Phân vân có nên “trú ẩn” vào vàng khi giá vọt lên 74 triệu đồng/lượng, Giám đốc quỹ đầu tư Vietcombank cảnh báo: Nếu giờ mới mua, cẩn thận “sập hầm”!

09/03/2022 15:18 PM | Kinh doanh

Vàng là hầm trú ẩn bởi vì bất kỳ khi nào có bất ổn vàng đều tăng giá. Nhưng chúng ta phải có nó từ trước thay vì bây giờ mới chạy đua đi mua.

Nhắc đến vàng thì đây là từ khóa gây xáo động giới đầu tư cũng như phần đông người dân trong thời gian gần đây. Tới cuối ngày 7/3, giá vàng trong nước đã tăng gần 5 triệu đồng/lượng so với phiên trước. Giá bán ra vàng SJC đã vượt 74 triệu đồng/lượng. Giá vàng quốc tế ngày 9/3 đã có lúc chạm ngưỡng 2.073 USD/ounce và được dự báo có thể đạt mốc 3.000 USD/ounce.

Giá vàng tăng sốc khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại dòng tiền sẽ chuyển hướng sang kênh trú ẩn này và không còn đầu tư chứng khoán nữa. Câu hỏi này được đặt ra cho bà Nguyễn Hằng Nga- Giám đốc quỹ đầu tư Vietcombank tại talkshow Bí mật đồng tiền số 11 với chủ đề “Hoa hậu làng bank”.

Khi có bất kỳ biến động nào ở trên thị trường, trong nền kinh tế thì mọi người luôn nghĩ đến vàng là hầm trú ẩn an toàn. Chính vì thế chúng ta thấy trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào chúng ta cũng thấy giá vàng tăng lên. Đây là một tâm lý rất bình thường. Tuy vậy tôi nghĩ rằng hầm trú ẩn đấy bạn phải có sẵn rồi. Bạn phải có sẵn vàng ở trong tay rồi thì khi giá vàng lên sẽ bù trừ cho việc danh mục bị giảm ở cổ phiếu. Còn nếu bây giờ bạn thấy giá vàng lên rồi mới đi mua thì tôi sợ rằng hầm đấy sẽ rất là nguy hiểm. Sau 2 năm có khi lại sập hầm mất.

Thực ra rủi ro của chúng ta khi đầu tư là bị mua giá cao và bán giá thấp. Để có lãi chúng ta phải mua thấp bán cao. Nhưng khi chúng ta nghĩ mua cao và bán cao hơn nhưng trên thực tế chúng ta đã bị rủi ro nhiều hơn so với việc chúng ta mua thấp. Tôi cũng rất đồng ý vàng là hầm trú ẩn bởi vì bất kỳ khi nào có bất ổn vàng đều tăng giá. Nhưng chúng ta phải có nó trước rồi chứ không phải bây giờ mới chạy đua đi mua vàng vì lúc đấy thực ra rất nguy hiểm”, bà Nguyễn Hằng Nga phân tích.

Phân vân có nên “trú ẩn” vào vàng khi giá vọt lên 74 triệu đồng/lượng, Giám đốc quỹ đầu tư Vietcombank cảnh báo: Nếu giờ mới mua, cẩn thận “sập hầm”! - Ảnh 1.

Bình luận thêm về quan điểm đầu tư, ông Hưng cho rằng hiện có rất nhiều công cụ khác để phòng tránh rủi ro chứ không phải chỉ mỗi kênh tài sản là vàng. Ông Hưng cho rằng giá vàng tăng không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế. Ví dụ như về chính sách vĩ mô chung chưa có động thái can thiệp vào giá vàng bây giờ, bởi ảnh hưởng của giá vàng lên chính sách ngoại hối rất thấp.

Thực tế các chuyên gia kinh tế gần đây cũng lên tiếng cảnh báo về rủi ro khi mua vàng ở giá cao. Chia sẻ trên Tuổi trẻ, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng bất ổn Nga - Ukraine sẽ còn diễn tiến thế nào không ai dự báo được. Trong khi đó việc tăng giảm của vàng hiện phụ thuộc chính vào bất ổn Nga - Ukraine nên giá vàng có thể đi lên nhưng cũng có thể lao dốc ngay ngày mai.

"Ngoài ra, người mua vàng trong nước còn chịu rủi ro kép là chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, lên đến gần 15 triệu đồng/lượng và khoảng cách giữa giá mua - bán. Do vậy người mua vàng nên cân nhắc có thể chịu được rủi ro không", ông Hiển cho biết.

Trong khi đó một chuyên gia vàng khác phân tích: "Tháng 8-2020 giá vàng thế giới tăng lên đến 2.069,4 USD/ounce khi đó giá vàng miếng SJC mới chạm ngưỡng 62,2 triệu đồng/lượng, trong khi hiện nay giá vàng thế giới mới chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce nhưng giá vàng miếng SJC đã... bay lên mức 73,8 triệu đồng/lượng.

Tất nhiên ở thời điểm hiện tại còn có yếu tố chiến tranh nhưng nên lưu ý giá tăng nhanh mà lực mua thấp là bất ổn. Vùng giá người dân nắm giữ vàng nhiều nhất là 54 - 55 triệu đồng/lượng, do vậy một khi tình hình xoay chuyển họ sẽ tung ra bán chốt lời. Những ngày qua lực bán chốt lời đã lác đác, do vậy người dân nên lưu ý", vị này nhấn mạnh.

Mộc An

Cùng chuyên mục
XEM