 giải Oscar

Bạn có thể xem online bộ phim này trên SohaPhim tại đây.

Mang trong mình niềm tin hy vọng vào một miền đất hứa với những cánh đồng nho trù phú và một công việc tốt đẹp, Tom Joad đã cùng gia đình vượt qua hàng vạn dặm đường để tới California. Nhưng đến cuối cùng mới nhận ra tất cả chỉ là ảo tưởng.

Cơn bão bụi “Dust Bowl” những năm 1934 – 1936 - một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói, vô gia cư của một bộ phận lớn người dân tại hai miền Đông - Tây nước Mỹ - là ý tưởng cho rất nhiều cuốn tiểu thuyết, bộ phim về sức tàn phá cũng như hậu quả của nó, nhưng thực sự thành công chỉ có John Steinbeck với hai tác phẩm nổi tiếng The Grapes of Wrath đã giành đượcgiải thưởng Pulitzervà Of Mice and Men giải Nobel văn học. Và người đã đưa The Grapes of Wrath lên màn ảnh rộng, tiếp cận gần hơn với công chúng chính là vị “đô đốc” người Mỹ – John Ford.

Bộ phim kể về cuộc di cư của gia đình nhà Tom Joad nhằm tìm kiếm một vùng đất có thể sinh sống được. Trên chiếc xe tải cũ kỹ là toàn bộ gia sản cùng 12 người, họ đã đi từ miền Đông sang miền Tây nước Mỹ để tìm cách mưu sinh, thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế chấn động thế giới những năm đầu thế kỷ 20. Trong cuộc hành trình, biết bao bất hạnh đã xảy ra với họ: xe hỏng, đói, khát, sự cấm đoán, đàn áp của chính quyền rồi cả sự ra đi của người thân. Cuối cùng họ cũng đã đến được California.

Nhưng California lại không hề giống với “miền đất hứa” như trong sự mong đợi của họ, có quá nhiều dân di cư đổ về đây, việc làm ít ỏi, đồng lương rẻ mạt, những mâu thuẫn, tranh đấu, bãi công liên tục xảy ra để rồi họ một lần nữa lại phải leo lên chiếc xe “gia tài” của mình và tiếp tục cuộc hành trình không có đích đến.

Chiếc xe “gia tài” nhà Joad

Dựa theo tiểu thuyết cùng tên của John Steinbeck nhưng bộ phim không bị ánh hào quang của cuốn truyện làm lu mờ. John Ford đã tìm tòi ra một cách thể hiện độc đáo vừa giữ được những cung bậc cảm xúc mà Steinbeck đã miêu tả, lại vừa khiến khán giả nhận ra “nét Ford” trong phim. Đó là những hình ảnh tương phản sáng tối, những đường cắt ngay trên khung hình, những khoảng lặng kéo dài, những đoạn hồi tưởng bằng đôi mắt thất thần của diễn viên...

Ngay từ những cảnh mở đầu bộ phim, nét đơn điệu nghèo nàn của những “trang trại hoang mạc” hiện lên như một hình ảnh phản ánh thực trạng nền kinh tế xã hội Mỹ đương thời - đó là sự lũng đoạn của tư bản, sự đấu tranh yếu ớt của nông dân, tiểu chủ, sự can thiệp đàn áp của chính quyền. Hình ảnh mang tính chất tượng trưng đối lập: ông chủ ngân hàng to béo trên chiếc xe hơi sang trọng đi khắp nơi tịch thu đất đai của những người nông dân gầy gò đang ngơ ngác bẩn thỉu đứng trên mảnh đất khô cằn của mình là minh chứng tốt nhất cho thấy hiện thực xã hội mà đạo diễn John Ford muốn đề cập.

