[Phim hay] Chú gấu Paddington: Phim gia đình lý tưởng cho dịp đầu năm
Với phong cách hài hước rất riêng cùng những thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình, “Paddington” chắc chắn sẽ khiến dịp đầu năm mới của bạn thêm ấm áp.
Thông tin phim:
Tên phim: Paddington (Tạm dịch: Chú gấu Paddington)
Đạo diễn: Paul King
Diễn viên chính: Hugh Bonneville, Sally Hawkins, Julie Walters, Nicole Kidman
Nội dung chính:
Khéo léo và tài tình là những lời khen mà giới yêu phim dành tặng cho đạo diễn “phù thủy” Paul King khi ông đưa câu chuyện về chú gấu Paddington lên màn ảnh rộng. Tác phẩm gốc về chú gấu đi du lịch này do nhà văn Michael Bond sáng tác vào những năm 1950. Từ đó đến nay, nhân vật Paddington luôn nhận được vô vàn sự yêu mến từ độc giả khắp nơi trên thế giới.
Nội dung phim xoay quanh câu chuyện một chú gấu biết nói từ rừng sâu Peru rời đến London (Anh) để tìm kiếm ngôi nhà mới. Nhưng ngay khi vừa đặt chân tới nơi, chú đã nhận ra nơi này không đơn giản như mình từng nghĩ. Bị lạc giữa nhà ga Paddington với cái dạ dày trống rỗng, chú gấu cảm thấy vô cùng cô đơn.
May mắn thay, chú gấu được gia đình Brown tốt bụng đồng ý nhận nuôi và đặt một cái tên mới, chính là tên nhà ga họ tìm thấy chú: Paddington. Từ đây, biết bao rắc rối nảy sinh khi Paddington cố gắng hòa nhập với cuộc sống hiện đại. Với tính cách ngây thơ, đơn giản, chú gấu nhỏ gây ra không ít tình huống dở khóc dở cười cho mọi người xung quanh.
Các nhà làm phim vẫn giữ nguyên được tinh thần của bộ truyện gốc khi xây dựng hình ảnh chú gấu Paddington hài hước đáng yêu và truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình. Vẻ đẹp của rừng xanh Peru, trang phục cùng giọng nói đặc trưng khi Paddington đến London với tấm bảng “Xin hãy chăm sóc chú gấu này” đeo quanh cổ được tái hiện vô cùng sinh động. Kỹ xảo điện ảnh càng làm cho Paddington trở nên dễ thương và khiến các em nhỏ thích thú.
Sự xuất hiện của nữ diễn viên xinh đẹp Nicole Kidman là một bất ngờ đối với khán giả. Cô vào vai nhân vật phản diện Millicent trong tạo hình khá kỳ quặc với mái tóc trắng ngắn cũn. Millicent luôn truy lùng Paddington bằng mọi giá vì bà ta muốn biến chú gấu thành một con thú nhồi bông trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Với món “hàng hiếm” này, bộ sưu tập của Millicent sẽ trở nên hoàn hảo hơn.
Nếu như những tình huống đầu phim được xây dựng dựa trên bộ truyện gốc thì nhân vật Millicent lại hoàn toàn do nhà sản xuất sáng tạo ra. Nhân vật này khiến kịch tính của phim được đẩy lên cao trào và đem lại không khí mới mẻ hơn. Cuộc chiến thiện – ác một lần nữa trở thành điểm nhấn với những giá trị nhân văn và tình cảm cao đẹp.
Các hiệu ứng hình ảnh mang phong cách độc đáo rất “Paul King” cũng góp phần tạo nên điều kỳ diệu cho “Paddington”. Dù là cảnh những chiếc ô trong màn mưa được quay từ trên cao hay căn nhà búp bê chứa đầy bất ngờ sau cánh cửa, đạo diễn Paul King đều khéo léo “làm phép” với các khung hình, nâng tầm bộ phim lên giống như một loại hình nghệ thuật siêu thực. Màu sắc từng cảnh quay thay đổi liên tục, phù hợp với tâm trạng, hoàn cảnh và các nhân vật tham gia.
Nhưng hiệu ứng kỹ xảo quan trọng nhất đương nhiên thuộc về nhân vật Paddington. Paddington vừa mang nét dễ thương của chú gấu nhỏ, lại vừa ăn nói và hành động như con người. Đôi mắt long lanh của chú vô cùng sinh động, luôn thể hiện tinh tế các cung bậc cảm xúc dù là buồn bã, kinh ngạc hay hạnh phúc.
Phim có nhiều cảnh hành động vừa hài hước, vừa kịch tính. Trong đó không thể không kể đến những “thảm họa” Paddington gây ra khi cố gắng làm quen với các đồ đạc hiện đại như bàn chải hay bồn tắm và cuộc đào tẩu của chú gấu khỏi bàn tay người phụ nữ độc ác Millicent. Khi Paddington cũng gia đình Brown di chuyển từ nơi này đến nơi khác, khung hình cũng lướt qua hàng loạt thắng cảnh du lịch nổi tiếng, tất cả đều trông như bước ra từ trang truyện.
Với phong cách hài hước rất riêng cùng những thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình, “Paddington” chắc chắn sẽ khiến dịp đầu năm mới của bạn thêm ấm áp.
>> [Phim hay] Nightcrawler: Theo chân kẻ săn tin đen đến với những vụ án kinh hoàng
Thu Thảo