Đất đặc khu bị "tuýt còi", dòng tiền đầu tư sẽ đổ về đâu?

06/05/2018 08:07 AM | Xã hội

Chỉ trong ít ngày, liên tiếp những chỉ đạo "cứng rắn" được chính quyền Vân Đồn và Phú Quốc đưa ra nhằm "kiềm tỏa" cơn sốt đất đang bùng phát tại 2 "đặc khu kinh tế tương lai" này. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư.

Quảng Ninh và Kiên Giang quyết hạ cơn sốt đất

Ngày 3/5, trên cổng thông tin của tỉnh Quảng Ninh đăng tải thông tin ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã có chỉ đạo việc tạm dừng giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Vân Đồn.

Theo lãnh đạo Quảng Ninh, động thái này nhằm siết chặt công tác quản lý đất đai và làm rõ một số thông tin về việc "sốt" giá đất tại Vân Đồn, đồng thời, ngăn chặn kịp thời cơn sốt đất đang càn quyét mạnh mẽ tại đây trong khi chờ Quốc hội thông qua Luật Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt.

Tương tự tại Phú Quốc, UBND huyện này cũng vừa có công văn chỉ đạo Phòng Tài nguyên và môi trường tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa có diện tích dưới 500 m2 trên địa bàn huyện.

Những chỉ đạo này được xem là biện pháp mạnh mẽ của chính quyền để cắt cơn sốt đất tại 2 địa phương này. Trước đó, nhà chức trách nhiều lần cảnh báo, tình trạng xẻ thịt đất nông nghiệp, lấn chiếm đất rừng, xây dựng công trình trái phép… nguy hiểm hơn là tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định, các trường hợp tự quy hoạch, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái phép khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn và tạo rủi ro lớn cho nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, thông tin nói trên thực sự là "gáo nước lạnh" với các nhà đầu tư mang danh "kẻ đến sau" tại Phú Quốc. Cơn sốt đất đặc khu được ghi nhận từ nhiều tháng nay, do đó trong khi nhà đầu tư bắt được "sóng đầu" đã có lợi nhuận, nhiều người chạy theo tìm cơ hội đã không kịp "thoát hàng" để bảo vệ mình, chưa kể nguy cơ ngậm trái đắng hiện hữu, mất cả chì lẫn chài nếu không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất.

Thị trường sẽ bị tác động thế nào

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại Vân Đồn cho biết, việc dừng chuyển nhượng sẽ khiến các nhà đầu tư không còn thấy triển vọng đầu tư tại các đặc khu kinh tế, họ sẽ dồn tiền về các khu vực khác để đầu tư. Một số khu vực đất nền vùng ven TPHCM, Hà Nội hiện nay đang nóng sốt sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư đổ vào như Củ Chi, Bình Dương, Cần Thơ, Hưng yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh....

Cụ thể như tại khu vực phía Nam, thị trường BĐS Bình Dương đang có tín hiệu chuyển mình mạnh mẽ. Riêng phân khúc đất nền từ 2017 ghi nhận mức tăng giá trung bình từ 20-40%, nhất là ở các dự án đã hoàn thiện hạ tầng thuộc khu dân cư đông đúc hoặc xung quanh các khu công nghiệp lớn như Mapletree, VSIP 1 và 2, Rạch Bắp, Protrade Singapore, Mỹ Phước 1,2,3…

Cùng với lợi thế thủ phủ khu công nghiệp, việc Bình Dương kéo dài tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên đến thị xã Dĩ An hay công bố quy hoạch phát triển những khu vực trọng điểm như Thành phố mới Bình Dương, thị xã Bến Cát…. là những lực đẩy kéo nhà đầu tư đang quay trở lại thị trường Bình Dương sau thời gian "lướt sóng" ở Đồng Nai và TPHCM.

Còn tại khu vực phía Bắc, đất nền tại các tỉnh có tiềm năng về công nghiệp cũng đang trở thành kênh hút tiền của giới đầu tư. Có thể kể đến Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc...tại một số khu vực gần các khu công nghiệp đã bắt đầu có hiện tượng tăng giá, sốt cục bộ tăng cao.

Chưa thể khẳng định xu hướng dòng tiền đầu tư sẽ rời bỏ các điểm nóng hiện tại và dịch chuyển về "mỏ vàng" mới nào, nhưng một số thị trường vùng ven TPHCM, Hà Nội như Bình Dương, Cần Thơ, Bắc Ninh... vẫn đang rất hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt những khu vực có hạ tầng tốt, còn dự địa lớn để tăng giá.

Theo Tuấn Minh

Cùng chuyên mục
XEM