[Trực tiếp] Phiên tòa xét xử Bầu Kiên ngày 29/5

29/05/2014 18:22 PM | Pháp luật

Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank cho rằng ACB thiệt hại là do Huyền Như chiếm đoạt tiền và không có căn cứ để yêu cầu ngân hàng này phải chịu trách nhiệm.


18:31 Bầu Kiên: "Tôi hiểu rất rõ vì sao tôi bị bắt"

Ông Nguyễn Đức Kiên tiếp tục tự bào chữa về tội cố ý làm trái

Ông nói:

Về việc gửi tiền vào Vietinbank, tôi có tham gia cuộc họp ngày 22/3/2011 khi cuộc họp này họp xong rồi. Ý kiến của tôi về việc không làm giảm tổng tài sản của ACB và ủy thác gửi tiền vào Vietinbank, không liên quan đến nhau, diễn ra trong thời gian khác nhau, là thỏa thuận của tôi với anh Hùng về việc quản trị ngân hàng. CQĐT đã cắm đầu của cuộc họp này vào đuôi của cuộc họp kia, tôi đã đề nghị nghe lại băng ghi âm nhưng CQĐT không nghe.

Tôi không bàn bạc gì với anh Hải về nội dung anh Hải sẽ trình bày, tôi đã đứng dậy đi ra ngoài rồi nhưng anh Tuấn gọi lại để nghe. Ông Giá cũng không hỏi ý kiến tôi về việc này. Quyết định là do các thành viên HĐQT chủ động, tôi không có ý kiến khác vì đó là quyết định bình thường, đúng pháp luật. Tôi nghĩ pháp luật không truy cứu một người vì việc họ không có ý kiến, không gây áp lực. 

Về cách tính hậu quả, tôi có 2 ý kiến. ACB có thiệt hại không? Trong trường hợp không đòi được tiền Vietinbank thì cũng có thiệt hại không? Đây là một quyết định xuyên suốt trong hơn 1 năm thì phải lấy tổng thu từ hành động này trừ đi chi phí bao gồm cả thiệt hại, ra một con số thì mới xác định được thiệt hại hay không. Nếu tính ra, hành động này không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho ACB. Nếu có chăng chỉ là giảm bớt lãi chứ không phải tổn thất. Có thể dùng các quỹ trích lập rủi ro, hoặc trừ bớt lãi của cổ đông để bù đắp. Không thể nói đây là thiệt hại.

Tôi mong muốn Vietinbank phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Vietinbank là ngân hàng lớn như thế mà không dám chịu trách nhiệm về việc làm của nhân viên mình! Tiền đã được vào đúng các tài khoản mở tại Vietinbank. 

QĐ 1284 rất khác, không bắt buộc người gửi tiền đến ngân hàng. Nếu gửi tiết kiệm, người gửi phải có mặt ở NH. Còn tiền gửi thanh toán không quy định người gửi tiền mở tài khoản phải đến NH. Tài khoản thanh toán thường sử dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp mở tại NH. NH nào dám bắt ông lãnh đạo của tổ chức đó đến ký mở tài khoản? Ngay cả bây giờ có quy định mới cũng không bắt buộc vì NHNN hiểu điều này.

Vietinbank từ chối trách nhiệm trong khi tiền đã vào tài khoản cá nhân của khách hàng thì tiền đó do Vietinbank quản lý. Theo các quy tắc hạch toán kế toán, không thể chối bỏ là Vietinbank đã sử dụng số tiền đó vào hoạt động kinh doanh khác của mình. Số tiền huy động được, Vietinbank đã sử dụng vào tài khoản có của mình thể hiện trên tài khoản tiền mặt, tiền gửi khác… Số tiền ấy không liên quan gì đến việc Huyền Như chiếm đoạt. 

Thẻ tiết kiệm không phải nguyên nhân gây ra mất tiền. Nguyên nhân là: khi tiền gửi báo có trong hệ thống của Vietinbank, ai đó trong Vietinbank cho in thẻ tiết kiệm, không liên quan gì đến NH, nên hành vi của Huyền Như phải là hành vi tham ô tại Vietinbank. Người thiệt hại là Vietinbank chứ không phải các cá nhân đi gửi tiền.

Về hành vi thiếu trách nhiệm của ban lãnh đạo Vietinbank, khoản 8 điều 12 đã nói đầy đủ trách nhiệm của Vietinbank.

Như vậy, tôi không có liên quan gì đến việc dùng tiền của Vietinbank. Các thành viên HĐQT của ACB – những người được coi là đồng phạm của tôi cũng không liên quan gì. Tôi mong được nói lại những vấn đề này trong phần tranh luận sau khi VKS có ý kiến.

Nếu CQĐT thận trọng trong việc xác định chứng cứ, tôi sẽ không bị bắt vì tội gì hết. Chỉ một dấu phẩy trong quy định “kinh doanh, đầu tư chứng khoán” cũng có thể làm thay đổi bản chất vụ án.

Tôi không nói về nhân thân, không cần thiết vì tôi xác định tôi vô tội. Tôi tự hào về nhân thân của tôi. Tôi đã bị xây dựng một hình ảnh cho xã hội như một kẻ phạm trọng tội trong khi tôi không làm mất tiền của ai. 

Tôi bị xây dựng hình ảnh là đại gia phá sản, phải đi chiếm đoạt tiền, phải đi lũng đoạn nền kinh tế. Lý do tôi bị bắt không đơn giản. TÔI HIỂU RẤT RÕ VÌ SAO TÔI BỊ BẮT. Tôi khẳng định tôi không làm điều gì trái pháp luật, nếu VKS đưa ra được bằng chứng, tôi nhận tội ngay lập tức, nhưng nếu không đưa ra được thì không được kết tội tôi!

17:24 Ông Kiên khẳng định không thể chi phối hay lũng đoạn ACB

Bài phát biểu của bị cáo Nguyễn Đức Kiên chuyển sang tội cố ý làm trái

Ông Kiên nói:

Về hành vi cố ý làm trái, rất dễ chứng minh tôi không phạm tội. Trách nhiệm của tôi tại ACB trong những khoảng thời gian khác nhau là khác nhau. Cuối năm 2007, tôi nhận thấy tôi đã làm việc tại ACB trong một thời gian dài và dành nhiều thời gian cho ACB, cần nhiều thời gian cho cuộc sống riêng, tôi đã xin rời khỏi HĐQT, thành lập Hội đồng sáng lập.

Việc này được ĐHCĐ thông qua. Hội đồng sáng lập không được đưa ra ý kiến nào khác khi Ban điều hành của ACB đưa ra quyết định. Cáo buộc tôi gây áp lực lên lãnh đạo ACB, là sai sự thật. 

Khi tôi giao trách nhiệm CEO cho anh Hải, tôi nói, kể từ hôm nay, với trách nhiệm là CEO, anh Hải chỉ hành động vì lợi ích của ACB, không vì sức ép của ai. Thứ hai, anh Hải thấy ý kiến cấp trên, kể cả tôi, mà không đúng, anh Hải có quyền từ chối. 

