Lạ lùng 'Trung tâm hỗ trợ người nghèo' hành nghề kiểu lừa đảo?

12/11/2015 09:05 AM | Pháp luật

Liên quan việc người nghèo ồ ạt đóng tiền cho Chương trình “Trái tim Việt Nam” thuộc trung tâm Hỗ trợ người nghèo phát triển nông thôn mới, lãnh đạo trung tâm này cho rằng, họ không hoạt động đa cấp và lừa đảo. Dư luận đặt câu hỏi, nếu không kinh doanh, sản xuất, trung tâm lấy gì để hỗ trợ người nghèo và bản thân người nghèo liệu sẽ thoát nghèo bằng cách này?

Hàng chục nghìn người nộp tiền

Xung quanh thông tin hàng nghìn người ồ ạt “tự nguyện” nộp ít nhất 1,2 triệu đồng cho Chương trình “Trái tim Việt Nam” và hoạt động này bị cho là mô hình đa cấp, có dấu hiệu lừa đảo, ngày 11/11, phóng viên Tiền Phong đã liên hệ qua số điện thoại 0961.777... trên website: hotronguoingheo.vn để tìm hiểu vụ việc.

Sau khi nói rõ mong muốn tư vấn để trở thành thành viên của chương trình, lập tức, phóng viên được một người đàn ông giải đáp phải đóng 1,2 triệu đồng, kèm lời hứa khi gặp khó khăn sẽ được nhận lại 5,7 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong qua điện thoại, ông Trần Đức Trung, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Trung tâm hỗ trợ người nghèo phát triển nông thôn mới cho biết, trung tâm được thành lập từ tháng 10/2013, cơ quan chủ quản là Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam. Hiện trung tâm đã có khoảng 30 đến 40.000 thành viên tham gia. Số tiền các thành viên đóng cho trung tâm lên tới trên 20 tỷ đồng.

Ông Trung cho biết thêm, khoảng 10% số tiền trên là huy động từ các doanh nghiệp, 20% từ hoạt động kinh doanh, 70% còn lại là đóng góp của các thành viên.

Hiện trung tâm đã giải ngân khoảng hơn 20 tỷ đồng, trong đó có 14 tỷ tiền mặt được sử dụng để xây nhà tình nghĩa, trả cho các thành viên (theo tỷ lệ đóng góp 1,2 triệu đồng sẽ được nhận hơn 5 triệu đồng). Giá trị hiện vật quy ra tiền mặt khoảng trên 7 tỷ đồng. Ngoài ra, các thành viên “tự hỗ trợ nhau” hằng tháng cũng lên tới trên 20 tỷ đồng.

Người giàu nộp tiền cũng được “hỗ trợ”

Khi hỏi để trở thành thành viên của trung tâm thì cần những công đoạn nào, ông Trung cho biết, muốn tham gia thành viên hoặc làm thành viên tư vấn, trước hết cần đọc kỹ đơn và hồ sơ; cái này không thể nói qua điện thoại.

Về nội dung mỗi thành viên giới thiệu thêm một thành viên mới sẽ được nhận 500.000 đồng, ông Trung cho rằng, mục đích là để khuyến khích mở rộng thành viên song thực tế nhiều người khi nhận số tiền này đã ủng hộ trở lại chứ không nhận tiền.

Về cáo buộc hoạt động đa cấp, ông Trung nói: “Tôi rất dị ứng khi dùng từ “đa cấp”, vì chúng tôi không sản xuất, buôn bán sản phẩm. Mạng lưới rộng lớn nên chúng tôi chỉ quản lý thành viên theo mô hình đa cấp”.

Ông Trung khoe, ngoài chức danh Chủ tịch Trung tâm, ông còn là phó tổng biên tập của 1 tạp chí. Vị lãnh đạo trung tâm này cho biết, một số bài báo, phóng sự đưa tin “sai sự thật” đã khiến trung tâm bị mất uy tín, nhiều nhà hảo tâm đang tài trợ đã dừng lại.

Ngoài ra, trung tâm đã nhiều lần phải làm việc với Công an Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nội… vì thông tin phản ánh hoạt động theo mô hình đa cấp.

Ông Trung nói rằng, đã gửi đơn thư khiếu nại đến nhiều cơ quan báo, đài về những thông tin “sai sự thật”. Theo tìm hiểu của phóng viên, tại website trung tâm cũng đăng tải nhiều công văn của một số đơn vị chức năng, nhiều vị lãnh đạo và người có uy tín trong xã hội với nội dung kêu gọi ủng hộ chương trình.

Điều lạ là trung tâm có tên “hỗ trợ người nghèo” nhưng kể cả người giàu nếu tham gia thì vẫn được hỗ trợ. Đại diện trung tâm đưa ra nhiều tài liệu, giấy tờ “chứng minh” mục đích hoạt động là nhân đạo, vì người nghèo chứ không phải “kinh doanh theo mô hình đa cấp”.

Dư luận cũng đặt câu hỏi, với mục đích “hỗ trợ người nghèo” nhưng không kinh doanh, sản xuất mà chỉ tư vấn cho người nghèo “tự nguyện” đóng tiền, trung tâm lấy gì để có thể giúp họ thoát nghèo?

Sau khi nói rõ mong muốn tư vấn để trở thành thành viên của chương trình, lập tức, phóng viên được một người đàn ông giải đáp phải đóng 1,2 triệu đồng, kèm lời hứa khi gặp khó khăn sẽ được nhận lại 5,7 triệu đồng.

 

Theo Minh Đức

Cùng chuyên mục
XEM