[Phim hay] Ánh sáng đô thị - Hơn 80 năm vẫn hấp dẫn như ngày đầu
Có thể nói đây là một trong số ít bộ phim của Charlie Chaplin kết thúc có hậu và rõ ràng.
Thông tin:
Tên phim: Ánh sáng đô thị (City lights)
Thể loại: Hài hước, Tâm lý, Tình cảm.
Đạo diễn: Charles Chaplin.
Diễn viên: Charles Chaplin, Virginia Cherrill, Florence Lee.
Bạn có thể xem online bộ phim này trên SohaPhim tại đây.
Giới thiệu:
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã thúc đẩy điện ảnh chuyển sang một giai đoạn mới khi phim 3D tràn ngập thị trường và phim 4D bước đầu xuất hiện.
Nhưng không thể không thừa nhận những siêu phẩm kinh điển từ thời kỳ phim đen trắng và chưa có tiếng nói của bộ môn nghệ thuật thứ bảy vẫn luôn tồn tại một sức hấp dẫn đối với khán giả. Đó là những tác phẩm để đời của D.W Griffith: Sự ra đời của một quốc gia (1915), Không khoan dung (1916), của S.M Eisenstein: Chiến hạm Potemkin (1925) hay Charlie Chaplin với một loạt siêu phẩm hài hước lãng mạn như: Thằng nhóc (1923), Đổ xô đi tìm vàng (1925), Gánh xiếc (1928), Ánh sáng đô thị (1931), Thời đại mới (1936)...
Ánh sáng đô thị là một câu chuyện tình lãng mạn nhưng không thiếu phần kịch tính và hài hước trong series “kẻ lang thang” của Charlie Chaplin. Bên cạnh đó, bộ phim phản ánh sự mâu thuẫn giữa các tầng lớp xã hội đương thời một cách tinh tế và rất chân thật. Dường như thời gian chẳng làm mờ đi nét độc đáo và cái hay của bộ phim, thậm chí càng làm tăng thêm giá trị về mặt nghệ thuật và thủ pháp dàn dựng kinh điển của Chaplin.
Mở đầu bộ phim là không khí náo nhiệt trong buổi khai trương một bức tượng mới của thành phố. Khi những bài phát biểu trang trọng kết thúc, người ta kéo tấm vải phủ tượng ra thì phát hiện thấy anh chàng lang thang Chaplin đang ngủ say trong “vòng tay thánh nữ”.
Khán giả sẽ phải cười nghiêng ngả khi chứng khiến cảnh quốc ca vang lên mọi người buộc lòng phải chào cả gã cùng bức tượng, mà gã cũng rất lịch sự ngả mũ cố gắng giữ nghiêm trang tưởng niệm theo tiếng nhạc trong tư thế quần treo mũi kiếm.
Mắc vào kiếm khi đang tìm cách xuống khỏi bức tượng
Trong lúc tình cờ băng qua phố bằng việc chui vào một chiếc ô tô đang đỗ, gã đã gặp được tình yêu của đời mình, đó là một cô gái mù bán hoa do nữ diễn viên Virginia Cherrill đóng. Gã mua một bông hoa hồng bằng đồng xu duy nhất trong túi. Vì không nhìn thấy gì nên khi nghe tiếng mở, đóng cửa ô tô, cô gái đinh ninh rằng người đàn ông đó rất giàu có, điều đó càng được củng cố thêm trong những lần gặp lại, như cảnh gã mua hết số hoa của cô, đưa cô về nhà bằng ô tô, sai bảo tên quản gia...
Tán tỉnh cô gái mù bán hoa
Chỉ một phút ấy thôi, gã đã si mê cô, gã thẫn thờ ngồi gần đó để được ngắm cô. Và tình tiết gây cười của phim cứ theo một quy luật rất tự nhiên, cô vô tình hắt nước vào gã khiến cái cảnh lãng mạn có trong vài giây trước tan biến.
