Phanh xe máy: Kỹ năng cực quan trọng mà người Việt thường "quên" không học
Phanh xe có lẽ quan trọng không kém gì so với việc đi xe, nhưng nhiều người Việt dường như "quên" không học kỹ năng này trước khi điều khiển xe máy.
Những nguy hiểm xảy ra khi ta phanh xe gấp
Với mọi phương tiện, cân bằng đều là một trong những yếu tố sống còn.
Khi phanh xe, do quán tính, toàn bộ khối lượng dồn về phía trước. Do đó, trong phần lớn các trường hợp phanh gấp, áp lực dồn về bánh trước khiến bánh sau bớt bám đường, dễ bị khóa bánh, gây trượt bánh và mất cân bằng.
Khi phanh xe, do quán tính, áp lực sẽ dồn lên bánh trước nhiều hơn.
Trong một số trường hợp, khi quán tính vẫn còn rất lớn, người lái xe bóp phanh trước quá đột ngột, toàn bộ động năng bị "chặn đứng", khóa cứng bánh trước, cũng dẫn tới mất cân bằng và đổ xe.
Hãm bánh trước với một lực quá lớn sẽ gây khóa bánh, mất cân bằng.
Trong 2 trường hợp kể trên, mất kiểm soát ở bánh sau không nguy hiểm bằng mất kiểm soát bánh trước.
Làm gì khi xe bị trượt bánh
Với bánh trước, một khi đã rơi vào trạng thái khóa cứng, trượt bánh, khả năng đổ xe là rất cao. Trong khi với bánh sau, việc trượt bánh lại khá dễ "sửa sai".
Trong trường hợp bị khóa và rê bánh sau, hãy giữ bình tĩnh, giữ mắt nhìn lên để kiểm soát tình hình, nhả từ từ phanh sau và điều chỉnh xe tiếp tục đi về hướng mình muốn tới. Dù xe có thể vẫn trượt sau khi bạn nhả phanh sau nhưng việc trượt xe ở đây là có thể kiểm soát được. Điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh và tránh hoảng loạn.
Trường hợp bị khóa bánh và trượt ngang ở phía sau không quá nghiêm trọng, do đó, cần giữ bình tĩnh để điều khiển bánh xe trước đi tới đúng nơi mình muốn đến.
Phanh như nào là an toàn nhất?
Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được hiệu quả phanh tốt đồng thời giữ được cân bằng cho xe, người lái xe máy nên sử dụng (cùng lúc) 70% lực phanh với phanh trước và 30% lực phanh với phanh sau.
Như đã đề cập ở trên, do quán tính, áp lực dồn lên bánh trước nhiều hơn so với bánh sau khi xe đang trong quá trình giảm tốc. Do đó, cần phanh mạnh hơn ở phanh trước để đạt hiệu quả giảm tốc và phanh nhẹ hơn ở phanh sau để tránh bị khóa bánh.
Để tránh bóp phanh quá mạnh, bạn cũng có thể áp dụng "mẹo" sau: chỉ sử dụng ngón trỏ và ngón giữa để phanh.
Luôn giữ 2 ngón tay trên phanh, thay vì 4 ngón, giúp giảm tình trạng bóp phanh quá mạnh.
Trong những trường hợp quá khẩn cấp
Trong những trường hợp quá khẩn cấp, bạn khó có thể nhớ và áp dụng được quy tắc 70 - 30 như đã đề cập. Do đó, hãy tập trung vào phanh trước vì đây là bộ phận giúp bạn giảm tốc tốt hơn, so với phanh sau.
Tuy nhiên vẫn cần phải nhớ việc bóp phanh bằng một lực vừa đủ, tăng dần, để tránh bị khóa cứng bánh xe.
Luyện tập là điều cần thiết
Dường như với xe máy, đại bộ phận người sử dụng đều... quên học cách phanh mà chỉ chú trọng cách đi xe.
Cách luyện tập rất đơn giản đó là tập phanh từ tốc độ thấp và cao dần lên. Đầu tiên, hãy chỉ sử dụng phanh trước (để biết lực phanh như nào là quá mạnh, dễ khiến xe bị đổ khi khóa cứng bánh trước), sau đó tập sử dụng chỉ phanh sau. Sau khi đã có cảm nhận tốt về từng phanh đơn lẻ, hãy tập kết hợp chúng lại với công thức 70 - 30 như đã đề cập.
Nếu đã thành thạo, bạn có thể lưu ý để hơi ngửa người ra sau một chút, giảm bớt áp lực lên trục trước của xe, giúp xe cân bằng hơn, giảm bớt khả năng bị khóa bánh trước.
Ngoài ra, cần lưu ý khi vào cua hay quay đầu, xe máy cũng ở trạng thái kém cân bằng so với đi thẳng, do đó cũng cần sử dụng một lực phanh nhẹ hơn thông thường.
Khi vào cua, tuyệt đối tránh phanh với lực quá mạnh.
Lưu ý cuối cùng là trong điều kiện đường xấu như trời mưa, có bùn hoặc có đá dăm, kinh nghiệm là "chỗ dựa" cuối cùng. Tùy vào khả năng mất độ bám đường mà bạn cần điều chỉnh lực phanh nhẹ bớt so với điều kiện đường tốt.