Đối với các thành viên khác, khi rút, tôi đã nói: ý kiến của tôi, các anh đừng nghe, tôi không quyết định vấn đề nào thuộc thẩm quyền của người khác. Anh Cang nói, ý kiến của anh đúng, chúng tôi nghe, ý kiến của anh sai, chúng tôi không nghe. Anh Quang và anh Kỳ nói: chúng tôi nghĩ rằng ý kiến của các anh được chúng tôi tôn trọng nhưng quyền ra quyết định là của chúng tôi. Tôi không biết lời khai của các anh với CQĐT như thế nào, nhưng tôi khẳng định 100% lời khai của tôi, bảo đảm bằng danh dự của tôi.

Với cơ cấu cổ đông của ACB, tôi không thể chi phối hay lũng đoạn ACB.

Đi vào chi tiết 2 hành vi bị truy tố tội cố ý làm trái, khi bàn mua cổ phiếu ACB, mọi người đều ý thức được là không được tự mua nên chỉ bàn mua các cổ phiếu khác. Khi giao trách nhiệm cho tôi triển khai, tôi đã thông báo nội dung cấp hạn mức đầu tư cho ACBS được ACBS thể hiện bằng kết luận ký tại cuộc họp. Anh Chung có lời khai khác. Tôi thông cảm với anh Chung, tôi biết sức ép anh Chung phải chịu. Tại ACB, ACBS, mọi ý kiến đều phải thể hiện bằng văn bản. CQĐT mà đưa ra được văn bản nào thể hiện tôi chỉ đạo mua cổ phiếu ACB thì tôi nhận tội ngay.

Việc chỉ đạo mua cổ phiếu ACB là tôi với tư cách chủ tịch của ACI và ACI Hà Nội, không có liên quan đến các chức danh tôi đang giữ tại ACB. Anh Toàn làm với tư cách trợ lý của tôi chứ không phải phó tổng giám đốc ACB.

Khi làm hợp đồng hợp tác kinh doanh của ACBS với 2 công ty này, không có chữ nào nói hợp tác để mua cổ phiếu ACB. Để tránh nhầm lẫn, tôi ra lệnh giám đốc 2 công ty này thanh lý, ký thỏa thuận rõ ràng danh mục hợp tác không có cổ phiếu ACB. Các khoản phải trả đều bằng tiền, không phải bằng cổ phiếu ACB. Thực tế, ngày 30/6/2010 không còn ràng buộc nào giữa ACBS và ACB đến việc đầu tư của ACI và ACI Hà Nội. 

Việc cung cấp cho vay liên ngân hàng đối với KienLongBank hay VietBank không phải chỉ năm 2009 mà là trong một thời gian dài, vì ACB đã được phê chuẩn là đối tác chiến lược, cổ đông chiến lược của 2 ngân hàng này. Việc cấp tín dụng liên ngân hàng này chẳng liên quan gì đến việc mua trái phiếu của 2 ngân hàng này. Cáo trạng nói, vì phát sinh những khoản lỗ từ hoạt động này, tôi xin hỏi lỗ này ở đâu, căn cứ pháp lý nào để nói đây là khoản lỗ của ACBS? 

Cách tính thiệt hại của ACB vô lý kinh ngạc. Ví dụ tiền ACB huy động được, nếu không sử dụng được, phải trả lãi, thì việc gửi liên ngân hàng đem lại thu nhập rất lớn cho ACB. 

Tôi không hiểu vì sao CQĐT cứ ép buộc đổ lỗi đây là lỗi của ACB. Cổ phiếu ACB thuộc sở hữu của ACI và ACI Hà nội, và 2 công ty này đã đầu tư vào cổ phiếu này từ lâu, không phải là sở hữu của ACB nên lời lỗ của những công ty này là của 2 công ty này chứ không phải của ACB. Việc ép thiệt hại cho ACB là “một cách tính thô thiển về số học” chứ không tuân theo các quy luật kinh tế.

Ông Kiên cho biết, khi khai thác, CQĐT nói những người khác đã khai hết rồi, tại sao còn một mình ông không nhận tội? Ông Kiên nói vì danh dự, không thể nhận tội khi không phạm tội và làm ảnh hưởng đến người khác.

16:57 Bầu Kiên xin gặp bầu Long

16h40, sau giờ giải lao, ông Kiên tiếp tục bào chữa tội lừa đảo.

Ông Huỳnh Quang Tuấn dù là bị can nhưng có thể làm chứng cho tôi vì cuộc họp đó có tham dự.

Tôi có ý thức chiếm đoạt không? Nếu có ý đó thì vì sao khi về nước tôi phải ứng 53 tỷ còn lại trên tài khoản, trả cho anh Dương khi tôi phát hiện ra sai sót. Tôi dặn Yến tuyệt đối không được sử dụng số tiền này. Điều đó cho thấy tôi không hề có ý lừa đảo. Việc này cũng không ghi trong cáo trạng. Khi tôi bị bắt, số tiền này không còn.

Tôi không chiếm đoạt 264 tỷ này. Tôi làm thủ tục tạm ứng của công ty tuân thủ đúng quy định nội bộ cũng như quy định của pháp luật. Tạm ứng vì hoạt động kinh doanh chứ không phải vì chi tiêu riêng. Để làm tăng tình tiết phạm tội, trong cáo trạng còn ghi tôi rút tiền. Tôi không bao giờ chi tiêu gì bằng tiền mặt tại hơn 100 công ty mà tôi quản lý. Mọi khoản chi phải được sử dụng trên hệ thống tài khoản, không cá nhân nào có thể rút tiền mặt chi tiêu.

Tôi không có động cơ chiếm đoạt, nếu không tôi đã không ứng tiền từ tài khoản của em gái tôi để trả cho Hòa Phát. Người kinh doanh như tôi, không bao giờ chiếm đoạt tiền rồi lại dùng số tiền lớn hơn rất nhiều để chuyển cho đối tác. Đây là chứng cứ cần được đánh giá đầy đủ về động cơ chiếm đoạt.

Quan hệ của tôi với anh Long cũng như ban lãnh đạo Hòa Phát không phải một sớm một chiều. Đó là quan hệ đã nhiều năm, từ khi Hòa Phát mới thành lập cho đến khi hùng mạnh như ngày hôm nay. Tôi không thể có ý đồ chiếm đoạt tiền của Hòa Phát. Đây chỉ có thể nhìn nhận là sai sót của anh Hà, sai sót nhỏ của anh Thanh và chị Yến vì đã không cho tôi biết về văn bản đã ký xác nhận của Hòa Phát.

Trước khi bị khởi tố, tôi nói rõ chúng tôi ký kết hợp đồng trên cơ sở thỏa thuận với nhau, có sai sót nhưng không có sự khiếu kiện. Đến giờ tôi vẫn không tin là Hòa Phát kiện tôi. Tôi khẩn thiết đề nghị cho anh Long nêu ý kiến. Hòa Phát có kiện tôi không? Tố cáo tôi không? Hay Hòa Phát chỉ có đề nghị hỗ trợ họ? 

Tôi chỉ xin gặp anh Long trong vài phút để chúng tôi có cách giải quyết nhưng cơ quan điều tra gây khó khăn. 

