Phê bình ra sao để không gây khó chịu?
Chỉ trích ai đó để giúp họ tiến bộ là rất cần thiết. Nhưng đưa ra những lời chỉ trích mà không khiến người nghe ức chế thì không hề dễ dàng chút nào.
Không ai thích bị phê bình cả, nhưng cuộc sống luôn có hai mặt đó là: không có ai là hoàn hảo và cách duy nhất để cải thiện tình huống là tìm ra phương thức sửa chữa những thiếu sót ấy.
Chỉ khi hiểu được điều đó, chúng ta mới có thể mở lòng đón nhận những lời phê bình và từng bước hoàn thiện được bản thân.
Lời chỉ trích có thể khiến cả người nói lẫn người nghe cảm thấy bị tổn thương, song nếu chúng ta muốn có một sự nghiệp vững vàng, những mối quan hệ và một cuộc sống tốt đẹp hơn, chúng ta cần phải đối mặt với rào cản đó và học cách đón nhận những lời góp ý “khó nghe” mà không coi chúng là một điều tiêu cực.
Đừng chỉ tập trung chỉ trích một cá nhân nào đó
Đừng chỉ lấy một cá nhân làm đối tượng trung tâm để chỉ trích nếu bạn không muốn biến mối quan hệ của cả hai người trở thành mối tư thù khó hòa giải, dù cho trong nhiều tình huống, bạn thực sự đang nói về người đó.
Ví dụ, đội của bạn đang thực hiện một dự án, nhưng một trong số các thành viên không hoàn thành nhiệm vụ được giao đúng thời hạn. Thay vì buông lời phán xét “cậu chẳng khi nào hoàn thành đúng thời hạn cả”, bạn hãy nói “ Tớ sẽ làm hiệu quả hơn nếu được cập nhật phần của cậu đúng thời hạn”.
Bằng cách này, lời phê bình của bạn sẽ không biến thành một “cuộc tấn công” hằn học đối với người nghe và theo đó, những cá nhân khác cũng sẽ “bị đánh động” để cố gắng bàn giao công việc đúng thời gian.
Hãy cụ thể khi muốn đưa ra một phản hồi
Phản hồi chỉ có hiệu quả nếu được trình bày đúng cách và chốt đúng mục tiêu. Điều này có nghĩa là bạn phải xác định chính xác điều mình muốn chỉ trích hay phê phán.
Bạn cảm thấy môi trường làm việc của mình đầy rẫy những thù địch, nhưng việc xin gặp và phàn nàn với sếp rằng “môi trường làm việc trong văn phòng này thật kinh khủng” sẽ không cải thiện được điều gì, thậm chí hiệu quả mang lại còn phản tác dụng đối với bản thân bạn nữa.
Vì vậy, hãy xác định và phản ánh đúng gốc rễ của vấn đề khi chia sẻ với sếp để cuộc thảo luận mang lại hiệu quả tích cực. Ví dụ, bạn có thể nói “ việc thông tin liên lạc và trao đổi giữa giám sát và bộ phận dưới quyền hiện vẫn chưa thực sự hoạt động hiệu quả”.
Đừng chỉ trích trên mạng xã hội
Hẳn nhiều người trong số chúng ta đã từng tham gia các mạng xã hội, nơi chúng ta bày tỏ sự quan điểm về một sự thật mà đôi khi gây khó hiểu cho người đọc vì thiếu những dẫn chứng/nhân chứng trực tiếp. Không thiếu những câu cập nhật trạng thái mỉa mai như “một vài người trong số chúng ta thích làm việc đúng giờ” hay nhập nhằng như “Tôi nghĩ có lẽ bạn nên tự lên kế hoạch cho mình vào buổi sáng phù hợp hơn một chút”.
Bạn nghĩ mình có thể giải quyết được vấn bằng cách chỉ trích mơ hồ nhưng thực ra bạn lại đang làm giảm đi chủ định của mình và kích động sự ức chế của người đọc. Đến trước mặt họ và nhẹ nhàng góp ý “ cậu phải cải thiện để đi làm đúng giờ đi thôi” cũng không quá khó khăn phải không nào!
Chỉ trích kết hợp với khen ngợi một cách chân thành
Hãy cho người nghe chỉ trích hiểu rằng, không phải bạn đang cố tình “dìm” họ xuống. Để làm được điều đó, hãy kèm theo lời phê bình bằng những câu khen ngợi thật lòng. Thủ thuật về tâm lí này có tác dụng hạn chế cảm giác ức chế của người nhận chỉ trích khi phải chịu một “đòn giáng” mạnh vào tâm lí và cái tôi của họ. Quan trọng hơn, điều đó thể hiện bạn quan tâm đến bức tranh toàn diện chứ không chỉ tập trung vào một chi tiết hay một vấn đề.
Ví dụ, bạn có thể nói “ Cậu làm tốt lắm! Lời lẽ rất rõ ràng. Chỉ cần nghiên cứu thêm một chút để backup lại dữ liệu thôi, còn về tổng thể, không có vấn đề gì cả”.
Hãy đưa ra những gợi ý
Chỉ trích ai đó mà không đưa ra cho họ những gợi ý thì chẳng khác nào một hoa tiêu báo các thủy thủ rằng cả đoàn đang đi sai hướng nhưng lại không nói cho họ biết nên đi hướng nào. Bạn hãy gợi ý cho họ ít nhất là một vài sự lựa chọn để họ có cơ hội tự tìm ra giải pháp cải thiện tình hình.
Giả dụ, bạn có thể nói “ Tài liệu phạm vi dự án của cậu có đôi chỗ còn chưa cụ thể lắm. Cậu thử dùng định dạng khác phù hợp hơn xem sao? Nếu cậu cần, tôi có thể đưa cậu bảng câu hỏi để cậu dễ dàng hơn trong việc hỏi ý kiến khách hàng?”. Giúp đỡ được người khác, chắc chắn bạn cũng sẽ cảm thấy tốt hơn.
Công nhận ý kiến chủ quan của bạn
Là con người, chúng ta khó có thể giữ được cái nhìn khách quan dù chúng ta có cố gắng thuyết phục bản thân phải thôi chủ quan khi nhìn nhận mọi vấn đề.
Vì vậy, đừng ngại thừa nhận phẩm chất đó của con người và thể hiện lập trường riêng của bản thân, bởi điều đó cũng có thể giúp bạn khiêm tốn hơn và có những chia sẻ chân thành hơn.
Ví dụ, bạn có thể nói “ Dù không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này, nhưng tôi nghĩ là kế hoạch của cậu đang thiếu một vài chi tiết quan trọng”.
Đừng phủ nhận “cái tôi” của mình mà chỉ nên thừa nhận một sự nghi hoặc về khả năng xảy ra một điều gì đó, trừ khi bạn hoàn toàn chắc chắn về ý kiến của mình.
“Học đi đôi với hành”
Đây là cách tốt nhất giúp tăng khả năng nhận biết những hoàn cảnh khác nhau khi phải đưa ra lời chỉ trích hay phê phán ai đó.
Nếu bạn tin rằng phê bình thực sự cần thiết cho tất cả mọi người để cải thiện bản thân, thì chính bạn cũng phải sẵn sàng đón nhận những lời chỉ trích nhiều như những người khác vậy.
Học cách đón nhận sự phê bình bản thân nó là một nghệ thuật sống, nhưng chỉ khi nào bạn mở lòng với nó, bạn mới có thể thiết lập cho cả đội một tiêu chuẩn cao hơn và tốt hơn trong công việc.
Trên thực tế, hầu hết mọi người vẫn coi những lời phê bình là một sư xúc phạm hoặc một điều tồi tệ. Tuy nhiên, nếu biết điều hòa những lời phê bình ấy đúng cách, thì đến cả những “đối thủ ngoan cố” nhất rồi cũng sẽ nhận ra rằng, bạn chỉ trích chỉ với mong muốn làm cho họ trở nên tốt hơn mà thôi. Và dù chỉ trích có khó nghe với “người nhận” và khó khăn với “người cho” , thì nó vẫn thực sự cần thiết để giúp mỗi chúng ta kiện toàn bản thân và sống đẹp hơn mỗi ngày.