Phía sau những tấm biểu ngữ phản đối Uber, Grab dán trên các xe taxi truyền thống
Hành động dán biểu ngữ phản đối trên taxi ở Hà Nội và TP.HCM là diễn biến mới nhất sau hàng loạt những văn bản cáo buộc nhằm vào Uber và Grab liên quan đền vấn đề thuế, số lượng phương tiện, điều kiện kinh doanh... Mặc dù, biểu ngữ trên xe đã được gỡ xuống, nhưng dòng chữ đó cho thấy quan điểm của các bên vẫn còn những khác biệt.
Lái xe Uber, Grab đã "không còn nhàn rỗi"
Ngay khi mới tham gia vào thị trường Việt Nam, Uber và Grab được cho là giải pháp kết nối xe nhàn rỗi với người có nhu cầu di chuyển. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định rằng, “hình ảnh đẹp” ấy đã sớm thay đổi. Nhiều cá nhân đã mua xe chỉ để chạy Uber, Grab. Thậm chí, 50.000 xe đã tham gia mạng lưới của Uber và Grab và lượng ô tô "nhàn rỗi" này đã vượt qua tổng số xe của các hãng taxi.
Thực tế, các tài xế có xe nhàn rỗi đã dần trở thành những người cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp toàn thời gian. Họ được khuyến khích chạy nhiều chuyến hơn bởi chính sách trợ giá, tặng thưởng,... của Uber và Grab. Ngược lại, Uber và Grab cũng cần thu hút thêm nhiều tài xế tham gia mạng lưới để có lượng xe lớn, đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dùng ứng dụng.
Bên cạnh đó, quy định của Nhà nước cũng yêu cầu tài xế tham gia mạng lưới của các hãng công nghệ có giấy phép kinh doanh hành nghề. Để trở thành đối tác của Uber hay Grab, mỗi chủ xe phải đăng ký tham vào doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hoặc tự mình đăng ký trở thành hộ kinh doanh. Như vậy, Uber/Grab tại Việt Nam đang kết nối tổ chức kinh doanh vận tải với khách hàng, thay vì giữa cá nhân có xe nhàn rỗi với người có nhu cầu di chuyển.
Mô hình giống nhau nhưng thuế suất khác biệt
Mặc dù đều tham gia Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, nhưng Grab là dịch vụ khoa học và công nghệ, còn Uber là dịch vụ phần mềm kết nối. Mức thuế suất hai bên phải chịu cũng khác nhau.
5% là mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) mà Grab đang phải nộp, theo quy định tại Thông tư 219 của Bộ Tài chính. Do Công ty TNHH GrabTaxi được thành lập tại Việt Nam, nên đơn vị này được hưởng mức thuế suất áp dụng đối với dịch vụ khoa học và công nghệ.
Khác với Grab, Uber đang chịu thuế suất thuế GTGT 3% trên doanh thu được hưởng. Đơn vị bị đánh thuế là Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan, nhà cung cấp dịch vụ phần mềm kết nối, ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải. Theo Công văn số 11828 của Bộ Tài chính, Uber B.V Hà Lan ủy quyền cho Công ty TNHH Uber Việt Nam kê khai, nộp thuế GTGT vào ngân sách nhà nước.
Uber chịu thuế suất thuế GTGT 3% trên doanh thu được hưởng (Công văn số 11828/BCT-CST ngày 24/8/2016 của Bộ Tài chính)
Việc Uber và Grab được hưởng mức thuế suất khác nhau trong khi đều tiến hành hoạt động kết nối là một vấn đề được Hiệp hội taxi Hà Nội nêu lên nhiều lần. Trong khi đó, các doanh nghiệp taxi không chỉ chịu mức thuế suất thuế GTGT đối với dịch vụ vận tải là 10%, mà còn bị nhiều ràng buộc bởi các điều kiện kinh doanh khác. Nghị định 86 của Chính phủ yêu cầu taxi phải có đồng hồ tính tiền trên xe, thực hiện sơn biểu trưng, có hộp đèn gắn trên nóc xe,... Với những đặc điểm như vậy, taxi trở thành đối tượng bị cấm trên một số tuyến phố, nơi xe Uber và Grab có thể di chuyển.
Những điều kể trên là lý do khiến taxi truyền thống phải thể hiện ý kiến thông qua việc dán biểu ngữ phản đối. Chưa rõ cơ quan chức năng sẽ có những điều chỉnh ra sao khi thời điểm kết thúc Đề án thí điểm (01/2018) đang tới gần.Hiện tại, các hãng và tài xế đã gỡ bỏ tấm decal “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”.
“Sức ép lớn đang tác động lên taxi truyền thống. Họ buộc phải đổi mới để phục vụ hành khách tốt hơn. Nhiều công ty đã áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới. Nhưng họ vẫn nghi ngờ Uber và Grab trốn thuế để đưa ra giá rẻ, đặc biệt khi Cục thuế TP.HCM vừa ra quyết định xử phạt và truy thu 66,68 tỷ đồng đối với Uber” – ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.