[Phim hay] Phải Sống – Bi kịch Trung Hoa

04/10/2013 21:00 PM |

Bi kịch của một gia đình đã phản ánh sai lầm của cả một thời kỳ lịch sử dân tộc Trung Hoa.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựa theo tiểu thuyết của Dư Hoa

Diễn viên: Cát Ưu, Củng Lợi

Bộ phim là chặng đường 40 năm trong đời một con người, phải đối mặt với đủ đau khổ cay đắng nhưng luôn tự nhủ mình phải sống và sống cũng phải cần nghị lực.

Những năm 40, Phúc Quý sống trong cơm no áo ấm, đam mê cờ bạc. Thú đỏ đen đó đã mang lại bất hạnh đầu tiên cho Quý: Gia sản rơi vào tay người khác, vợ bồng con bỏ đi, bố tức giận lên cơn đau tim mà chết...Mất hết, Quý ân hận khóc như một đứa trẻ. Hai mẹ con Quý phải dắt nhau về sống trong một khu nhà hoang tàn, Quý bỏ cờ bạc rồi đi kiếm sống bằng nghề ca hát cho một gánh rối bóng. Vợ anh – Gia Trân –  cảm thương hoàn cảnh cùng quẫn của anh đã quay về.  Mọi việc đang êm đềm thì quân đội Tưởng Giới Thạch tràn đến, bắt toàn bộ thanh niên ra mặt trận, Quý chưa kịp từ biệt vợ con đã phải xung quân.

Những năm 50, trở về từ mặt trận, Quý lại sống những tháng ngày yên ả bên người vợ tần tảo, đứa con gái câm và cậu con trai út kháu khỉnh. Cuộc sống giản dị trôi qua cho đến khi bất hạnh thứ hai ập đến, đứa con trai bé bỏng của anh bị bức tường đổ vào người đè chết. Bạn anh – Xuân Sinh – cũng quá bất ngờ và đau đớn khi chính anh ta là người đã lái xe đâm phải.

Những năm 60, hai vợ chồng Phúc Quý lấy chồng cho con gái Phụng Hà, họ sắp được đón đứa cháu ngoại đầu tiên thì bất hạnh lại ghé cửa, một cô gái câm không thể giãi bày được tình cảnh của mình trong cơn đau đớn vượt cạn lại gặp phải những bác sĩ thực tập thiếu kinh nghiệm. Vậy là đứa con còn lại của Quý cũng đã chết vì mất máu.

 Những năm 70, cháu ngoại Quý lớn lên rất nghịch ngợm lém lỉnh, Quý may mắn được hưởng tuổi già trong tiếng trẻ nói cười.


Bộ phim miêu tả một giai đoạn tang thương của nước Trung Hoa cận đại, từ những cuộc chiến tranh, cách mạng đến chính sách sai lầm thời kỳ đổi mới. Có thể nói Trương Nghệ Mưu đã công khai ra ánh sáng một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử xây dựng nhà nước Trung Hoa với  những giày vò xâu xé, những đọa đày đau đớn mà một thế hệ đã phải trải qua. Những con người ấy đã phải tự động viên an ủi tôi phải sống, anh phải sống bởi cuộc sống ấy còn khổ sở hơn cả cái chết. Sống để trả nợ người thân và trả nợ đời, sống để làm nhân chứng cho sự “thay áo đổi mặt” của một quốc gia.

Trong phim, từng trường đoạn, từng hình ảnh, từng chi tiết đều mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc.

Khi còn là một tên phá gia chi tử, Phúc Quý sống trong bạc bài với kẻ hầu người hạ, điểm chỉ trên giấy nợ với thái độ bất cần, người trong nhà hết lời khuyên bảo nhưng cậu ấm họ Từ vẫn chứng nào tật nấy. Chỉ ba con xúc xắc và vài tấm giấy ghi nợ, Quý biến thành kẻ trắng tay, ngồi như một gã ăn mày ngoài đường. Nhưng hạnh phúc lại mỉm cười với Quý. Chưa bao giờ Quý nở nụ cười vui sướng như vậy khi nhìn thấy vợ con trở về. Đây có thể coi là “tái ông thất mã” mà Quý trải nghiệm. Hai người an ủi nhau: Hãy quên hết quá khứ đi. Giàu chưa chắc là sung sướng, nghèo chưa hẳn là khổ sở. 