Tôi đã đề nghị giải quyết theo 2 hướng là Hòa Phát nhận lại cổ phiếu trong tài khoản của em gái tôi và khi nào bán được số cổ phiếu phong tỏa chúng tôi sẽ trả lại tiền, thứ hai là Hòa Phát phong tỏa số cổ phiếu của em gái tôi lại và chờ khi công ty bán được cổ phiếu, trả lại tiền mặt cho Hòa Phát. NHưng CQĐT nói đây là tang vật vụ án, gây khó khăn cản trở cho các bên trong việc giải quyết.

Tôi đã từng yêu cầu thay đổi điều tra viên vì điều tra viên này đã không làm đúng chức năng, vì đó mà bản chất vụ việc đã bị nhìn nhận khác, các hành vi đã bị đánh giá khác, ảnh hưởng đến danh dự của tôi và 2 nhân viên của tôi. Đây là sự cố ý của cơ quan điều tra.

VKS đã không nêu đến văn bản của MTV thép Hòa Phát có nội dung công ty này không tố cáo, khởi kiện tôi hay yêu cầu tôi đền bù thiệt hại. Công ty này xác nhận sai sót là do nhân viên bên Hòa Phát gây ra. Không hiểu lý do gì không được đưa vào bản luận tội. Tôi đề nghị chủ tọa cho phép anh Long nói ý kiến về việc này.

16:17 Bầu Kiên: Tội lừa đảo là điều làm tôi buồn nhất

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục phát biểu:

Về nội dung 3, tội lừa đảo, đây là điều làm tôi buồn nhất. Đây là nghĩa cử tôi giúp anh Long, giúp bạn bè chứ không vì điều gì khác. Nhưng trong tất cả hồ sơ đều không cho chi tiết này vào. Ngay tại tòa, anh Long đã thừa nhận 3 nội dung tôi thỏa thuận với anh Long.

Hành vi thứ nhất, thỏa thuận của tôi với anh Long là thỏa thuận của 2 chủ tịch, dù bằng lời nói thì cũng được công nhận tại điều 74. Tôi chưa bao giờ từ chối nghĩa vụ thực hiện của tôi cũng như công ty ACBI với Hòa phát. Tôi mong HĐXX cho anh Long nói vì anh Long muốn nói nhiều lần mà HĐXX chưa cho nói.

Hành vi thứ hai, VKS kết luận rằng việc ký các biên bản họp HĐQT là khống, tôi đồng tình với trình bày của Luật sư, chỉ khẳng định đây là văn bản thật 100%. 

Hành vi thứ 3, tôi ký nháy trên bản hợp đồng. Tại các trang khác thiếu chữ ký nháy của tôi , tôi rất cẩn thận với chữ ký của mình. Trước đây pháp chế của Hòa Phát viết rằng không thế chấp, tôi nói không đúng, họ đã sửa lại theo đúng pháp luật từng câu từng chữ.

Thứ 4, các anh có trách nhiệm tại Hòa Phát có biết về việc phong tỏa không. Tôi không tranh luận nhưng tôi chỉ nói tôi đã rất kiên nhẫn chịu đựng nhiều áp lực để không đẩy bạn bè tôi ở Hòa Phát vào vòng lao lý. Nếu tôi không chịu đựng thì có thể anh Dương đã bị bắt giam.

Thứ 5, tại ACBI, tôi là đại diện 70% vốn góp, đại diện cho ACB, anh Thanh đại diện hợp pháp của ACB. Khi đưa ra một quyết định, đòi hỏi phải được sự thông qua của cả 2 người.

Thứ 6, về việc nhận tiền và sử dụng tiền, anh Thanh đã nói chính xác rằng khi ký chi tiền thì phải nhận được chỉ đạo của tôi bằng văn bản. Tôi đã phê duyệt bản chi tài chính trước khi Hòa Phát chuyển tiền.

Thứ 7, khi biết về sai sót trong việc thi hành, hành xử của tôi là gì? Tôi đã nhiều lần yêu cầu ACB họp với tôi để làm rõ tài sản thế chấp, không phải 1 lần. 

Ông Kiên đưa ra chứng cứ về việc hành xử của mình là sổ tay ghi chép của bà Lâm về số cổ phiếu làm tròn của Thép Hòa Phát, việc công ty đề nghị thanh lý tài sản thế chấp và bán cổ phiếu này, đánh giá danh mục tài sản thế chấp mới. Theo ông Kiên, điều đó chứng minh ông Kiên không bao giờ có ý định lừa đảo.

Chủ tọa yêu cầu nghỉ giải lao.

16:03 Ông Kiên đề nghị VKS chỉ ra DN sai tại điểm nào của các quy định về thuế

Sau phát biểu về tội kinh doanh trái phép, ông Kiên nói về tội trốn thuế.

Chuyển sang tội trốn thuế, tôi biết ngay từ đầu là sẽ áp đặt tôi tội trốn thuế, vì sao? 
(đường truyền sang phòng phóng viên trục trặc)

Tôi luôn nói rằng vào ngày 25/12/2008, tôi hoàn toàn không biết rằng 6 tháng Quốc hội sẽ có 1 nghị quyết liên quan đến thuế. Tôi là một công dân không thể biết chương trình và nội dung Quốc hội sẽ thông qua. Đây là sự áp đặt, chụp mũ, vu khống ảnh hưởng đến cá nhân tôi, xúc phạm đến danh dự nước CHXHCN Việc nam.

Đến hôm qua, đại diện VKS nói rằng đây là một hoạt động trá hình. Căn cứ vào yếu tố nào để nói? Hợp đồng này được ký kết giữa 2 bên là hợp đồng dân sự, không ai nói rằng bị áp lực, không có năng lực hành vi, không có gì thể hiện là trá hình. Hợp đồng này được ký nếu có thua thiệt xảy ra thì em gái tôi là người thua thiệt, tôi là thua thiệt vì tôi nói sẽ hỗ trợ em nếu rủi ro xảy ra. Khi em tôi thua lỗ thì cá nhân chúng tôi đã phải bỏ tiền vào bù đắp trước khi mọi người đặt vấn đề đây là hợp đồng trái hình.

Trong trường hợp hợp đồng này bị tuyên vô hiệu thì nghĩa vụ phát sinh thuế từ hợp đồng này thế nào?

Thứ nhất, đại diện cục thuế cho rằng không nhận được phụ lục hợp đồng của em gái tôi nên mới có ý kiến như thế, nếu nhận được thì có ý kiến khác. 

Thứ hai, văn bản pháp quy nên lấy ý kiến NHNN nhưng dùng ngay văn bản để áp đặt là …

Thứ 3, trong bất kỳ trường hợp nào xảy ra, B&B sẵn sàng kê khai theo tổng cục thuế. B&B cũng không phải nộp thuế thì theo luật. Thu nhập tính thuế tính từ 1/1 đến 31/12 bằng thu nhập trừ đi các chi phí phát sinh, nhân với thuế suất. Vào 31/12/2009 nếu B&B phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hợp đồng nói trên thì được trích lập dự phòng rủi ro về trạng thái vàng và phát sinh lỗ nên không phải nộp thuế. Tôi yêu cầu giám định viên Bộ tài chính giám định lại toàn bộ hoạt động của B&B vì bản giám định có những yếu tố loại trừ.

