Doanh nghiệp trong khu chế xuất có được quyền nhập khẩu và phân phối?
Khu chế xuất là khu công nghiệp tập hợp các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu. Vậy quyền nhập khẩu và phân phối của các doanh nghiệp chế xuất này với thị trường nội địa được quy định ra sao?
Với thị trường nội địa, doanh nghiệp chế xuất được phép thực hiện quyền nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa phục vụ mục đích nội bộ và chỉ được quyền phân phối hàng hóa khi đã thành lập chi nhánh riêng ngoài khu chế xuất.
Quyền nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất
Pháp luật cho phép doanh nghiệp chế xuất thực hiện quyền nhập khẩu từ thị trường nội địa một số mặt hàng phục vụ cho mục đích nội bộ nhưng không dùng để mua bán trong khu chế xuất.
Một số mặt hàng phục vụ cho mục đích nội bộ bao gồm vật liệu xây dựng để xây dựng công trình trong doanh nghiệp; văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng để phục vụ cho việc điều hành bộ máy văn phòng và sinh hoạt của cán bộ, công nhân làm việc cho doanh nghiệp chế xuất.
Doanh nghiệp chế xuất và người bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất được quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục nhập khẩu và hải quan đối với các loại hàng hóa trên từ nội địa Việt Nam.
Quyền phân phối hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 21 Nghị định 29/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp chế xuất được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam phải thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất để thực hiện hoạt động này.
Hiện nay quy định này vẫn đang gây ra nhiều vướng mắc đối với các doanh nghiệp chế xuất. Bởi lẽ khi thành lập thêm chi nhánh ngoài khu chế xuất, các doanh nghiệp sẽ phải lo thêm chi phi quản lý, kho bãi, nhân lực,… phát sinh. Bên cạnh đó, khu chế xuất là khu công nghiệp có ranh giới địa lý xác định, nên việc di chuyển ra vào cũng gây khó khăn cho việc quản lý chi nhánh ở phía bên ngoài.
Pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể việc thành lập chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất. Nếu doanh nghiệp chế xuất muốn thành lập chi nhánh ngoài khu chế xuất trong thời điểm này sẽ phải tuân thủ theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành về thành lập chi nhánh của doanh nghiệp nói chung. Quan hệ giữa doanh nghiệp chế xuất và chi nhánh nội địa được quy định là quan hệ xuất, nhập khẩu. Việc mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp chế xuất với chi nhánh phải tuân thủ theo các quy định về thủ tục và nghĩa vụ tài chính đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
>> Ngân sách giảm thu đáng kể khi Samsung thành doanh nghiệp chế xuất?
Công ty Luật PLF