Hình ảnh mũi kiếm đâm vào phông giấy dùng để diễn rối bóng rồi cắt đôi hai nhân vật trong câu chuyện như một ẩn dụ về cuộc nội chiến đau thương của Trung Hoa. Mũi kiếm đó đã xé đôi đất nước, chia lìa những cặp trai gái, những gia đình đang yên ấm vui vầy bên nhau. Âm thanh của khúc nhạc và bài hát tuồng được thay thế bởi tiếng leng keng của súng, kiếm va vào nhau, tiếng còi xe và những bước chân nặng nề ra chiến trận. Rồi khi chiến tranh kết thúc, Phúc Quý trở về nhà với chiếc hòm gỗ, giải thích cho vợ hiểu về sự “mất tích đột ngột” của mình. Gia Trân gục vào vai chồng khóc nức nở trong đêm tối trên con phố vắng bởi trụ cột gia đình, người chồng, người cha ấy vẫn còn sống và đã trở về.

Khi biết tin Long Nhị – người đã thắng bạc cả gia tài của Quý – vì không muốn hiến toàn bộ tài sản cho “chính quyền nhân dân” đã đốt hết trang viên và ra tay đánh cán bộ nên bị quy tội phản động, chống đối cách mạng và bị đem ra xử bắn, Quý cũng hòa vào dòng người đi xem hành hình, Long Nhị bị người ta trói tay lôi đi trên phố, dòng người hô vang khẩu hiệu diệt trừ bè lũ chống phá cách mạng, tử hình Long Nhị. Long Nhị chỉ là một trong số những kẻ “địa chủ, phản động” có liên quan tới cuộc đời Quý, ngoài hắn ra còn rất rất nhiều vụ tử hình đã được thực hiện.

Anh chàng gầy gò hom hem Phúc Quý sợ hãi tới mức phải chạy ngay tới một góc khuất để... giải quyết, rồi ôm chặt cây cột không dám nhìn đoàn người với khí thế hừng hực đi qua. Quý vội vã về nhà thông báo cho vợ biết: “Năm phát đạn, người ta đã bắn năm phát vào người hắn” và cái cách bày tỏ tầm “nhận biết” cũng khố khổ không kém: “May quá, nếu mình còn nhà cao cửa rộng thì bây giờ tiêu mạng rồi.”


Khuôn mặt trơ xương và ánh mắt to trợn trắng của diễn viên Cát Ưu thể hiện rõ một Từ Phúc Quý phiêu dạt như kẻ mất hồn, một con nghiện, một thân dây leo bám chặt vào đời để được sống. Nét dịu dàng của Gia Trân và cả thái độ ngơ ngác thành thật của cô rất hợp với tính cách của Quý. Gia Trân là một phụ nữ điển hình của sự giao thoa hai thời đại vừa mang nét tổng hòa của xã hội cũ, vừa biết cầu tiến theo chủ trương xã hội mới. Một cô gái được giáo dục tốt, lớn lên với tính cách thùy mị tần tảo, thương chồng yêu con, cô cũng rất tiến bộ khi có những chủ trương ý kiến của riêng mình, bất mãn với Quý cô ôm con bỏ đi, trưởng trấn tới lục tìm đồ đạc cô phản ánh, vứt bỏ vòng hoa viếng của Xuân Sinh, xúi con rể đi tìm bác sĩ...

 “Bước tiến Đại nhảy vọt” cũng được Trương Nghệ Mưu đưa vào rất hợp lý và chân thực. Để đạt được sản lượng thép trên 10 triệu tấn một năm, chính phủ đã kêu gọi mỗi hộ gia đình đóng góp thiết bị gia dụng làm bằng kim loại. Vợ chồng Phúc Quý cũng như tất cả người dân đều tận tâm đóng góp nhưng khi trưởng trấn đến ông ta điềm nhiên “vơ vét” hết toàn bộ đồ dùng trong nhà từ cái xoong cái chảo đem đi. Vợ Quý hỏi: “Mang cả chảo rồi lấy gì nấu ăn?”. Ông trưởng trấn nhỏ thó với niềm tin tuyệt đối vào cách mạng đã cười mà nói: “Sau này lúc nào anh đói bụng, anh cứ đến nhà ăn tập thể, ở đó có bao nhiêu là cá thịt ê hề sống có chín có...”. Ai cũng sợ bị quy kết là tư sản, là không có tinh thần cách mạng để kéo theo là tình huống cười ra nước mắt khi người ta định lấy đi cả những mảnh sắt gắn trên hộp gỗ và con rối bóng của Quý với lý do “đủ làm thành 2 viên đạn”.