Thứ tư, hành vi trốn thuế được xác định như thế nào? Phải được căn cứ vào điều 108 luật thuế liên quan. Tôi đề nghị xác định trong Điều 108 đó, B&B sai ở đâu, vi phạm nội dung nào? VKS đã trích dẫn sai, vì NQ 32 của Quốc hội có giá trị tức thời, sau đó Chính phủ có NQ và Bộ Tài chính có một thông tư hướng dẫn thực hiện NQ32 với nội dung nếu các đơn vị nào trong 6 tháng đầu năm đã phải nộp thuế trước thì sẽ được nhà nước thoái thu. Vào ngày B&B chuyển tiền cho Hương không vi phạm bất kỳ quy định nào về thuế.

VKS nêu điều luật nhưng không nêu nội dung điều luật chỉ ra DN sai tại điểm nào của các quy định luật, là sai quy trình tố tụng. Nếu VKS chỉ ra được cụ thể, tôi sẽ nhận tội ngay. Nhưng tôi không sai bất kỳ quy định nào.

15:32 Bị cáo Nguyễn Đức Kiên: Có nhiều căn cứ khẳng định tôi không phạm tội kinh doanh trái phép

Được HĐXX cho phát biểu trong buổi chiều nay 29/5, trước khi phát biểu, ông Kiên nêu ý kiến xin HĐXX kiên nhẫn nghe trình bày của mình và nếu trích dẫn có gì sai sót thì HĐXX nhắc nhở.

Ông Kiên nói:

Khi tôi nhận được lệnh bắt vì tội kinh doanh trái phép,trời đất như sụp đổ. Tôi không thể tin rằng minh kinh doanh 30 năm nay mà lại bị bắt vì tội kinh doanh trái phép. Tôi không kinh doanh trái phép và không làm ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ của đất nước. CQĐT đãghi không đúng bản chất sự việc. 
Tôi là chủ sở hữu của B&B, ACI Hà Nội, ACBI, câu này sai vì tôi chỉ là đại diện phần vốn góp và đồng chủ sở hữu.

Nội dung 2 nói rằng các công ty này không có chức năng kinh doanh tài chínhnhưng mua cổ phần của ngân hàng khác. Cái này cũng sai vì đây là hoạt động đầu tư không phải hoạt động kinh doanh, thể hiện ở mục 4, mục 2 luật DN và Điều 21 Luật đầu tư. CQĐT đã nhầm khái niệm một cách cơ bản.

Nội dung 3 việc các công ty này phát hành trái phiếu bán cho ACB tạo ra tiền ảo ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, là sai. Các công ty này đã thực hiện đúng việc phát hành trái phiếu bán trái phiếu, thế chấp… đúng quy định không tạo ra vốn ảo mà là vốn thật để góp vốn vào các NH nhằm đảm bảo cho các NH tăng kịp vốn điều lệ theo quy định của NHNN trước 2010.

Tôi xin đọc đơn kêu oan, để những người quan tâm đến phiên tòa, quan tâm đến tôi có thể hiểu tôi muốn chứng minh điều gì.

Đơn tôi gửi cho ông Nguyễn Phú Trọng – tổng bí thư, Trương Tấn Sang – chủ tịch nước, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Bá Thanh, chánh án TAND tối cao…

Nội dung: Căn cứ điều 31 Hiến pháp VN, quyền công dân của tôi vẫn đầy đủ cho đến ngày hôm nay, nhưng trong suốt quá trình bị bắt, đơn của tôi vẫn chưa được gửi đi.

Tôi đề nghị HĐXX xem xét các công ty tôi thành lập có hợp pháp không? Không hợp pháp thì vi phạm như thế nào?

Thứ hai, nếu như còn ai băn khoăn 6 công ty này chỉ do phòng đăng ký kinh doanh của thành phố cấp, liệu có sai không. Tôi đã kinh doanh 30 năm, các công ty này đều đang hoạt động an toàn hiệu quả tạo công ăn việc làmcho lao động, đóng thuế cho nhà nước. Nếu như ai đó băn khoăn rằng ngoài ra ông Kiên còn làm gì ngoài không? Còn 7 cơ quan đăng ký kinh doanh đã cấp giấy phép cho các hoạt động kinh doanh của tôi.

Công ty Thiên Nam được thành lập do sự đồng ý của thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong giấy phép không có đăng ký kinh doanh tài chính.

Bộ KHĐT cấp giấy phép ĐKKD cho 2 công ty này. Tôi rất buồn vì nghe LS thông báo ACBI đã thoái vốn khỏi 2 công ty này vì lý do gì tôi không biết. Về đăng ký kinh doanh,theo tổng cục thống kê là phải theo mã đăng ký 4990 nào đó, tôi đã đọc kỹ và thấy là không có dòng nào về việc này.

Trên đường dẫn giải, tôi được nghe trên Đài TNVN về nội dung làm việc của Quốc hội trong ngày, trong đó có nội dung xóa bỏ ngành nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện. Nếu Quốc hội thông qua thì đây là sự hàm ơn lớn nhất đối với tôi.

Tôi đã đề nghị mời đại diện VCCI vì chúng tôi, những hội viên của VCCI và Hiệp hội ngân hàng VN, khi rơi vào tình cảnh này thì các đại diện này phải có ngay ý kiến của mình, vì việc này liên quan đến cả hệ thống DN Việt Nam.

Chỉ những người nhận thức sai lầm mới quy kết tôi về tội kinh doanh trái phép. Tôi mong HĐXX cho biết việc đăng ký kinh doanhhoạt động đầu tư góp vốn được quy định cụ thể tại đâu?

Tôi bị truy tố vì tội kinh doanh vàng trái phép tại Thiên Nam. Tôi chỉ minh chứng rằng tôi không kinh doanh vàng trái phép tại Thiên Nam. Luận cứ thứ nhất, các quy định của Pháp luật về việc công ty Thiên Nam đầu tư vào giá vàng.

(Ông Kiên cầm bản hợp đồng Thiên Nam ký với VietBank có xác nhận của ACB để đọc lại chính xác)

Theo đó ông Kiên chỉ là người đặt lệnh hộ. Việc đặt lệnh qua điện thoại được quy định tại khoản 4, tên người đặt lệnh bỏ trống.

“Trên tay tôi là một số phiếu lệnh ủy thác ghi rõ tên người ỷ thác là ông Chung, trách nhiệm của tôi là giúp ông Chung thông báo lệnh của ông Chung đến ACB, để trong trường hợp có tranh chấp giữa ACB với Thiên Nam …“ (Tòa ngắt lời vì đã hỏi rồi, đã hiểu rồi).

Nếu xác định là sản phẩm tài chính thì Thiên Nam đã kinh doanh vàng trạng thái, là một sản phẩm phái sinh nên không sai. Dù xác định đây là việc mua bánvàng hàng hóa thì cũng không sai vì Thiên Nam có đăng ký kinh doanh hàng hóa, không phải tất cả các loại vàng đều thuộc phạm vi phải đăng kýkinh doanh có điều kiện.

Đó là căn cứ khẳng định tôi không phạm tội kinh doanh trái phép.