Đêm tối, gã buồn chán ra sông ngồi, tại đó gã gặp một quý ông kỳ quặc, đa nhân cách. Quý ông giàu có này (do Harry Myers đóng) say rượu và đang tìm cách tự tử bằng cách nhảy sông. Để cho chắc ăn, ông ta còn tròng vào cổ mình một sợi dây buộc với hòn đá. Thấy nguy hiểm Chaplin lao ra cản lại, màn giằng co trên sông cũng là một điểm gây cười trong phim.
Và rồi quý ông đó dẫn gã về nhà mình uống rượu, tâm sự, đưa gã đi dự tiệc của giới thượng lưu, cho gã một nắm tiền và cả chiếc ô tô sang trọng của mình, coi trọng gã như một người bạn tri kỷ. Chỉ có điều sự tri kỷ này tồn tại đến sáng hôm sau liền mất. Sự phũ phàng đó giống như cảm giác bị người ta bóc lột đến tận cùng và khi hết giá trị thì knock-out khỏi cửa.
Ăn tối với anh bạn thượng lưu trong khung cảnh hỗn loạn
Lại một lần nữa khán giả sẽ phải phá lên cười với một loạt các chi tiết hài mang đậm chất bi trong phim của Charlie Chaplin. Chẳng hạn, cảnh gã bị tên quản gia tống cổ khỏi cửa, gã lái chiếc ô tô đen bóng đi cướp điếu thuốc trên tay một người đi đường, gã nhầm chiếc đầu hói của một quý ông là bánh và đang định cắt nó trong một bữa tiệc. Hay khi gã học đòi làm một quý ngài bằng việc hút thuốc một cách “phớt đời” thì vô tình nuốt phải nên bị nấc trong khi ca sĩ đang chuẩn bị biểu diễn, rồi tất cả mọi người chỉ còn cách ngồi nhìn gã nấc, ho một cách khó nhọc.
Trở lại với cô gái mù lòa. Vì tình yêu gã quyết tâm tìm việc kiếm tiền chữa bệnh cho cô. Gã đi làm công nhân vệ sinh môi trường, nhưng lại luôn tránh đi những đường có ngựa hay voi đi qua. Công việc hốt rác bị mất, gã phải đi thi đấm bốc. Kịch bản của Chaplin rất thống nhất về mặt chuyển cảnh cũng như tình tiết gây cười, không bị gượng ép như một chuỗi mô tả các hành động.
Đi thi đấu đấm bốc
Thua đấm bốc, gã buồn chán lang thang trên phố và gặp lại “anh bạn giàu có” của mình lúc này đang ngấm hơi men. Ông ta rủ gã về nhà, cho gã 1000 đô la. Không may là nhà ông ta lúc này có hai kẻ cướp trú ẩn, chiếc súng Chaplin tìm thấy dưới chân ghế khiến quý ông lại bừng bừng khí thế muốn chết làm gã toát mồ hôi giằng co. Một lần nữa, gã dùng đến tài lanh lợi của mình mà đuổi được hai tên cướp , rồi chính vì thế gã bị cảnh sát tóm.
Trong lúc bí bức do tranh luận thua cuộc, gã cướp tiền rồi chạy khỏi đó, gã rất thông minh khi thoát khỏi cuộc truy đuổi của đám đông cảnh sát một cách xuất sắc và thành công mang tiền đến cho cô gái đi chữa mắt. Hình ảnh gã lặng lẽ tạm biệt cô gái trong nỗi luyến tiếc và đưa tay đóng chiếc cửa lại như một hành động chấm hết cho cuộc tình đơn phương này.
Tranh cãi với cảnh sát và tên quản gia về số tiền được cho
Gã bị bắt vào tù trong vài tháng, khi trở lại cô gái đã khỏi mắt và trở thành bà chủ của một cửa hàng bán hoa chứ không còn là cô gái với giỏ hoa ven đường nữa. Cô còn nhầm gã với một quý ông đẹp trai lịch lãm khác. Còn gã lúc này lại rách rưới đến thảm thương.
Tiếng cười vì Chaplin bị lũ trẻ bán báo trêu chọc lúc này không thể vang lên được nữa. Sự cảm động sâu sắc được lồng bên trong tình tiết này, khi cô gái gã yêu cười gã, cô không nhận ra gã. Bông hoa gã nhặt được dưới đường cầm trên tay dần dần rụng xuống rơi trên mặt đất, khuôn mặt gã như dại ra vì sự bất ngờ, vui mừng cũng như cay đắng đang bủa vây gã.