Khán giả sẽ phải cười cay đắng và cảm thấy những con người đó thật đáng thương. Họ tự hào mình là dân nghèo, như lời Quý nói với vợ “Dân nghèo là tốt rồi”, phải chứng minh sự trong sạch và trung thành với Đảng qua giấy chứng nhận có tham gia cách mạng.

Trong phim của Trương Nghệ Mưu mỗi một nhân vật hiện lên với đầy đủ tính cách đại diện cho một lớp người. Ngay cả những đứa trẻ cũng nhọc nhằn đáng thương theo suy nghĩ của người lớn.  

Cậu con trai của Phúc Quý – Hữu Khánh – đang ngủ bên cạnh chị gái thì bị bố gọi dậy cõng đến trường học luyện kim, mẹ cậu bé gói 20 chiếc sủi cảo vào hộp để cậu đến lớp lấy ra ăn. Hình ảnh Quý cõng con đi học, luôn miệng khuyên bảo an ủi con rất bình dị và ấm áp nhưng ngay sau đó là sự tê tái khi Quý chạy theo đám học trò đi đến nhận xác con. Hữu Khánh nằm đó, máu nhuộm đỏ khuôn mặt, yên lặng như khi ngủ còn Quý và Gia Trân thì như điên như dại gào khóc. Trên nấm mộ nhỏ bé giữa cánh đồng mênh mông, mẹ cậu đặt lên hai hộp sủi cảo, một hộp của ngày hôm qua gói cho cậu đến lớp mà chưa kịp ăn, một hộp ngày hôm nay làm thêm cho cậu đỡ đói. Quận trưởng – người mà Gia Trân gọi là “kẻ giết con chúng tôi”, người mà Phúc Quý gọi là “anh em tốt” – cũng mang vòng hoa đến viếng, xin lỗi rồi “bồi thường” bằng một ít tiền nhưng bị từ chối.

Lý giải của Phụng Hà cũng hết sức đau đớn, cô bé câm lấy đá ném vỡ kính chiếc xe gây ra cái chết của em trai mình, một nỗi đau không thể khóc lớn thành tiếng đễ dãi bày.

Phụng Hà cũng một đời đau khổ và bất hạnh. Nhỏ tuổi bị ốm thập tử nhất sinh, may mắn thoát khỏi tử thần nhưng lại bị câm. Ngày cưới, cô dắt xe đạp đi bên anh chàng Hồng vệ binh Vạn Nhị Hỉ thọt chân, một đám cưới đúng “tinh thần Mao Chủ tịch” diễn ra với khẩu hiệu, biểu ngữ và mô hình con thuyền cách mạng. Người ta cũng không còn bái thiên địa như trước mà thay vào đó là bái Mao Chủ tịch. Niềm hạnh phúc nhất của Phụng Hà có lẽ là lấy được một anh chàng như Vạn Nhị Hỉ biết yêu thương và chăm sóc cho cô, biết hiếu kính bố mẹ vợ và sống tốt vui vẻ với mọi người.

Cả cái chết của Phụng Hà cũng là một nỗi đau xé ruột gan.

Cách mạng văn hóa cũng âm thầm lướt đến trấn nghèo nàn nhỏ bé này, đã tác động sâu sắc và gây ra hậu quả thương tâm cho gia đình Phúc Quý. Phụng Hà mang nặng đẻ đau đúng lúc các bác sĩ bị Hồng vệ binh bắt đi phơi nắng ngoài đường, trong viện chỉ còn lại những cô y tá thực tập non nớt.Vì muốn tìm một bác sĩ có tay nghề, Nhị Hỉ đánh liều lấy danh nghĩa đội trưởng Hồng vệ binh dẫn bác sĩ trưởng khoa phụ sản đi với lý do “để giáo dục thêm” mà thực chất là đến khám cho vợ anh. 

Ông bác sĩ già gầy gò đó lại yếu ớt mệt mỏi đến mức lả đi trên ghế, Phúc Quý vội đi mua màn thầu cho ông ta ăn đỡ đói, thế nhưng khi Phụng Hà cần được cấp cứu nhất thì ông bác sĩ lại không thể cử động được vì màn thầu trương lên trong bụng, bản thân ông ta còn đang phải cố há miệng ra để thở. Các cô y tá cuống quýt không biết xử lý tình huống ra sao khi “bỗng nhiên bệnh nhân ra nhiều máu”. Gia Trân đau đớn thốt lên: “Tôi chỉ còn có mỗi đứa con gái này thôi.!” Vậy là cả hai đứa con của họ đều “hiến” cho đất nước để viết lên một trang sử đẫm máu và nước mắt. Đứa con trai cho bước tiến Đại nhảy vọt, đứa con gái cho cách mạng văn hóa.

Xuân Sinh cũng là một anh chàng có cuộc đời bất hạnh. Trở về sau chiến tranh, anh ta tham gia quân giải phóng, rồi trở thành quận trưởng quyền cao chức trọng, nhưng vụ tai nạn anh gây ra cho gia đình Quý đã đè nặng lương tâm khiến anh luôn trăn trở. Đám cưới Phụng Hà anh cũng chỉ dám ngồi một bên chờ khi khách khứa đã đi hết mới dám đến chào một tiếng, trong những năm qua đã bao lần đưa tiền cho Phúc Quý để giảm bớt gánh nặng tội lỗi nhưng hai vợ chồng Quý nhất quyết không nhận.  Khi cách mạng văn hóa xảy ra, vợ anh ta tự vẫn chết, bản thân Sinh cũng muốn “chết cho xong” nhưng khi đem cuốn sổ tiết kiệm đến tặng cho Quý, Quý không nhận mà “buộc” anh ta phải sống, cả Gia Trân cũng sợ Sinh làm điều dại dột mà gọi với theo “Cậu đừng quên cậu còn nợ nhà chúng tôi một mạng người”. Điều này đã nhắc nhở Sinh hãy lấy hết nghị lực ra mà sống.

Như để giảm bớt nước mắt của khán giả, Trương Nghệ Mưu đã lồng vào trong phim những phân đoạn hài hước làm dịu đi không khí tang thương. Chẳng hạn đoạn Giai Trân và Hữu Khánh “âm mưu” chọc phá Quý, đoạn đối thoại của hai vợ chồng Phúc Quý trong lúc chờ đón cháu ngoại hay đoạn kết phim bé Màn Thầu cùng đi thăm mộ mẹ và cậu rồi ngồi vuốt ve lũ gà con với ông bà ngoại trong khung cảnh sum họp của gia đình ba thế hệ.

Tinh hoa của đất nước được phản ánh qua đời sống tinh thần và bộc lộ bằng nghệ thuật. Và môn nghệ thuật Trương Nghệ Mưu sử dụng trong phim không phải là Kinh kịch cổ truyền nổi tiếng xưa nay của Trung Quốc mà là nghệ thuật rối bóng- loại hình nghệ thuật dân gian phổ biến trong giới bình dân.  Người xem sẽ cảm thấy một Trung Hoa cận đại đơn giản và gần gũi nhưng cũng hoang tàn và đổ nát trong Phải sống. Nó hoàn toàn khác hẳn vẻ bóng bẩy mượt mà, những bộ quần áo Đế vương, khuôn mặt cầu kỳ trang điểm tỉ mỉ trong Kinh kịch. Chiếc hòm gỗ chứa đựng tinh hoa ấy đã được Quý ôm theo từ trước chiến tranh, trong chiến tranh, sau chiến tranh tới cả cách mạng văn hóa – suốt một dòng lịch sử.

Trương Nghệ Mưu là bậc thầy sử dụng hình tượng và hình ảnh ẩn dụ trong các tác phẩm điện ảnh của mình, điều đó được củng cố qua nhiều bộ phim khác như Cao lương đỏ, Đèn lồng đỏ treo cao, Đường về nhà, Cúc Đậu...

Trịnh Dung

khanhnt

Cùng chuyên mục
XEM