Phiên họp 10 phút đầu tiên của Chính phủ qua hệ thống e-Cabinet
Phiên họp Chính phủ đầu tiên thông qua hệ thống e-Cabinet dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra chỉ trong vòng 10 phút.
Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ bấm nút khai trương hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ e-Cabinet. Ngay sau đó, Chính phủ đã họp phiên đầu tiên qua hệ thống này và thời gian họp diễn ra chỉ trong 10 phút.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, e-Cabinet chính thức đi vào hoạt động sẽ là công cụ quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Khai trương hệ thống e-Cabinet
Mục tiêu cụ thể của e-Cabinet là trong năm 2019 sẽ giảm 30% thời gian các phiên họp Chính phủ; giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy, phấn đấu hết năm 2019 sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản mật), đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ.
Thay vì xử lý hồ sơ giấy, các thành viên Chính phủ sẽ xử lý trên nền điện tử. Họ cũng có thể kết nối, trao đổi thông tin với nhau. Các thành viên Chính phủ có thể cho ý kiến và biểu quyết trên môi trường điện tử có thực hiện ký số đối với các công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, kể cả khi vắng mặt tại cơ quan hoặc vắng mặt tại phiên họp Chính phủ.
Biểu quyết từ xa
Ngay sau lễ khai trương, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên đầu tiên thông qua hệ thống e-Cabinet để cho ý kiến về dự thảo nghị quyết xây dựng nghị định quy định định danh và xác thực điện tử.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dự thảo đã lấy ý kiến các cơ quan, đã có ý kiến của Bộ Tư pháp, đủ điều kiện lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Vì vậy, Bộ chủ trì không phải trình bày lại mà VPCP báo cáo tóm tắt về nội dung cần lấy ý kiến trước khi biểu quyết
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, dự thảo đã lấy ý kiến thẩm định, tiếp thu giải trình của Bộ Tư pháp. Toàn bộ hồ sơ đã được gửi đến các thành viên Chính phủ qua e-Cabinet. Ông đề nghị Thủ tướng điều hành phần biểu quyết.
Ảnh: Như Ý |
“Nếu không có ý kiến khác nhau, đề nghị Chính phủ biểu quyết qua máy tính bảng. Các thành viên vắng mặt có thể theo dõi phiên họp và biểu quyết qua thiết bị di động”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.
Kết quả biểu quyết có 25 thành viên Chính phủ đồng ý với dự thảo nghị quyết do Bộ TT&TT trình, trong đó có 4 thành viên Chính phủ biểu quyết từ xa.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Như Ý |
Thủ tướng đề nghị VPCP làm thủ tục trình Thủ tướng ký ban hành nghị quyết này. Chỉ hơn 1 phút sau, thủ tục hoàn thành, Thủ tướng dùng iPad ký phát hành nghị quyết trên nền điện tử ngay lập tức.
Phiên họp đặc biệt này kéo dài 10 phút.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Sau phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu thực tế hiện nay các phiên họp Chính phủ còn dài, tài liệu phục vụ chủ yếu là giấy. Việc in, chụp, gửi nhận rườm rà, gây tốn kém thời gian, kinh phí. Việc gửi phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ bằng giấy vừa chậm, vừa tốn kém, thành viên nào đi công tác hoặc vắng mặt tại cơ quan thì không xử lý được.
Vì vậy, hệ thống e-Cabinet khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử theo hướng thực chất, hiệu quả, nói đi đôi với làm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng |
Ngoài ra, hệ thống này giúp chuyển phương thức làm việc của Chính phủ từ văn bản giấy sang môi trường điện tử, sử dụng văn bản điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả; tạo sự lan tỏa, góp phần thay đổi nhận thức và hành động của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Đặc biệt, giảm thời gian và nâng cao chất lượng các phiên họp Chính phủ, tăng tính kịp thời, hiệu quả trong xử lý công việc của Chính phủ.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tích cực sử dụng hệ thống e-Cabinet để thực sự tạo ra hình mẫu lan tỏa từ Chính phủ, các thành viên Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương trong ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc hàng ngày.