Phân khúc bất động sản nào “sáng” nhất trong quý đầu năm?

17/04/2021 08:36 AM | Xã hội

Mới đây, Colliers Việt Nam có báo cáo thị trường BĐS Tp.HCM trong quý 1/2021. Đơn vị này đã chỉ ra tình hình hoạt động của tất cả các phân khúc thị trường, tựu chung nguồn cung các phân khúc vẫn hạn chế nhưng sự hồi phục, tín hiệu lạc quan đã thể hiện rõ ở nhiều phân khúc.

Cụ thể, ở phân khúc văn phòng, đơn vị này cho hay, quý 1 năm nay tiếp tục ghi nhận xu hướng hồi phục của thị trường tại cả ba thành phố lớn. Giá chào thuê trung bình tại Hà Nội và Tp.HCM đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại Đà Nẵng tăng 6% so với quý trước. Chủ đầu tư các dự án văn phòng được cho là sẽ chú ý nhiều hơn đến các quy chuẩn quốc tế (ví dụ như LEED hay Lotus). Văn phòng "truyền thống" sẽ không bị thách thức quá nhiều bởi các phương thức làm việc mới trong tương lai gần, trong khi không gian làm việc chung (co- working space) và văn phòng ảo sẽ có thể có nguồn cầu nhiều hơn nữa.

Với phân khúc BĐS bán lẻ, dù nguồn cung rất hạn chế nhưng nhìn tổng thể, các dấu hiệu hồi phục là khá rõ nét. Gía chào thuê các mặt bằng bán lẻ tại các khu trung tâm của Tp.HCM và Đà Nẵng vẫn tăng trong khi lượng người mua sắm quay trở lại các cửa hàng ở cả ba thành phố lớn dần trở nên đông đảo hơn. Các thương hiệu bán lẻ quốc tế đã và đang đến ngày một hùng hậu hơn, nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong khi các xu hướng tiêu dùng mới đã hình thành vì tác động của Covid-19.

Ở phân khúc căn hộ, thị trường Hà Nội có 1.300 căn hộ mới được chào bán trong quý đầu tiên của năm 2021 và đa phần thuộc phân khúc trung và cao cấp. Dự báo nguồn cung căn hộ cho thị trường Tp.HCM trong năm nay sẽ tập trung nhiều ở Thành phố Thủ Đức trong khi tại Hà Nội, các khu phía Đông và phía Tây của thủ đô dự kiến sẽ có nhiều dự án mở bán do đang có được đà tăng trưởng năng động. Thời gian Tết cổ truyền, thị trường trở nên trầm lắng hơn và số lượng giao dịch giảm rõ rệt. Dù vậy, giá chào bán căn hộ trung bình so với cùng kỳ năm ngoái vẫn tăng khoảng 3,5% tại Tp.HCM và 3,6% tại Hà Nội.

BĐS liền thổ, trong quý vừa rồi, Tp.HCM ghi nhận hai dự án BĐS liền thổ được tung ra thị trường tại phía Bắc và phía Đông của Thành phố. Ở chiều ngược lại, không xuất hiện nguồn cung mới tại thị trường Hà Nội, trong khi các dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong năm nay chủ yếu tập trung tại khu vực phía Tây như Tây Hồ, Hà Đông và Hoài Đức. Việc nhiều dự án cơ sở hạ tầng đang được phát triển ở vùng ngoại thành hoặc các tỉnh phụ cận của Tp.HCM và Hà Nội đang góp phần tạo ra sự chuyển dịch của thị trường BĐS liền thổ về phía Long An, Bình Dương hay Đồng Nai và các quận xa trung tâm của thành phố thủ đô.

Thị trường căn hộ dịch vụ tại hai "đầu tàu" kinh tế của cả nước khá "đìu hiu" trong quý vừa rồi khi mà không có dự án mới được tung ra thị trường. Giá chào thuê trung bình cũng giảm khá mạnh. Tỷ lệ lấp đầy có tăng lên ở Hà Nội và tương đối ổn định tại Tp.HCM tính từ quý 4/2020 đến hết quý 1/2021 mặc dù thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ trong năm 2019. Quá trình hồi phục của phân khúc này sẽ phụ thuộc nhiều vào một số yếu tố như mức độ thành công của phương án sử dụng "hộ chiếu vắc- xin" bên cạnh nguồn chuyên gia đến Việt Nam làm việc cho các dự án đầu tư từ nước ngoài.

Trong khi đó, số lượng khu công nghiệp tại Tp.HCM và Hà Nội vẫn giữ nguyên trong quý vừa rồi, lần lượt là 18 và 9 khu công nghiệp. Đáng chú ý, giá thuê đất công nghiệp trung bình ở Tp.HCM trong quý vừa rồi đạt mức kỷ lục là 165 USD/m2/kỳ hạn thuê trong khi con số này ở Hà Nội cũng rất cao, ở mức 140 USD/m2/kỳ hạn thuê. Việc ngành thương mại điện tử (e-commerce) phát triển năng động, xuất khẩu hàng điện tử tăng trưởng mạnh mẽ bên cạnh tình hình bất ổn vĩ mô ở một số khu vực trên thế giới có thể một phần khiến cho nhu cầu về BĐS công nghiệp tại Việt Nam tiếp tục cao hơn trong năm 2021 này.

Theo Colliers Việt Nam, kinh tế Việt Nam có những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, thể hiện qua dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quý 1 năm 2021 tăng 4,48%, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù lượng khách quốc tế giảm đến 95,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng con số này đã tăng 77,5% trong tháng 3 so với tháng 2/2021. Các nỗ lực đáng chú ý nhất là việc Chính phủ đã khống chế thành công đại dịch Covid-19, bắt đầu triển khai chương trình vắc-xin trên diện rộng cùng với nhiều chương trình hỗ trợ về tài chính, chính sách dành cho các ngành kinh tế. Từ đó, cũng đã thúc đẩy sự hồi phục của thị trường BĐS.

Hạ Vy

Cùng chuyên mục
XEM