[Phim hay] Captain Phillips – Cuộc chiến giàu nghèo

23/12/2013 22:00 PM | Giải trí

Khi Philips rơi những giọt nước mắt khó nhọc, người ta hiểu rằng giữa người và người luôn tồn tại thứ tình cảm khăng khít dù họ không quen nhau, dù họ có thể là kẻ thù của nhau.

Những tháng cuối năm luôn là lúc phim bom tấn và phim gia đình ra rạp. Chen lấn giữa những bộ phim kĩ xảo, giải trí, ăn khách như 'Hunger game: Catching fire' hay 'Hobbit 2', 'Captain Phillips' đã dũng mãnh chèo lái con thuyền thành công hơn mong đợi. Mọi người đi xem về, bảo nhau 'Tom Hanks không bao giờ làm chúng ta thất vọng'.


Nhìn lại sự nghiệp điện ảnh của Tom Hanks thì đó đúng là sự thật không thể chối cãi. Mỗi lần anh rục rịch xuất hiện trên màn ảnh, khán giả luôn hồi hộp, tò mò xem tiếp theo anh ấy sẽ cống hiến gì. Tom Hanks không chỉ tài trong việc chọn kịch bản mà sự hóa thân vào nhân vật luôn rất sống động. Thật khó để tìm được sự trùng lặp trong những vai diễn của anh. 

Sau sự biến hóa thú vị thành 6 nhân vật khác nhau ở Cloud Atlas năm 2012, năm nay Tom Hanks đã kịp trở lại ấn tượng. Họ tin tưởng ¨Sẽ lại có 1 Oscar nữa cho chàng Forest Gump¨. Tom Hanks rõ ràng là bảo bối của các nhà làm phim nghệ thuật, cộng thêm cái duyên đặc biệt lôi kéo khán giả ra rạp. 

Captain Phillips minh chứng điều này bằng việc mang về cho Sony món hời lớn - 104 triệu đô, gấp đôi kinh phí làm phim.

Trước khi xem Captain Philips, có 5 sự thật thú vị bạn nên biết.

Đầu tiên, đây là một bộ phim dựa trên cuốn sách 'A Captain’s duty', xuất bản năm 2010 kể câu chuyện có thật về sự sống sót của vị thuyền trưởng Richard Phillips trước sự tấn công của hải tặc Somali lên con tàu Maersk Alabama tháng 4/2009. Chính câu chuyện táo bạo, mang tính thời sự này đã khiến quyển sách cũng như bộ phim có được sự đón nhận nồng nhiệt, khi ai cũng tò mò '4 con người Somali nhỏ bé đã làm thế nào để đánh chiếm được con tàu hàng 17000 tấn?'.

Sự thật thú vị thứ 2 đó là Tom Hanks chưa từng gặp bất kì diễn viên đóng cướp biển Somali nào trước cảnh thuyền trưởng Phillips bị bắt cóc. Đạo diễn Paul Greengrass đã cố ý làm thế để tạo thêm sự kịch tính cho phim, ít nhất là khuôn mặt thật sửng sốt khi chạm trán của cả Tom Hanks và anh chàng Bakhad Abdi – người đóng vai thủ lĩnh cướp biển.

Sự thật thứ 3: Bộ phim không hề diễn ra ở Somali, nó được quay trong 9 tuần ở bờ biển Malta. Còn các anh chàng Somali dễ thương lại được tuyển chọn ở Minneapolis, Minesota. Họ hoàn toàn nghiệp dư, chưa từng đóng phim trước đó, nên họ đóng rất tự nhiên, duyên dáng, rất thật, diễn xuất đỉnh không kém gì Tom Hanks.

Sự thật thứ 4: Các anh chàng Somali Mỹ này không những diễn hay, họ còn lái thuyền rất cừ. Tất cả các cảnh quay trên chiếc thuyền máy nhỏ, mà khán giả còn cảm thấy say sóng khi thấy tốc độ vũ bão cưỡi sóng đại dương đó đều được 4 anh chàng tự thực hiên, một cú ăn luôn.

Sự thật thứ 5: Tàu hàng Maersk Alabama sau năm 2009 đã bị cướp biển tấn công 4 lần nhưng đều không thành. Còn bộ phim thì thành công xuất sắc.


Bộ phim bắt đầu với hình ảnh thuyền trưởng Phillips gánh trọng trách đưa con tàu hàng qua vùng biển Somali quỷ dữ an toàn trong khi không được trang bị bất kì vũ khí nào. Ở đâu đó một làng chài ở Somali, sự áp bức đang diễn ra. Những kẻ lớn bắt kẻ bé phải ra khơi, đi cướp tàu mang về cống nộp. Trước đây, sự tấn công của người dân Somali vào các tàu hàng chỉ để bảo vệ vùng đánh cá của họ.

Sau dần, sự cướp phá, bắt cóc diễn ra mang lại những món tiền lóa mắt, những thế lực hình thành, một xã hội thu nhỏ thiết lập các vị trí và quyền lực. Nhiều người Somali lương thiện bị sự đe dọa tới tính mạng, gia đình mà buộc phải ra đi, trở thành cướp biển. Họ vốn là những người hiền lành đáng thương, hơn đáng giận, giống như anh chàng Elmi – mới 18 đã phải cầm súng. Anh ta bị bắt ép ra trận chiến, giống như người ta bị đẩy vào một cuộc chiến tranh vô nghĩa nhưng phải chiến đấu vì sự sống của chính mình.

Số phận xô người ta từ sai lầm nhỏ tới sai lầm lớn, từ bị buộc cầm súng, tới thích cầm súng, rồi đam mê cầm súng.

Dần dà Elmi hiền lành, dưới những áp bức sẽ sớm thành là kẻ muốn thể hiện mình can đảm, thông minh, đủ dũng khí để làm 1 con sói biển như Muse – tên thủ lĩnh. Hắn lăn xả vào những con sóng chỉ để lập công, cho một cuộc sống được trọng dụng, có vai vế khi trở về. 

Họ, người người nghèo khổ, có thể bị người ta ép buộc, có thể tự bị bản thân mình ép buộc, dần dần bị hủy hoại vì tiền. Bốn con người Somali bé nhỏ, gầy giơ xương, nhưng đôi mắt sáng quắc, đầy căm phẫn, gộp lại với nhau, cùng lao đi trên một thuyền máy cảm giác có thể vỡ vụn bất cứ lúc nào, để cướp cho được con thuyền hàng to gấp trăm lần trên đại dương bao la.


Cảnh chiếc thuyền máy lao đi làm người ta vừa lo vừa sợ. Họ sợ tàu của thuyền trưởng Phillips sẽ bị đánh chiếm bởi cái quyết tâm hừng hực của những kẻ khát tiền. Họ lại lo rằng cái thuyền máy nhỏ bé kia có thể chìm nghỉm trong những lớp sóng dồn dập. Với kĩ năng hơn người, 4 kẻ Somali đã thâm nhập thành công, dù cho thuyền trường Phillips đã thực hiện những ngón đòn lão luyện: thay đổi vận tốc, thay đổi hành trình, hay phun vòi rồng.

Phải công nhận rằng, sự xâm chiếm chóng vánh ấy đã đẩy cao trào phim hơn lúc nào hết. Cuộc đấu trí giữa Phillips già đời và Muse quyết tâm như cuốn lấy người xem.Sau loạt phim về Bourne, đạo diễn Paul Greengrass đã thành công khi mang tới những thước phim dồn dập và nghẹt thở tới thế. 

Sự thông minh của thuyền trưởng Phillips khi ra các báo hiệu cho thủy thủ thiết lập bẫy khắp nơi:rải mảnh vụn kính làm bị thương hải tặc Somali hay tắt điện phòng máy để bao vây thủ lĩnh Muse. Các kế hoạch thành công mĩ mãn, thủy thủ nắm cơ trên, vụ thương thuyết thành công khi hải tặc chấp nhận lấy 30000 đô cùng tàu cứu hộ.

Khi mọi việc tưởng như kết thúc thì tai nạn bất ngờ xảy ra. Thuyền trưởng Phillips bị Muse lôi vào cùng con tàu cứu hộ. Tàu bị thả trôi xuống biển, một người bị bắt cóc. Hy vọng về tiền dấy lên cho những con người nghèo khổ, trong khi thủy thủ đoàn và người xem lo lắng cho số phận của vị thuyền trưởng quả cảm. 

Cuộc giải cứu thuyền trưởng diễn ra căng thẳng như trong Dark Thirty Zero. Nhưng thứ đọng lại trong khán giả không phải ở những pha cân súng, cân não, mà ở sự đồng cảm con người.

Những giờ phút sống chung với hải tặc làm Phillips thương hơn những con người này. Ông hiểu rằng tiền chuộc ông chỉ là một món tiền bé nhỏ của công ty bảo hiểm, nhưng mang lại sự sống cho rất nhiều người khác. Khán giả thấy lạ là sao ông không đầu hàng? Hãy cứ để những người Somali có được món tiền họ muốn, còn ông bình an về với gia đình. Tại sao Phillips cố chấp cứ tìm cách trốn thoát? 

Ông không có lợi gì ngoài việc bảo vệ thanh danh và quy tắc sống của mình. Ông đã thành công, để rồi phải khóc khi nhìn thấy máu của kẻ thù trên khuôn mặt mình.

Khi Philips rơi những giọt nước mắt khó nhọc, người ta hiểu rằng giữa người và người luôn tồn tại thứ tình cảm khăng khít dù họ không quen nhau, dù họ có thể là kẻ thù của nhau. Thật dễ dàng để khóc trước một cái chết mình nhìn thấy. Philips khóc thương cho cậu bé Elmi tội nghiệp, khóc Bilal nóng tính, khóc cho những con người nghèo khó ở Somali. Họ không xấu, nhưng họ không có tự do để chọn con đường mình muốn sống. 

Định mệnh nghiệt ngã khiến con người đi trên những con đường khác nhau. Nếu Phillips, Muse, Bilal, Elmi, Najee cùng sinh ra ở một đất nước yên bình, có thể họ sẽ là đồng nghiệp của nhau, có thể họ là bạn bè của nhau, hoặc có thể chỉ là những người qua đường nhoẻn miệng cười chào nhau. Họ sẽ không phải chạm mặt nhau trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Nhưng cuộc đấu tranh giữa giàu và nghèo có bao giờ là kết thúc?

Thông tin bộ phim Captain Phillips:

Đạo diễn: Paul Greengrass

Diễn viên chính: Tom Hanks, Bakhad Abdi

IMDB: 8,1/10

Mai Thanh Nga

thunm

Từ khóa:  captain Phillips
Cùng chuyên mục
XEM