Tom trở về nhà khi vừa ra tù (sử dụng đường cắt dọc)

Chiếc xe tiến vào khu “nhà tạm” dành cho người di cư (hình ảnh sáng – tối)


Chạy trốn khi vừa hạ gục một tay cảnh sát (hình ảnh ngược sáng)

Chủ nợ tới tịch thu đất của gia đình hàng xóm nhà Tom

Phong cách chọn diễn viên và giới thiệu nhân vật của ông cũng đã mang đến một ấn tượng thị giác lớn. Chẳng hạn mở đầu phim, Tom Joad (Henry Fonda) vừa ra tù và trên đường trở về nhà, anh gặp một người lái xe tải và ngỏ ý đi nhờ, người lái xe với khuôn mặt tinh quái, đôi mắt mở to đầy tính tò mò, trên cabin chật hẹp thì hỏi chuyện luôn miệng và thỉnh thoảng lại liếc nhìn trộm Tom. 

Để đáp ứng sự tò mò đó, khi xuống khỏi xe Tom nói với người tài xế bằng một giọng rất bình thản pha chút giễu cợt rằng: “Anh bạn hiểu ý tôi không? Tôi không phải là một thằng dễ bị xỏ mũi. Tôi đã giết người”. Hay nhân vật thuyết giáo Jim Case (John Carradine đóng) có khuôn mặt hốc hác và đôi mắt mơ màng của một người tôn thờ tôn giáo đến mức điên loạn, khi Tom gặp thì ông ta đang ngồi dưới gốc cây dương liễu trên tay cầm một chiếc giày và luôn miệng nói về “Holy Spirit” ( Đức Thánh Thần). 

Có lẽ đó cũng chính là hình ảnh ẩn dụ về tinh thần của giai cấp công nhân lúc bấy giờ – không biết tin vào điều gì ngoài một sức mạnh siêu nhiên đến từ Thiên Đàng nhưng cũng chẳng thể giúp họ thoát khỏi được cái đói, cái khát đang thực sự hiện hữu.

Tom không ngần ngại kể lại vụ giết người của mình, đó chẳng qua chỉ là một vụ ẩu đả trong quán rượu, một người dùng dao, một người dùng xẻng, và tất nhiên chiếc xẻng của Tom đã thắng. Tom kể chuyện đó với Case – người có niềm tin mãnh liệt vào “Đức Thánh Thần”- cũng chính là nhờ một chút niềm tin đó để cởi bỏ quá khứ, muốn trở về đoàn tụ cùng gia đình để ngày ngày lái máy cày trên cánh đồng, đó là ước mơ của tất cả thanh niên nông thôn.

Thế nhưng, hiện thực khác xa những gì Tom mong đợi. Trở về trong cơn bão cát mịt mù, căn nhà tối tăm, giày mũ rơi dưới đất, không một bóng người thân, người hàng xóm xuất hiện và cho biết gia đình anh đã bị cưỡng bức rời khỏi mảnh đất này. Đến khi Tom tìm được gia đình thì cuộc hành trình cũng sắp bắt đầu.

Đạo diễn John Ford đã chỉ cho khán giả thấy mặt trái của “Giấc mơ Mỹ”: Đó là những chuyến di cư, những mánh khóe dối lừa cướp đất, cắt xén lao công của những “ông lớn” tư bản, những “ông nhỏ” địa chủ, sự “ăn chặn” của cảnh sát địa phương. 

Giấc mơ đó không giống với những gì mà James Truslow Adams (nhà văn kiêm sử gia) – người đã tạo ra thuật ngữ “Giấc mơ Mỹ” viết: "Giấc mơ Mỹ là giấc mơ của một vùng đất mà ở đó cuộc sống đáng tốt đẹp hơn, giàu có hơn và đầy đủ hơn cho mọi người. Ở đó mỗi người có cơ hội theo khả năng hoặc thành tựu của mình. 

Đấy là một giấc mơ khó khăn cho tầng lớp thượng lưu châu Âucó thể diễn giải đầy đủ, và cũng thật khó khăn cho tất cả chính chúng ta những người càng ngày ngờ vực và không tin tưởng vào nó. Nó không phải là một giấc mơ về các loại xe hơi hay đơn thuần là tiền lương cao, nhưng là một giấc mơ về trật tự xã hội mà trong đó mọi đàn ông và đàn bà sẽ có thể đạt được tầm vóc đầy đủ cái khả năng bẩm sinh của mình, và được những người khác công nhận họ vì những gì của chính họ, không phân biệt môi trường hoàn cảnh sinh ra hay địa vị ngẫu nhiên của họ."

Chính cựu Tổng Thống Mỹ Bill Clinton cũng từng nói rằng "Chúng ta cần một tinh thần cộng đồng mới, một cảm xúc rằng tất cả chúng ta đang ở trong cộng đồng này cùng với nhau, hoặc Giấc mơ Mỹ sẽ tiếp tục héo tàn. Vận mệnh của chúng ta bị ràng buộc với vận mệnh của mọi người Mỹ khác." Nhưng đối với nhà Joad nói riêng, với toàn thể những người dân di cư ở đây nói chung, thì họ đã bị bỏ rơi.

Những đứa trẻ vây quanh thèm thuồng nhìn nồi cháo của mẹ Tom

Làm nên thành công của bộ phim không thể không nhắc đến diễn xuất tuyệt vời của nữ diễn viên Jane Darwell (Oscar cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất). Bà đã hoàn toàn hóa thân thành mẹ của nhân vật Tom, thành vợ của một ông chồng lúc nào cũng đờ đẫn, thành con dâu của cặp bố mẹ chồng lẩn thẩn. Khuôn mặt chứa đầy tính biểu cao cho thấy đây là một người mẹ, người vợ, người con hiền hậu, biết chia sẻ và có tình thương bao la. 

Hình ảnh bà ngồi cạnh chiếc xe nhìn dòng sông Colorado phảng phất nỗi muộn phiền không thể tiêu tan được, hay ánh mắt bà vừa trìu mến vừa u buồn khi nhìn Tom bị thương nằm trên giường... gợi lên hình tượng người phụ nữ lo toan hết lòng vì gia đình.

Bà bất lực trước số phận, chỉ biết cầu nguyện và nhỏ nhẹ động viên người thân, đến nụ cười cũng chưa bao giờ tươi rói vì an tâm và hạnh phúc. Chính bản thân bà cũng có lúc mệt mỏi tuyệt vọng, nhưng bà hiểu bà là trụ cột, là nguồn sức mạnh kết nối cả nhà với nhau điều đó đã giúp gia đình Joad vượt qua mọi khó khăn.

Khuôn mặt đầy tính biểu cảm của diễn viên Jane Darwell

Bao trùm toàn bộ phim là sự ca ngợi về tầm quan trọng của gia đình, sức mạnh của người thân, cùng nhau vượt lên mọi nỗi đau khổ, áp bức của người nông dân. Và cái nhìn dưới mọi góc độ về phẩm giá con người trước thử thách khó khăn qua đó cho thấy các vấn đề về sự công bằng trong xã hội.


Cùng nhau đứng lại ngắm nhìn con sông Colorado bang Arizona

Nếu ví kinh đô Hollywood như một cung điện thì cùng với những tên tuổi như William Wyler, Alfred Hitchcock, Orson Welles, Steven Spielberg, Clint Eastwood... ông là một trong số những cây cột chính tạo nên sự huy hoàng ấy. John Ford đã 4 lần chiến thắng tại hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất của Giải Oscarcho các phim The Informer (1935), The Grapes of Wrath (1940), How Green Was My Valley (1941) và The Quiet Man (1952).

Ông cũng là người đầu tiên được Viện phim Mỹ trao Giải Thành tựu trọn đời vào năm 1973 và được tổng thống Richard NixontraoPresidential Medal of Freedom.

Bạn có thể xem online bộ phim này trên SohaPhim tại đây.

Khánh Sơn

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM