Phần Lan - Quốc gia duy nhất ở châu Âu 'không sợ' Covid-19 nhờ kho dự trữ đặc biệt

06/04/2020 13:41 PM | Xã hội

Đều đặn tích trữ trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm suốt hơn 70 năm qua đề phòng biến cố, Phần Lan tự tin có đủ vũ khí chống lại Covid-19.

Không giống những nước châu Âu khác, Phần Lan chưa bao giờ dừng tích trữ kho chiến lược từ thời Chiến tranh lạnh và giờ đây, họ đủ thiết bị y tế lẫn khẩu trang để chống dịch Covid-19.

Trong khi cả thế giới đang tranh giành nhau khẩu trang, máy thở hay các thiết bị y tế chống dịch thì Phần Lan lại đang thoải mái sử dụng kho dự trữ chiến lược từ thời Chiến tranh lạnh.

Đây được coi là một trong những kho dự trữ chiến lược tốt nhất châu Âu và được tích lũy qua nhiều năm, bao gồm khẩu trang y tế, xăng dầu, lương thực hay các nhu yếu phẩm khác.

Mặc dù những quốc gia láng giềng của Phần Lan như Na Uy, Đan Mạch hay Thụy Điển cũng có kho dữ trữ chiến lược từ thời Chiến tranh lạnh nhưng chúng lại dần bị bỏ hoang khi quan hệ Mỹ-Nga dần ấm lên.

Chiến tranh Lạnh (Cold War) là thời kì căng thẳng địa chính trị giữa Liên Xô và những quốc gia vệ tinh (khối Đông Âu) với Mỹ cùng những đồng minh (Khối phương Tây) sau Thế chiến II.

Chiến tranh Lạnh bắt đầu từ năm 1946 khi năm bức điện báo với tựa đề "Long Telegram" của nhà ngoại giao Mỹ George F. Kennan từ Moscow đã đề ra một chính sách đối ngoại của Mỹ về việc ngăn chặn cái mà nước này gọi là chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô và năm 1947 với sự ra đời của Học thuyết Truman.

Chiến tranh Lạnh kết thúc với Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu (khi các nước cộng hòa thành viên của Liên bang Xô Viết đã tuyên bố độc lập) và dẫn đến sự kết thúc hoàn toàn của Chiến tranh lạnh.

Thuật ngữ Chiến tranh lạnh được sử dụng bởi vì không có sự chiến đấu trực tiếp diện rộng giữa hai cường quốc, nhưng họ đã chạy đua vũ trang cũng như ủng hộ những cuộc xung đột ở các nước được biết như là những cuộc chiến tranh ủy nhiệm (proxy wars).

Riêng Phần Lan lại là ngoại lệ. Mặc dù Chiến tranh lạnh đã chấm dứt nhưng quốc gia này vẫn tích trữ kho chiến lược của mình hàng năm. Như một hệ quả tất yếu, người dân Phần Lan được hưởng lợi từ kho chiến lược này lần đầu tiên kể từ Thế Chiến II.

"Phần Lan là một quốc gia Bắc Âu luôn dè chừng cho những biến cố, họ luôn sẵn sàng cho những cuộc đại khủng hoảng hay thậm chí là Thế chiến lần III", Chuyên gia Magnus Hakenstad của Viện nghiên cứu phòng vệ Na Uy nhận định.

Bất chấp việc luôn dè chừng cho những biến cố lớn, người dân Phần Lan vẫn thường xuyên đứng thứ hạng cao trong danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Theo Giám đốc Tomi Lounema của cơ quan cung ứng khẩn cấp quốc gia của Phần Lan (NESA), những bài học lịch sử cũng như vị trí địa lý đặc biệt đã khiến 5,5 triệu người dân Phần Lan hiểu cũng như luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

"Việc luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất đã ăn sâu vào máu của người Phần Lan", Giám đốc Lounema nhận định.

Phần lớn giao thương của Phần Lan phải đi qua biển Baltic, vốn là vùng lãnh hải khá nhạy cảm nên Phần Lan luôn phải chú ý đến an ninh cũng như lực lượng hải quân, đồng thời sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất khi có xung đột. Điều này khác biệt so với các nước láng giềng như Thụy Điển khi có đường nối thẳng vùng biền Bắc tại bờ Tây.

Tính đến ngày 5/4/2020, Phần Lan đã có hơn 1.880 ca nhiễm virus Sars nCov2 và 25 trường hợp tử vong. Ngay lập tức Bộ trưởng y tế và an sinh xã hội đã yêu cầu mở kho dự trữ chiến lược để gửi khẩu trang đến khắp cả nước.

"Khẩu trang dù cũ nhưng chúng vẫn dùng tốt", Giám đốc Lounema khẳng định.

Phần Lan - Quốc gia duy nhất ở châu Âu không sợ Covid-19 nhờ kho dự trữ đặc biệt - Ảnh 2.

Hiện chính phủ Phần Lan chưa công bố bất cứ thông tin nào về số khẩu trang họ có hay kho dự trữ chiến lược của mình như thế nào bởi chúng đều là những thông tin tuyệt mật liên quan đến an ninh quốc phòng.

Dẫu vậy, các quan chức chính phủ Phần Lan thừa nhận kho dự trữ chiến lược của họ bao gồm một mạng lưới các nhà kho trải khắp đất nước và chúng được xây dựng từ thập niên 1950.

Nỗi khổ của những nước không chuẩn bị trước

Trong khi Phần Lan "dễ thở" hơn với kho dữ trữ chiến lược của mình thì tại các quốc gia không chuẩn bị trước như Mỹ, tình trạng thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ, máy thờ hay thậm chí găng tay đang vô cùng nghiêm trọng. Số ca nhiễm tại đây đã lên đến hơn 1,2 triệu người và hơn 64.000 trường hợp tử vong tính đến ngày 5/4.

Chính quyền Washington đang chạy đua để nhập khẩu các mặt hàng cần thiết chống dịch, trong khi chính phủ Pháp cũng đang phải đau đầu cạnh tranh các lô hàng y tế với một số doanh nghiệp Mỹ.

Các quan chức Đức cũng tố cáo Mỹ mời chào một doanh nghiệp sản xuất Vaccine của họ chuyển cơ sở nghiên cứu sang bên kia Đại Tây Dương để tìm Vaccine chống Covid-19.

Có lẽ nhận thức được nguy cơ thiếu thốn, Hội đồng Châu Âu (EC) đã quyết định thành lập kho dự trữ y tế chiến lược đầu tiên trong lịch sử vào ngày 19/3/2020 nhằm giúp đỡ Liên minh Châu Âu (EU) cùng các thành viên chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, một số nước EU cũng thông qua luật cấm xuất khẩu các trang thiết bị y tế hay nhu yếu phẩm cần thiết chống dịch Covid-19.

Phần Lan - Quốc gia duy nhất ở châu Âu không sợ Covid-19 nhờ kho dự trữ đặc biệt - Ảnh 3.

Khi hãng Molnlycke Health Care của Thụy Điển có nhà kho tại Pháp gửi khẩu trang và găng tay đến Italy cũng như Tây Ban Nha, lô hàng của họ đã bị hải quan chặn lại.

"Thật là phiền phức, chẳng có thứ gì gửi vào Pháp mà lại có thể xuất khẩu qua nước thứ 3 được cả", CEO Richard Twomey của Molnlycke than vãn.

Giới truyền thông Pháp thì mô tả cuộc đấu khẩu giữa Molnlycke với chính phủ cứ như "Cuộc chiến khẩu trang giữa Thụy Điển và Pháp".

Tại Thụy Điển, láng giềng của Phần Lan, công cuộc cung ứng thiết bị y tế đang bị cho là quá chậm trong cuộc chiến chống Covid-19. Theo Giám đốc Fredrik Bynander của Trung tâm an sinh xã hội Thụy Điển (CSS), một phần nguyên nhân là do sự chủ quan từ sau Chiến tranh lạnh của người dân.

"Hòa bình đã đến và chúng tôi chẳng cần phải tích trữ làm gì nữa, trong khi chính phủ thì nhìn thấy cơ hội kiếm lời bằng cách bán vật phẩm trong kho chiến lược, bao gồm cả các thiết bị y tế", Giám đốc Bynander nhận định.

Bên cạnh đó, việc Thụy Điển gia nhập EU và hòa mình vào khu vực thị trường tự do vào năm 1995 cũng là một phần nguyên nhân nữa cho sự chủ quan này.

Kể từ đó đến nay, Thụy Điển đã xây một loạt bệnh viện, qua đó dự trữ hàng cung ứng trong đủ 1-2 ngày và có thể phân phối rộng khắp đến người dân có nhu cầu y tế. Như một hệ quả tất yếu, việc dự trữ những kho chiến lược trở nên thừa thãi.

"Chúng tôi đã lầm tưởng rằng thị trường tự do sẽ giúp chúng tôi luôn mua được những gì mình cần", Chuyên gia phân tích Anders Melander cua Viện nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển (SDRA) ngậm ngùi nói.

Thêm nữa, việc Thụy Điển cổ phần hóa ngành dược phẩm vào năm 2009 đã thúc đẩy nước này hủy bỏ các chương trình tích trữ chiến lược. Kể từ đó đến nay, trách nhiệm tích trữ dược phẩm chiến lược vốn được chính phủ đảm trách bị bỏ ngỏ.

"Đây là một bước đi tồi. Nó cứ như kiểu: ‘Chúng tôi không cần tích trữ bình chữa cháy, khi nào hết và có hỏa hoạn thì chúng tôi sẽ mua thêm sau’ vậy. Thực tế lại chỉ ra rằng thị trường tự do chỉ thực sự ‘tự do’ trong thời kỳ bình thường", Chuyên gia Melander thừa nhận.

Mới đây, truyền thông Thụy Điển cho biết nhiều bệnh viện của nước này đã thiếu thuốc Propofol dùng cho giải phẫu.

Phần Lan - Quốc gia duy nhất ở châu Âu không sợ Covid-19 nhờ kho dự trữ đặc biệt - Ảnh 4.

Trong khi đó người dân Na Uy lại đang phải tự chống chịu với đại dịch Covid-19 và thiết bị y tế của nước này có thể bị thiếu hụt trong vài tuần tới. Nguyên nhân chủ yếu là phần lớn các nhu yếu phẩm y tế của Na uy đến từ Trung Quốc mà các nhà máy tại đây lại mới chỉ mở cửa trở lại.

Nhiều nước Bắc Âu khác không chuẩn bị sẵn được như Phần Lan thì lại đang cố gắng tái cơ cấu hệ thống sản xuất trong nước để có thể chống dịch Covid-19 và cung ứng đủ nhu yếu phẩm y tế cho người dân.

Tại Na Uy, hãng sản xuất thiết bị y tế Laerdal đã cam kết giao 1.000 máy thở vào cuối tháng 5/2020. Tại Đan Mạch, hãng sản xuất máy bơm Grundfos đã quyết định chuyển sang sản xuất thêm đồ bảo hộ chỉ 36 tiếng kể từ khi chính phủ kêu gọi sự giúp đỡ.

Tại Thụy Điển, hãng sản xuất xe tải Scania cũng đã hợp tác với 1 doanh nghiệp nhằm sản xuất máy thở. Trong khi đó, công ty rượu Vodka Absolut cũng tuyên bố sẽ quyên góp Ethanol cho công cuộc khử trùng chống dịch.

Phần Lan - Quốc gia duy nhất ở châu Âu không sợ Covid-19 nhờ kho dự trữ đặc biệt - Ảnh 5.

AB

Cùng chuyên mục
XEM