Phân khúc hàng không chung đầy tiềm năng mà Sun Air nhắm đến là gì, các đối thủ là ai?

05/03/2022 08:53 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong làn sóng phục hồi của ngành hàng không trong nước, tập đoàn Sun Group đã quyết định gia nhập thị trường với thương hiệu hàng không cao cấp Sun Air. Đặt dấu chân đầu tiên ở phân khúc hạng sang trong một nhánh mới phát triển như “hàng không chung”, Sun Air hứa hẹn sẽ phát triển mạnh ở thị trường ngách.

Tháng 2/3/2022, hãng hàng không Sun Air của tập đoàn SunGroup chính thức được Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy phép kinh doanh hàng không. Với số vốn đăng ký 100 tỷ đồng, hãng máy bay mới của tỷ phú Lê Viết Lâm sẽ ra mắt vào tháng 3 này, tập trung vào dịch vụ  máy bay phản lực thương gia (private jet). 

Điều này diễn ra trong bối cảnh thị trường hàng không Việt Nam xuất hiện những tín hiệu tích cực từ hơn một tháng thí điểm mở lại đường bay quốc tế. Trong tháng hai, tổng số chuyến bay do các hãng hàng không Việt thực hiện là 25.220 chuyến, tăng 20,4%. so với cùng kỳ. Ấn tượng nhất là Vietnam Airlines, với số lượng chuyến bay tăng 3164, tương đương 47% chuyến so với tháng 2/2021. Các hãng còn lại, ngoại trừ Jestar Pacific, đều có lượng chuyến bay tăng so với cùng kỳ, trung bình khoảng 20%. 

Phân khúc hàng không chung đầy tiềm năng mà Sun Air nhắm đến là gì, các đối thủ là ai? - Ảnh 1.

Không những nhập cuộc vào thời điểm thuận lợi, bản thân SunAir còn hướng đến một ngách thị trường tiềm năng nhưng chưa được tát cạn - hàng không chung.

Hàng không chung (general aviation) được hiểu là hoạt động kinh doanh hàng không nhằm mục đích sinh lợi từ phương tiện bay dân dụng. Đây là một khái niệm chưa phổ biến ở Việt Nam. Khi nhắc đến hàng không, nhiều người vẫn chỉ nghĩ đến các dịch vụ vận chuyển công cộng với những máy bay lớn có vài chục đến vài trăm ghế hoặc nếu không thì là máy bay không quân.

Khác với hai mảng truyền thống đó, hàng không chung bao gồm đa dạng các loại phương tiện bay hơn: máy bay cánh bằng, trực thăng, khinh khí cầu, tàu lượn, máy bay thực nghiệm, máy bay siêu nhẹ thể thao. trực thăng cứu hộ. Chủ của các phương tiện hàng không chung có thể bao gồm cá nhân (máy bay tư nhân), cơ quan nhà nước (máy bay công vụ, trực thăng chữa cháy, trực thăng cảnh sát, trực thăng vận chuyển y tế), doanh nghiệp (máy bay thương gia, tàu lượn du lịch, vv).

Hàng không chung trên thế giới là một thị trường vô cùng phát triển. Theo một thống kê từ Tiến sĩ Lương Hoài Nam vào 2014, số phương tiện trong lĩnh vực này là 360.000 chiếc, gấp 18 lần số máy bay vận tải hàng hóa và hành khác (20.000 chiếc) và nhiều hơn gấp đôi số máy bay quân sự (khoảng 140.000 chiếc). Thị trường này phát triển nhất ở Bắc Mỹ, với khoảng 6300 sân bay phục vụ cho các loại máy bay chung tại Mỹ và Canada, theo một thống kê 2010. Trong khi đó, máy bay vận chuyển công cộng chỉ hoạt động ở 560 sân bay khu vực này. Năm 2015, doanh thu từ hàng không chung chiếm đến hơn 1% tổng GDP nước Mỹ.

Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đi vào khai thác thị trường tiềm năng này trong lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, trong giai đoạn giãn cách đi lại khó khăn, thuê máy bay riêng đã dần trở thành lựa chọn với nhóm khách hàng thượng lưu có khả năng chi trả cao.

Đầu tiên phải kể đến Công ty Trực thăng miền Bắc (VNH North), thuộc tổng Công ty Trực thăng Việt Nam. Trong 2020, bất chấp tình hình đại dịch,  doanh nghiệp vẫn khai trương dịch vụ bay trực thăng Bell 505 phục vụ du khách ngắm toàn cảnh quần thể Tràng An từ trên cao. Công ty này trước đó cũng đã khai thác dịch vụ tương tự tại nhiều địa phương du lịch  như Côn Đảo, Mù Cang Chải, Đà Nẵng. 

Một đơn vị khác cũng đang kinh doanh tốt trong hàng không chung là Hải Âu Aviation với những chiếc thủy phi cơ Cessna Grand Caravan 208B-EX. Máy bay có thể chở từ 9 - 12 người với giá thuê là 35 triệu đồng cho 1h bay. Bên cạnh các dịch vụ bay hành trình, bay thuê chuyến, doanh nghiệp này còn có sản phẩm đặc biệt là dịch vụ bay thủy phi cơ tại Vịnh Hạ Long với mức giá phải chăng, chỉ 1.500.000 đồng/người cho chặng bay ngắm cảnh 25 phút. Với công suất phục vụ 8 - 12 chuyến/ngày, dịch vụ độc đáo này của Hải Âu Aviation thường xuyên kín chỗ. 

Cuối cùng, không thể không kể đến hãng hàng không Vietstar Airlines với dịch vụ Fly Vip, đối thủ trực tiếp của SunAir trong lĩnh vực máy bay riêng hạng sang. Vietstar hiện có các tổ bay nhỏ như Beechcraft King Air B350, Embraer Legacy 600, Legacy 650 cho thuê theo nhu cầu. Giá một chuyến bay rẻ nhất ở Fly Vip cũng lên đến 3500$ 1h bay trên chiếc King Air B350 8 chỗ. Ở mức giá cao hơn Embraer Legacy 600, Legacy 650, với mức giá 10.000$/1 giờ bay với cá khu vực hội họp, làm việc như một căn phòng làm việc trên không trung. 

Phân khúc hàng không chung đầy tiềm năng mà Sun Air nhắm đến là gì, các đối thủ là ai? - Ảnh 2.
Nội thất bên trong máy bay Embraer Legacy 600 với giá xấp xỉ 230.000.000 cho 1h bay

Tham gia vào lĩnh vực hàng không chung sôi động này, SunAir có tham vọng lớn hơn cả trước các đối thủ: bao quát đa dạng loại hình phương tiện phục vụ thương gia.  Theo lộ trình, từ quý III/2022, Sun Air sẽ khai thác 2 máy bay phản lực thương gia Gulfstream G650ER. Giai đoạn 2023-2025, Sun Air dự kiến đưa vào vận hành 4 máy bay Gulfstream G650ER, 1 máy bay Gulfstream G700, 1 trực thăng và 2 thuỷ phi cơ. Với tuyên bố này, SunAir chính thức trở thành đối thủ với toàn bộ thị trường hành không chung ở Việt Nam.

Nếu hai dòng máy bay hạng sang của Vietstar là  Embraer Legacy 600 và Legacy 650 có giá lần lượt là 13 triệu và 19 triệu đô, thì Gulfstream G650ER và Gulfstream G700 hiện có mức giá lần lượt là 35 và 75 triệu đô. 

Hai máy bay SunAir lựa chọn là thuộc dòng máy bay phản lực thương gia có tầm bay xuyên lục địa, trang bị công nghệ tối tân và không gian cabin đẳng cấp đã từng được các tỷ phú thế giới như Elon Musk, Jeff Bezos lựa chọn.  Hai chuyên cơ này có tầm bay cao và xa vào hạng nhất thế giới hiện nay, với tầm bay cao tới 51,000ft (15.545m), tầm bay xa tới 7.500 hải lý (13.890km), tốc độ đạt 0.925 Mach (1.142km/h) (tương đương chặng bay thẳng liên tục từ Hà Nội đến Los Angeles trong khoảng 12,5- 13 tiếng). 

Cung cấp dịch vụ bay cho các chuyến bay này, SunAir cũng bắt tay trở thanh đối tác hàng đầu thế giới như Gulfstream Aerospace và Jet Aviation.

Không những vậy, trong tương lai, đơn vị hàng không của SunGroup cũng dự định sẽ “tậu” thêm các dòng máy bay phản lực thương gia siêu lớn và siêu xa (ultra-long range) như Boeing BBJ và Airbus ACJ.

Bên cạnh đó, một thế mạnh của SunAir với các đối thủ như VNHN và Hải Âu Aviation là hệ thống đối tác cung cấp dịch vụ bay hàng đầu thế giới. Dù chưa có công bố chính thức về mẫu mã máy bay ở mảng này, Sun Air cho biết hãng đang làm việc với các thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới hiện nay như hãng trực thăng Agusta, Airbus, Sikorsky hay hãng thuỷ phi cơ De Havilland Canada, hãng sản xuất máy bay Cessna thuộc Tập đoàn Textron Hoa Kỳ.

Quyết định gia nhập thị trường hàng không của SunGroup có thể coi là bước tiến giúp Việt Nam phát huy tiềm năng phát triển thị trường hàng không chung khu vực, vốn được đánh giá cao  nhưng chưa được quan tâm đầu tư xứng đáng. 

“Ở các nước trên thế giới, cứ 1 tàu bay to phải có 10 tàu bay nhỏ. Nhưng ở Việt Nam, thực tế ngược lại, số lượng tàu bay to rất nhiều trong khi rất ít tàu bay nhỏ.” - đó là nhận định của ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Hải Âu. 

Theo Yên Khê

Cùng chuyên mục
XEM