15:22 Các bị cáo xin HĐXX xem xét lại về các tội danh

14h55, ông Trịnh Kim Quang trình bày ý kiến. 

Liên quan đến việc ủy thác, theo ông Quang, trong trường hợp phải quy trách nhiệm mà quy trách nhiệm cho một người vì tội của người khác thì không thuyết phục. Ở ACB có sự phân công trách nhiệm rất rõ. Trước khi ra một văn bản nào đó đều phải xin ý kiến của ban Kiểm soát và kiểm toán tuân thủ, khi 2 bộ phận này đồng ý văn bản là phù hợp pháp luật thì HĐQT mới ký. 

Về việc đầu tư cổ phiếu, bàn và kết luận là 2 vấn đề khác nhau. Kết luận là chỉ đạo của HĐQT còn những việc đã bàn không phải là chỉ đạo. Những lời bàn trong giờ giải lao về việc mua cổ phiếu ACB làm cổ phiếu quỹ cũng không phải là một việc làm trái pháp luật. HĐQT ACB đã cân nhắc việc mua cổ phiếu quỹ và thấy ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn nên đã không chấp thuận phương án đó. 

“Tôi không phụ trách phạm vi này. Nhưng trong cáo trạng cũ và bổ sung đều không đưa ra tình tiết nào mới. Tôi đề nghị HĐXX xem xét tôi không chịu trách nhiệm về hành vi này”.

Đồng thời, ông Quang cũng đề nghị HĐXX xem xét về quy định “DN được làm những gì mà pháp luật không cấm”.

Khi được hỏi, ông Lê Vũ Kỳ chỉ nói ngắn gọn: Mong sự công minh của tòa án.

Ông Phạm Trung Cang trình bày ý kiến:

Về việc ký văn bản chấp thuận chủ trương cấp hạn mức 700 tỷ cho ACBS đầu tư, ông Cang dẫn lại các quy định để cho thấy là chủ trương này không có gì sai. Ông Cang cũng nhắc lại việc mình đã từ nhiệm vị trí tại ACB để chuyển sang Eximbank. 

Ông Cang xin HĐXX xem xét các tình tiết chiếu cố để ông Cang không phải chịu trách nhiệm về tội mà VKS quy kết.

 Ông Huỳnh Quang Tuấn:

“Tôi là người may mắn hơn trong số những người không may mắn. Tôi xin cảm ơn vị đại diện VKS về kết luận này. Luật sư của tôi đã trình bày đầy đủ, tôi không bổ sung thêm nhưng có 1 mong muốn khẩn thiết.

Trong kết luận điều tra trước đây, tôi không phải chịu trách nhiệm hình sự. Không có đề xuất nào của cá nhân tôi về trách nhiệm hình sự. Trong cáo trạng mới cũng không có tình tiết gì mới nhưng kết luận tôi phải chịu trách nhiệm hình sự. Tôi mong muốn HĐXX xem xét kỹ lại cho tôi.”

15:10 Ông Lý Xuân Hải: Tôi không làm vì sao bắt tôi phải chịu trách nhiệm?

Chiều 29/05/2014, phiên tòa xét xử vụ bầu Kiên tiếp tục.

14h, phiên tòa bắt đầu.

Luật sư Nguyễn Dương bảo vệ Công ty TNHH MTV đầu tư Á Châu và Công ty TNHH MTV Đầu tư và thương mại Liên Á Châu do ACBI góp vốn thành lập. LS cho biết, hiện nay vốn góp của ACBI đã chuyển nhượng sang công ty khác, tức là đến thời điểm hiện tại đã không còn liên hệ với ACBI.

LS không bào chữa cho ông Nguyễn Đức Kiên nhưng do ông Kiên bị quy tội kinh doanh trái phép trong đó có việc đầu tư của công ty ACBI của ông Kiên vào 2 công ty trên, nên LS có nghĩa vụ trình bày về tội “kinh doanh trái phép” này.

LS Dương đồng tình với các quy định mà các LS trước đó đã đưa ra để bào chữa cho tội này, trong đó LS dẫn luật Doanh nghiệp với quy định “các tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn đầu tư mua cổ phiếu của các công ty khác, là quyền đương nhiên và không phải đăng ký kinh doanh.”

LS đề nghị HĐXX chấp nhận tính hợp pháp của 2 công ty mà LS đang bảo vệ.

14h20, HĐXX cho phép bị cáo Lý Xuân Hải đứng lên nêu ý kiến.

Ông Hải đồng ý với những ý kiến bào chữa của các luật sư nhưng muốn bổ sung thêm. Theo ông Hải, việc đề xuất ủy thác gửi tiền không phải là bắt buộc bất kỳ ai mà là một “đề xuất” để xin ý kiến. Đó là trách nhiệm của một người đứng đầu trong vai trò điều hành. Về việc ký vào biên bản họp, yếu tố pháp lý của việc ký này là không sai lầm theo quyết định 742 của NHNN.

“Vào thời điểm đó chúng tôi luôn cho rằng chưa có luật hướng dẫn thi hành thì vẫn thi hành theo các văn bản cũ. Việc áp dụng như vậy trong năm 2011 không có gì là sai.”

Ông Hải dẫn ra một số ví dụ trong thực tế hoạt động của ngân hàng khi chưa có hướng dẫn của NHNN thì các NHTM vẫn thực hiện theo quy định cũ. Có những hành động mà NHNN biết nhưng không cấm, vì nếu cấm thì nền kinh tế sẽ dừng lại.

Tiếp tục nói về khoản tiền 718 tỷ, ông Hải cho rằng Vietinbank có trách nhiệm hoàn trả.

Về việc ACBS đầu tư cổ phiếu ACB, ông Hải đọc lại nghị quyết HĐQT của ACB để khẳng định lại: chắc chắn HĐQT ACB không có chủ trương đầu tư vào cổ phiếu này.

“Việc tôi không làm mà cứ bắt tôi phải chịu trách nhiệm thì không thể hiểu là như thế nào? Trời đất như thế nào?” – ông Hải tha thiết trình bày trước tòa.

Chủ tọa giải thích kết luận này của VKS là quan điểm của VKS, bị cáo nên trình bày quan điểm tranh luận của mình để HĐXX xem xét chứ không nên kêu oan nhiều.

“Tôi đã nói là tôi không hề biết gì về việc này. Tôi không chỉ đạo. Khi biết tôi đã yêu cầu dừng lại ngay. Thậm chí có chứng cứ rõ ràng là tôi không biết. Nhưng cơ quan điều tra không tin, VKS không tin! Tôi mong HĐXX xem xét” – ông Hải nói.



12:00 Luật sư của Vietinbank: ACB thiệt hại là do bị Huyền Như chiếm đoạt

Từ 10h45 - 11h30, các luật sư khác bảo vệ Vietinbank trình bày.

Theo một vị luật sư, ngày 8/11/2011, ACB có công văn tới cục cảnh sát kinh tế về việc gửi tiền tại Vietinbank. Liên tục trong các tháng trong năm 2012, ACB có đơn gửi các cơ quan tố tụng giải quyết số tiền 718 tỷ. Do đó, tại tòa hôm nay, ACB được đưa vào là nguyên đơn là có văn cứ.

