Phát triển Đặc khu kinh tế: "Nếu cứ lấn cấn thì nhiều cơ hội sẽ mất đi"

23/05/2018 08:58 AM | Xã hội

TS. Trần Anh Tuấn, Đại biểu Quốc hội đoàn đại biểu Tp. Hồ Chí Minh - Viện trưởng Viện kinh tế và Phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta đừng quá lo lắng, quá quan tâm về vốn đầu tư nhiều mà e ngại và chần chừ khi phát triển đặc khu kinh tế, nếu chần chừ sẽ bị tụt hậu.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội ngày 22/5 về dự thảo Luật Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được đưa ra thảo luận tại Quốc hội kỳ này, ông Trần Anh Tuấn cho biết, nếu cứ bàn bạc nhiều mà không thực thi sẽ bị tắc, giống như các dự án phát triển đô thị như Metro. Ở nhiều nước, một đô thị chưa đến 1 triệu dân đã có hệ thống Metro rồi. Giờ mình có đô thị 10 triệu dân mới bắt đầu làm, thế là quá chậm. Chúng ta đi sau quá trình phát triển.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn với dự tính khoảng 1,5 triệu tỷ đồng để xây dựng 3 đặc khu, nhưng theo ông Tuấn, đây là những đòn bẩy để phát triển kinh tế trong thời gian tới do vậy chúng ta vẫn phải cố gắng.

"Mặc dù nguồn đầu tư cho các đặc khu này lớn nhưng có 2 điều cần chú ý: Một là có tính phân kỳ; Hai là đang khơi dậy nguồn lực, thu hút đầu tư thông qua việc ban hành Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ quan tâm đầu tư và phát triển. Chúng ta đừng quá lo lắng, quá quan tâm về vốn đầu tư nhiều mà e ngại và chần chừ. Chúng ta cần phải quyết liệt, thực thi ngay bằng nhiều hình thức thu hút đầu tư" – ông Tuấn nói.

Cũng theo vị đại biểu thuộc đoàn Tp. Hồ Chí Minh, trong việc hút vốn chúng ta sẽ cân nhắc rất kỹ thu hút vào ngành nào, đối tượng nào được thu hút, quy mô như thế nào để phù hợp với từng giai đoạn khác nhau của các đặc khu. Trong quá trình xây dựng thì vừa xây dựng đặc khu, vừa cân nhắc quá trình thu hút đầu tư, làm sao thu hút được ngành có tính lan tỏa, đòn bẩy để phát triển thành một cực mạnh cho ngành sản xuất.

"Tôi nghĩ rằng, đây là điều chúng ta cần phải tổ chức thực hiện cho tốt trong thời gian tới. Còn nếu cứ lấn cấn mãi chuyện nguồn lực thì chúng ta sẽ rất chậm trong phát triển và sẽ dễ bị tụt hậu" – ông Tuấn nói.

Đề cập đến các chính sách phát triển đề xuất cho các địa phương được thí điểm xây dựng đặc khu như trong dự án Luật, ông Tuấn cho biết, theo nguyên tắc thị trường thì những ngành nào thị trường cần, chúng ta nên xem xét cân nhắc. Tất nhiên cùng với đó phải có biện pháp quản lý an ninh, trật tự an toàn xã hội cho tốt, đảm bảo an ninh an toàn quốc gia. Nếu như những ngành thực sự gây hại cho xã hội thì hạn chế và kiểm soát nhưng cũng phải lưu ý không phải tất cả các ngành đều tiêu cực cho sự phát triển, chúng ta cần tôn trọng thị trường để phát triển được các ngành đó.

"Tại sao những nước trong khu vực người ta phát triển được còn mình thì không? Chúng ta đặt những câu hỏi như thế để trong quá trình phát triển, chúng ta còn yếu chỗ nào, chẳng hạn trong khâu tổ chức thực hiện, quản lý thì hoàn thiện để phát triển được và thu hút vốn. Vì những vị trí đó mang tính chiến lược, chúng ta cần phải đặt nó vào đúng trục để tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế" – ông Tuấn nói, đồng thời nhắc lại rằng nếu chúng ta lấn cấn và đòi hỏi rất nhiều thời gian bàn bạc, chuẩn bị thì nhiều cơ hội sẽ mất đi, đó là điều đáng tiếc, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Theo nhóm PV

Cùng chuyên mục
XEM