Cô gái khi ấy lại tưởng gã không có tiền mua hoa nên tặng gã một bông hoa và một đồng xu. Khi trao đồng xu cho gã, cô nắm bàn tay gã và đã nhận ra đây chính là người đàn ông trong trí nhớ, sự thật và mộng tưởng của cô là hai hình ảnh trái ngược nhau quá nhiều nhưng cuối cùng cô đã chọn gã.
Kết thúc phim là hình ảnh cô ôm chặt bàn tay gã trong ngực, đôi mắt đẫm lệ dạt dào tình cảm nhìn gã, còn gã cầm trên tay bông hoa, cười bẽn lẽn nhìn cô đầy hạnh phúc.
Hình ảnh kết phim
Có thể nói đây là một trong số ít bộ phim của Charlie Chaplin kết thúc có hậu và rõ ràng.
Nói về Chaplin, phải nói về tài dàn dựng độc đáo, sử dụng thủ pháp đối lập trong cảnh. Như bên cạnh một quý ông lịch lãm, cao lớn trong bộ đồ tinh xảo thì gã lang thang Chaplin vừa nhỏ bé lại tồi tàn với chiếc áo đuôi tôm cũ kỹ và chiếc quần thủng đã được vá một cách tạm bợ.
Hay cảnh ở câu lạc bộ đấm bốc Chaplin gầy gò da trắng ngồi cạnh một gã võ sĩ da đen to béo khỏe mạnh. Hoặc cảnh tay cảnh sát cao lớn đứng dưới ngọn đèn sáng trong khi Chaplin đứng bên hàng rào sắt trong bóng tối, hay ba người đàn ông thuộc ba tầng lớp khác nhau: chức quyền (tay cảnh sát), thượng lưu (quý ông chủ nhà), nô bộc (tên quản gia) đứng một phía chỉ trích một gã lang thang bé nhỏ rách nát nhưng có khẩu súng trong tay...
Trong những phim khác của ông cũng thấy rõ được sự đối lập này xen kẽ, kết hợp với cấu trúc bền vững chặt chẽ về mặt biểu cảm cũng như tình tiết kịch bản của phim.
Không có gì phải gồng lên để chọc cười khán giả, không có những hành động sướt mướt để nhìn thấy cái bi thương trong phim, anh chàng lang thang vẫn vô tư như thế, sống hết mình như thế nhưng cái xã hội bất bình đẳng ấy luôn đem gã đẩy vào tình thế khó khăn.
Rồi từ đó gã cứ phải chiến đấu với bức tường, cứ phải chống chọi cùng cơn gió, vùng vẫy giữa biển khơi của sự tương phản về giai cấp. Đây là tiếng cười cay đắng. Cay đắng ấy có lẽ xuất phát từ tuổi thơ mà Chaplin đã trải qua, cứ thong thả đi theo năm tháng cùng với tuổi đời càng ngày càng lớn lên của ông.
Những trải nghiệm gian khổ đó đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và chủ điểm sáng tạo của ông. Và vì đã trải qua nên sự am hiểu về những con người nghèo khổ, bị ức hiếp và bóc lột đến cùng cực của ông vô cùng tinh tế và được vận dụng vào trong phim rất tự nhiên. Đó chính là một trong những điều làm nên sự nghiệp điện ảnh thành công rực rỡ của Charlie Chaplin.
Mời bạn xem online bộ phim này trên SohaPhim tại đây.
Khánh Sơn
Theo Trí Thức Trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!
http://ttvn.toquoc.vn/search.htm?keyword=%5BPhim+hay%5D+%C3%81nh+s%C3%A1ng+%C4%91%C3%B4+th%E1%BB%8B+-+H%C6%A1n+80+n%C4%83m+v%E1%BA%ABn+h%E1%BA%A5p+d%E1%BA%ABn+nh%C6%B0+ng%C3%A0y+%C4%91%E1%BA%A7u