Trong các đơn gửi cơ quan điều tra, ACB cũng xác định thiệt hại của mình và xác định mình là bên bị thiệt hại.

Các LS bảo vệ ACB cho rằng ACB có quyền làm những điều pháp luật không cấm, nhưng LS của Vietinbank cho rằng khi xem xét vai trò của TCTD cần hỏi: tại sao Luật DN không điều chỉnh tất cả các mối quan hệ của TCTD mà phải có thêm luật TCTD?

ACB thiệt hại là do bị Huyền Như chiếm đoạt. ACB phải hoat động theo các quy định của Luật TCTD và các văn bản của NHNN. Trong giai đoạn xảy ra vụ án này, tất cả các hành vi ủy thác gửi tiền xảy ra phải chịu sự điều chỉnh của Luật TCTD 2010. LS dẫn một trong 6 văn bản mà ACB gửi cơ quan điều tra cho thấy điều này.

Huyền Như dùng hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản của ACB. “ACB không những không biết tiền bị mất do Huyền Như chiếm đoạt mà cho rằng trách nhiệm của Vietinbank thì tôi không đồng tình”– LS trình bày.

Nhân viên của ACB cụ thể là Huỳnh Thị Bảo Ngọc thỏa thuận với Huyền Như nhận 10 tỷ đồng hoa hồng tiền gửi không phải của Vietinbank mà từ tài khoản cá nhân của Huyền Như.

“Tôi nghĩ rằng bản thân những người gửi tiền (cụ thể là Ngọc) đã nhận 2 khoản hoa hồng. 1 khoản đem về trả ACB, 1 khoản là thỏa thuận riêng với Huyền Như vì lợi ích cá nhân. Việc này gây ra những khúc mắc.”

LS đề nghị HĐXX xem xét hành vi của các bị cáo và nêu quan điểm, Vietinbank không có trách nhiệm bồi thường 718 tỷ cho ACB.

LS Nguyễn Thị Bắc bảo vệ Vietinbank bổ sung phần trình bày. Theo LS, việc ACB ủy thác cho các cá nhân gửi tiền vào Vietinbank là một hình thức che đậy mối quan hệ thực là ACB gửi tiền vào Vietinbank.

Nguyên nhân dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt tiền là do tắc trách của các nhân viên của ACB khi đến gửi tiền và tắc trách của ACB trong việc ủy thác. Người bị lừa có quyền đòi kẻ đi lừa, và kẻ đi lừa đó là Huyền Như.

Luật sư Quang bảo vệ Vietinbank trình bày, nhấn mạnh lại việc Huyền Như đã có ý định chiếm đoạt tiền từ trước và sai phạm của ACB khi ủy thác gửi tiền cho nhân viên. Không chỉ ACB mà nhiều khách hàng khác cũng đã trở thành nạn nhân của Huyền Như.

10:53 Luật sư của Vietinbank cho rằng không có căn cứ để yêu cầu Vietinbank chịu trách nhiệm trả tiền

10h25, ông Nguyễn Đức Kiên xin được tranh luận nhưng HĐXX không đồng ý.

Luật sư bảo vệ cho Vietinbank trình bày.

Cần phải đánh giá toàn diện các tình tiết. Liên quan đến việc ACB yêu cầu xem xét trách nhiệm của Vietinbank đối với khoản tiền 718 tỷ, LS cho rằng yêu cầu này không có căn cứ.

Thứ nhất, về phạm vi xét xử của vụ án, đây là vụ án sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên. Việc chứng minh có hay không có hành vi phạm tội thuộc cơ quan tố tụng. LS đồng tình với cáo trạng khi xác định số tiền này đã bị Huyền Như chiếm đoạt là phù hợp với ý thức chủ quan và thực tế.

Thứ hai, số tiền 718 tỷ thiệt hại của ACB là lỗi của ACB vì tạo cơ hội cho Huyền Như lừa đảo. ACB đã không tuân thủ pháp luật về quy định ủy thác gửi tiền. Thời điểm đó không có hướng dẫn nào về hoạt động này. Số tiền này ACB chưa thu hồi được vì Như đã chiếm đoạt mất.

Ngoài ra, việc ủy thác đem đi gửi tiền với lãi suất vượt trần là sai quy định. Theo QĐ 1284 quy định trách nhiệm của chủ tài khoản thì chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm về những sai sót của mình trong quản lý tài khoản. Còn NH là đơn vị cung cấp dịch vụ, thực hiện các việc hạch toán giao dịch. Khi các nhân viên ACB nhận ủy thác gửi tiền đã có những sai lầm ghê gớm như không nhận thẻ tiết kiệm và ACB cũng không yêu cầu các nhân viên này giao lại thẻ tiết kiệm.

Các LS khác đã cho rằng 32 hợp đồng các cá nhân ký với Vietinbank là tiền gửi có kỳ hạn chứ không phải hợp đồng gửi tiết kiệm, điều này phải xem xét lại.

LS bảo vệ Vietinbank đã trích lại lời khai của bị cáo Lê Vũ Kỳ về việc ACB làm lại hồ sơ, ký lại hợp đồng ủy thác để chữa cháy việc làm sai quy trình.

Thứ ba, Huyền Như đã có ý chiếm đoạt tiền từ đầu. Lúc đó Huyền Như đã thực hiện việc này với vai trò quyền trưởng phòng giao dịch, trong khi tại Vietinbank, khách hàng đến gửi tiền tiếp xúc với giao dịch viên.

Vietinbank không hề biết các hành vi của Như, không có chủ trương về các khoản huy động vượt trần nên không bị thiệt hại và không hưởng lợi gì với khoản tiền này. Vietinbank không gây ra, không có lỗi với thiệt hại của ACB nên không có trách nhiệm với khoản này. Hậu quả thiệt hại của ACB là từ chủ trương ủy thác gửi tiền mà ra.

10:15 Lý giải được nguyên nhân mất 718 tỷ đồng mới gỡ rối được vấn đề của vụ án

9h50, Luật sư Đức dẫn lại những quy định về hạch toán kế toán giao dịch tiền gửi trong ngân hàng để chứng minh số tiền 718 tỷ được giao dịch và hạch toán đúng quy trình.

Theo LS, 32 hợp đồng tiền gửi là cụ thể chứ không phải hợp đồng nguyên tắc. Huyền Như hay bất kỳ ai tại Vietinbank nhận tiền gửi của khách hàng là thay mặt cho Vietinbank. LS Đức nói:

“Mọi người chỉ quan tâm là tiền đã mất. Nhưng cơ bản nhất là tại sao lại mất, người nào làm mất, mất như thế nào. Lý giải những điều này mới gỡ rối được các vấn đề của vụ án".

LS Đức cho biết, Vietinbank đã báo cáo với CQĐT: “Sau khi sự việc xảy ra Vietinbank đã rà soát toàn bộ hệ thống, đối chiếu 100 tài khoản tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh Hồ Chí Minh cho thấy không có rủi ro nào từ các hoạt động tiền gửi ngoại trừ các khoản tiền gửi có thỏa thuận lãi suất vượt trần.”

Theo LS, việc mất tiền hoàn toàn do nội bộ Vietinbank gây nên nhưng đã đổ hết rủi ro cho khách hàng trong khi việc gửi tiền không vi phạm quy định nào.

Huyền Như nếu có ý đồ lừa đảo từ trước thì chỉ có 1 biểu hiện là đánh tráo 2 bộ hồ sơ. Thực tế trong biên bản hỏi cung, Huyền Như đã khai rằng “thực tâm tôi không có ý định chiếm đoạt số tiền này. Nhưng trong thời gian sau đó, áp lực trả nợ quá lớn mới khiến tôi nảy sinh ý đồ và thực hiện các hành vi”. LS cho rằng tại các phiên tòa sau, Huyền Như đã thay đổi lời khai vì một lý do nào đó.

Vì vậy, Vietinbank phải trả lại tiền vì đã ký hợp đồng tiền gửi, sử dụng tiền gửi, quản lý tiền gửi với hàng nghìn khách hàng khác. Vietinbank đã quản lý lỏng lẻo để sử dụng thẻ tiết kiệm giả khiến tội phạm rút được hàng trăm tỷ đồng. Là NH cung cấp dịch vụ Vietinbank không thể chối bỏ trách nhiệm kiểm soát các khoản thanh toán của khách hàng. Việc Vietinbank để tội phạm rút tiền không phải chỉ xảy ra tại CN do Huyền Như quản lý mà còn tại nhiều CN, trong những khoảng thời gian khác, và cả khi Huyền Như không còn làm việc.

Theo LS, dù người gửi tiền có thực hiện các thủ tục đầy đủ chặt chẽ bao nhiêu nữa thì cũng không làm thay đổi được thực tế vì tiền gửi đã bị nhân viên Vietinbank làm mất. Việc này nằm ngoài tầm kiểm soát và trách nhiệm của người gửi tiền. Sau này, người gửi tiền tại Vietinbank có theo dõi chặt chẽ tài khoản của mình hàng ngày hàng giờ thì cũng chỉ có thể phát hiện sau khi sự việc xảy ra.

Việc mất tiền là do Vietinbank bị Huyền Như lừa đảo. Theo luật Tố tụng hình sự 2004, ACB có quyền kiện tiếp tục đòi Vietinbank. ACB sẽ vẫn tiếp tục yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm trả lại tiền.

LS đề nghị HĐXX xây dựng lại các hướng dẫn về pháp luật, gây ra sự tù mù trong thi hành…

09:30 Luật sư cho rằng kết tội ông Nguyễn Đức Kiên 4 tội là không đúng, ACB không làm trái 

9h00, đến lượt luật sư Vũ Xuân Nam đọc phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên. Luật sư nhấn mạnh vào việc Vietinbank trốn tránh trách nhiệm trong việc trả lại 718 tỷ cho ACB bằng cách “đánh tráo khái niệm quản lýtài khoản và khái niệm quản lý tài sản”. 

“Điều kỳ lạ là cơ quanđiều tra không có động thái thu hồi số tiền 718 tỷ đồng bị chiếm đoạt, khác với động thái thu hồi số tiền 264 tỷ đồng mà ông Kiên bị quy kết làlừa đảo để chiếm đoạt của tập đoàn Hòa Phát” – LS Nam nêu ý kiến.

9h23,Luật sư Nam tiếp tục trình bày sau khi Chủ tọa nhắc nhở chỉ nêu những vấn đề trọng tâm. Chủ tọa tóm tắt lại, nói chung ý của Luật sư cho rằng kết tội ông Nguyễn Đức Kiên 4 tội là không đúng. 

9h30, Luật sư Trương Thanh Đức đại diện cho Ngân hàng ACB trình bày.

Theoluật sư, ACB không phải là nguyên đơn dân sự. Vì thứ nhất, đối với khoản tiền 718 tỷ, ACB đang có đơn kiện yêu cầu Vietinbank hoàn trả nên chưa thể đánh giá là thiệt hại. Thứ hai, ACB không có đơn yêu cầu ai phải bồi thường số tiền 687 tỷ mà cáo trạng đánh giá là thiệt hại từ chủtrương đầu tư vào cổ phiếu ACB của 6 lãnh đạo. Vì vậy không thể bắt ACBphải nhận thiệt hại và nhận bồi thường.

ACB không làm trái luật khi mà NHNN chưa có hướng dẫn về quy định ủy thác và nhận ủy thác của TCTD.

Trong buổi sáng nay, đường truyền hình tới phòng của phóng viên tác nghiệp liên tục bị gián đoạn do trục trặc kỹ thuật.

09:17  Luật sư đề nghị tuyên bố vô tội đối với bị cáo Lê Vũ Kỳ

Ngày 29/05/2014, phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm bước sang ngày thứ 9, tiếp tục với phần tranh luận của các Luật sư.

8h20, phiên tòa bắt đầu với phần trình bày của Luật sư Phùng Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Kỳ. Luật sư đề nghị tuyên bố vô tội đối với bị cáo này.

8h40, Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên và Luật sư Nguyễn Minh Tâm bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Cang. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét, đánh giá lại tội của bị cáo này.

Trước đó, tại phiên tòa sáng ngày 27/5, Viện Kiểm sát đã đề nghị các hình phạt cho bị cáo Lê Vũ Kỳ là 7 - 8 năm tù giam và bị cáo Phạm Trung Cang 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.



TÓM TẮT NỘI DUNG CÁC PHIÊN TÒA XỬ BẦU KIÊN TỪ SÁNG 20/5 ĐẾN NGÀY 28/5



Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên sáng 20/5

Phiên tòa xét xở sơ thẩm bầu Kiên và 8 đồng phạm được mở trở lại sau khi tạm hoãn ngày 16/4. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 5/6. Tòa án quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá do bệnh nặng và đang rất yếu

Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên chiều 20/5

Các bị cáo đều cho rằng các tội danh bị truy tố là không chính xác, không thỏa đáng. Tòa xét hỏi 2 nhân viên dưới quyền của ông Kiên là bà Yến và ông Thanh về hoạt động đầu tư tài chính của ACBI


Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên sáng 21/5

Tòa xét hỏi về hoạt động mua bán cổ phiếu thép Hòa phát, về kinh doanh vàng

Bầu Kiên khẳng định nhiều người biết cổ phiếu thép Hòa Phát đã bị thế chấp.Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long trong khi đó khai là không biết.

Về kinh doanh vàng, bầu Kiên khẳng định chỉ kinh doanh giá vàng chứ không kinh doanh vàng hay vàng trạng thái

Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên chiều 21/5

Tòa xét hỏi về hoạt động kinh doanh của ACBI

Các cơ quan né tránh trách nhiệm trả lời về hoạt động kinh doanh của công ty bầu Kiên. ÔngKiên đề nghị triệu tập đại diện VCCI và mời bà Phạm Chi Lan làm nhân chứng trả lời vì tất cả các cơ quan mà Tòa đã hỏi đều khôngđủ thẩmquyền để trả lời về vấn đề của ông


Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên sáng 22/5

Tòa xét hỏi về hoạt động kinh doanh của ACB, công ty B&B, hoạt động ủy thác đầu tư

Bầu Kiên tay cầm các văn bản, tự bào chữa trước tòa bằng việc dẫn quy định pháp luật và chỉ ra các sai sót của cơ quan điều tra

Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên chiều 22/5

Tòa thẩm vấn về ủy thác đầu tư tiền gửi, về hoạt động kinh doanh của các công ty con

Các nguyên lãnh đạo ACB khẳng định ủy thác gửi tiền là không trái luật; Bầu Kiên và gia đình ông Trần Mộng Hùng là cổ đông lớn, giữ trên dưới 30% cổ phần nên có tiếng nói quyết định; Ông Kiên tiếp tục tự bào chữa bằng những dẫn chứng từ các luật, yêu cầu gửi khiếu nại lên Tổng Bí thư, ông Nguyễn Bá Thanh...


Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Bầu Kiên sáng 23/5

Tòa thẩm vấn về việc ủy thác tiền gửi của ACB tại Vietinbank

-NHNN khẳng định trước khi luật các TCTD 2010 có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 thì không có luật nào quy định về ủy thác gửi tiền, nhưng giữ nguyên quan điểm ngân hàng đem tiền đi gửi vào ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao hơn là vi phạm luật TCTD.

- Kế toán trưởng ACB và người được toàn quyền đi liên hệ với đại diện Vietinbank để gửi tiền đều khai không biết Huyền Như.

- Huyền Như khai cố tình chiếm đoạt 718 tỷ đồng của ACB do ngân hàng này có nhiều sơ hở

Nội dung phiên tòa xử sơ thẩm vụ Bầu Kiên chiều 23/5

Tòa xét hỏi về việc gửi tiền tại Vietinbank và đầu tư cổ phiếu ACB

Huyền Như và Vietinbank cho rằng do ACB quản lý lỏng lẻo nên tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt tài sản. Phía ACB khẳng định nhân viên ngân hàng giaodịch với Huyền Như với tư cách pháp nhân nên Vietinbank phải trả tiền.

Các bị cáo khẳng định việc đầu tư của ACBS không sai chủ trương. Tiền mua cổ phiếu ACB không phải của ACB mà của Vietbank. Việc hợp tác đầu tư với các đơn vị khác không sai.


Nội dung phiên tòa xét xử sáng 24/5

Hỏi về hoạt động ủy thác gửi tiền tại Vietinbank

Đại diện NHNN có mặt trả lời về các vấn đề liên quan tới hoạt động ngân hàng tuy nhiên hầu hết các câu trả lời là không biết, không nhớ hoặc xin không trả lời. Đại diện Vietinbank và luật sư đối đáp căng thẳng xung quanh vấn đề trách nhiệm của Vietinbank với tài sản của khách hàng.

NguyênTGĐ ACB khẳng định kiểm tra các chứng từ thì tiền của nhân viên ACB gửiđã vào hệ thống Vietinbank. Bầu Kiên đề nghị kiểm tra hệ thống của NHNNlà biết tiền đã vào hay chưa.


Nội dung phiên tòa sáng 26/5

Tòa tiếp tục thẩm vấn về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, ủy thác gửi tiền của các bị cáo.

- Bầu Kiên tiếp tục kêu oan, chỉ ra các sai sót của Bộ Tài chính, đồng thời xin miễn tội cho 2 bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến. 

- Đại diện ACB và ACBS khẳng định việc hợp tác đầu tư với ACI không gây thua lỗ như cáo trạng nêu.

- VietBank khẳng định việc đầu tư trái phiếu ACBS và ACI là hợp pháp. Hiện trái phiếu ACBS đã tất toán còn trái phiếu ACI cho gia hạn vì kinh doanh tốt.

- ACB kiên quyết đòi Vietinbank chịu trách nhiệm với 718 tỷ đồng tiền gửi và phải làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của Huyền Như.

Nội dung phiên tòa chiều 26/5

- Ngân hàng ACB tiếp tục đòi Vietinbank chịu trách nhiệm chứ không phải cá nhân Huyền Như. Vietinbank khẳng định đó là trách nhiệm của Huyền Như, do ACB sơ hở nên bị chiếm đoạt tài sản.

- Ông Kiên cho rằng ông không thiếu tiền để phải đi lừa đảo ai và không tin ở Việt Nam có aicó thể lừa được ông Trần Đình Long chủ tịch tập đoàn Hòa Phát. Ông Longxin giải thích về câu trả lời về cổ phiếu thế chấp đã nói hôm 21/5 nhưng không được tòa đồng ý.

- Đại diện NHNN khẳng định cho đến nay vẫn chưa có quy định nào về việc ủy thác sai.


Nội dung phiên tòa sáng ngày 26/5

Nửa buổi sáng, luật sư và Hội đồng xét xử hỏi các bị cáo và người liên quan về các hành vi trốn thuế, ủy thác gửi tiền. Tòa cũng kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh tụng.

Viện kiểm sát đề nghị các hình phạt cho các bị cáo gồm: Nguyễn Đức Kiên 30 năm tù giam; 
Trần Ngọc Thanh 9 - 10 năm tù; Nguyễn Thị Hải Yến 7 – 8 năm; Lý Xuân Hải 12 -14 năm và cấm đảm nhiệm, điều hành các TCTD từ 3-5 năm sau khi ra tù; Lê Vũ Kỳ 7 – 8 năm tù; Trịnh Kim Quang 6- 7 năm tù; Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm.

Nội dung phiên tòa xử chiều 27/5

Tòa bước sang phần tranh tụng. Các luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên tội lừa đảo và kinh doanh trái phép

Các luật sư đều cho rằng, các mức phạt mà Viện kiểm sát đề nghị (ông Kiên 30 năm tù; ông Thanh 9 -10 năm; bà Yến 7 – 8 năm) là quá nặng và cho rằng buộc tội lừa đảo là không thỏa đáng vì các hành vi của các bị cáo chỉ là hành vi chứ chưa cấu thành tội, hơn nữa Hòa Phát đã nhận đủ 264 tỷ đồng tiền mua cổ phiếu chuyển cho ACBI và thừa nhận sai sót nên không xác định được đối tượng bị lừa.

Về tội kinh doanh trái phép, luật sư cũng cho rằng không thỏa đáng với ông Kiên, và rằng nếu ông Kiên bị truy tố tội kinh doanh trái phép thì về sau, CQĐT có thể khởi tố bất kỳ ai tham gia đầu tư chứng khoán trên thị trường và bất kỳ DN nào đã đầu tư góp vốn vào DN khác.

Ông Kiên xin tự bào chữa cho mình nhưng không được chấp thuận, HĐXX yêu cầu ông Kiên có thể bào chữa sau luật sư.


Nội dung phiên toà xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên sáng 28/5

Luật sư đề nghị xem xét lại kết luận các bị cáo vi phạm tội danh cố ý làm trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, luật sư đề nghị bác bỏ quy kết tội trốn thuế với ông Kiên.

Nội dung phiên tòa xét xử chiều 28/5

Các luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại những thiệt hại của ACB thực sự là từ đâu và không nên tách vụ án Huyền Như ra khỏi vụ án này.

Luật sư cũng cho rằng các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB không có đủ yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Hải Minh - Nguyễn Hằng

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM