Lý do Elon Musk phải dùng thuốc ngủ hàng đêm và mặt tối đằng sau ánh hào quang của những 'vĩ nhân' ở thung lũng Silicon
Ám ảnh về thành công đã khiến nhiều tỷ phú công nghệ phải sống với thuốc ngủ và nỗi sợ mất vị thế hàng đêm.
Năm 2020, việc nhà sáng lập Tony Hsieh của Zappos chết trong một vụ cháy đã khiến cả giới truyền thông sốc nặng. Trên thực tế chẳng có tờ báo nào tin đây là một vụ tai nạn khi vị triệu phú công nghệ này chết cháy 1 mình trong căn phòng tập gym rộng tới gần 30m2 mà chẳng có vật liệu dễ bắt lửa nào, thay vào đó các giả thuyết về tự tử hoặc sử dụng chất kích thích được đồn đoán nhiều hơn.
Cái chết của của Tony là hồi chuông cảnh tỉnh với những tỷ phú công nghệ như Elon Musk, Mark Zuckerberg hay thậm chí là ông trùm Jeff Bezos của Amazon khi những bất ổn về tâm lý ở đỉnh cao thành công còn nguy hiểm hơn cả đại dịch Covid-19.
Theo tờ Vanity Fair, những tỷ phú của thung lũng Silicon đã được coi như các "vị thần" của thế giới trong 10 năm qua nhờ các cuộc cách mạng về công nghệ, làm thay đổi cả về xã hội, đời sống, kinh tế trên toàn cầu. Những nhà sáng lập này chiếm tới gần 50% trong tổng số 20 người giàu nhất thế giới theo xếp hạng của tạp chí Forbes.
Nhờ những đóng góp lớn cho thế giới mà các tỷ phú này thu hút được lượng người hâm mộ đông đảo, họ dõi theo từng lời nói, thói quen và sự tích thành công của thần tượng. Mỗi khi các tỷ phú im lặng nhiều ngày là mọi người lại đồn đoán họ sắp cho ra lò một ý tưởng mới thay đổi cả thế giới.
Chẳng có gì lạ khi rất nhiều tỷ phú sau quãng ngày dài đi thiền, ở ẩn, dưỡng sinh rồi quay lại với cuộc sống đời thường và tuyên bố có thể "cứu cả nhân loại". Thế nhưng cách mà họ đối xử với bản thân, từ việc ăn kiêng, dùng thuốc cho đến các biện pháp khác lại được cho là không hoàn toàn khoa học. Thậm chí việc quá thành công và được tôn thờ khiến nhiều tỷ phú công nghệ phải chịu áp lực và sống với nỗi sợ hãi mất vị thế hàng đêm.
Đấng cứu thế?
Quay trở lại câu chuyện của Tony, anh là một nhà khởi nghiệp trẻ như bao người sáng lập khác. Tony bán startup đầu tiên của mình cho Microsoft với giá 265 triệu USD khi mới 24 tuổi. Thế rồi anh tiếp tục sáng lập nên Zappos để rồi bán 1,2 tỷ USD cho Amazon vào năm 2009.
Nhà khởi nghiệp này còn nổi tiếng với phong cách làm việc "HolaCracy" nghĩa là không trao cho nhân viên một chức danh cụ thể nào mà để họ tự tổ chức miễn là hoàn thành nhiệm vụ được giao. Dù giàu lên nhanh chóng nhưng Tony lại coi thường số tài sản mình có được khi sống trong một chiếc xe di động ngoài bãi đỗ xe.
Mong ước cả đời của Tony là muốn giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Thế nhưng cách Tony tìm kiếm ý tưởng lại khá dằn vặt. Chế độ ăn kiêng khiến Tony giảm xuống chỉ còn 45 kg và bị suy dinh dưỡng nặng. Hệ quả là Tony luôn ảo tưởng, lo lắng, trầm cảm.
Người bạn lâu năm của Tony là ca sĩ Jewel cho biết anh thường trả tiền cho những người lạ để vây quanh nghe diễn thuyết, qua đó cố gắng thuyết phục rằng mình có thể "cứu thế giới".
Một nhà đầu tư thiên thần tại Thung lũng Silicon cho biết những ví dụ thành công điển hình đã tạo nên người hâm mộ và những kẻ muốn bắt chước: "Cũng tương tự như Steve Jobs vậy, mọi người cũng muốn mặc một chiếc áo dài tay đen như ông ấy để trông chuyên nghiệp hơn, thế rồi nhiều nhà khởi nghiệp sau khi đã thành công lại sa lầy vào nghiện thuốc, tiệc tùng... Cuối cùng thì họ cũng chỉ là những người bắt chước nửa vời".
Hàng loạt những cuộc khảo sát, nghiên cứu cho thấy xã hội ngày nay quay cuồng với sự thành công, những người hâm mộ và danh tiếng. Việc nhiều tỷ phú có xuất thân bình dân như mọi người trở thành những đại gia quyền lực nhất thế giới đã khiến mọi người điên cuồng.
Thế nhưng dù thành công bao nhiêu, dù có nhiều tiền thế nào hay được ca ngợi ra sao thì đó vẫn là chưa đủ với giới nhà giàu. Ví dụ như nhà sáng lập Mark Zuckerberg, mỗi sáng anh thức dậy không phải để tự hào mình đã có 2,8 tỷ người dùng Facebook mà sẽ luôn tự hỏi tại sao những người còn lại trên thế giới không dùng mạng xã hội của anh.
Tương tự, Jeff Bezos của Amazon đã rời bỏ ghế CEO không phải để nghỉ hưu và hưởng thụ số tiền kiếm được hay dành thời gian cho gia đình mà là để thực hiện những ý tưởng "cứu rỗi nhân loai" khác là cạnh tranh "vũ trụ" với Elon Musk.
Tiệc tùng và chất kích thích
Ngày nay, giới tinh hoa của Thung lũng Silicon chẳng còn lạ gì với những bữa tiệc và chất kích thích. Một số người cho đó là sự hưởng thụ, trong khi số khác thì coi đó là khởi nguồn cảm hứng sáng tạo. Với những người không muốn thác loạn thì lại hướng đến cách sống ép buộc bản thân kiểu khác để cho ra đời những ý tưởng "cứu thế" xứng đáng với sự vĩ đại mà họ thường được ca ngợi.
Elon Musk đã từng phải dùng thuốc ngủ trong giai đoạn khó khăn nhất sự nghiệp
Chỉ có một số rất nhỏ những doanh nhân là thực sự điên cuồng vì công việc, nhưng ngay cả họ cũng phải chịu áp lực cực lớn từ thành công của chính mình. Thậm chí Elon Musk cũng đã phải dùng thuốc ngủ hàng đêm trong giai đoạn áp lực nhất sự nghiệp.
Đời khởi nghiệp rất gian khổ và nhiều doanh nhân đã tự sa ngã vào ma tuý, thuốc ngủ hay những lối sống phi khoa học để cố gắng đạt được thành công và danh vọng như mong muốn. Thậm chí đại dịch Covid-19 càng khiến tình hình trở nên tồi tệ khi các nhà khởi nghiệp ép buộc bản thân hơn nhằm tận dụng cơ hội kinh doanh trời cho này.
Một nhà khởi nghiệp từng bán startup của mình cho Google nói với tờ Vanity Fair rằng anh đã nhầm tưởng việc không phải lo lắng về tiền thuê nhà hàng tháng sẽ giúp cuộc sống dễ thở hơn. Thế nhưng giàu lên nhanh chóng cùng thành công và danh vọng lại khiến bản thân anh chìm vào hố sâu khốn khổ khác.
"Bạn nghĩ thành công, tiền bạc và danh vọng có thể giải quyết tất cả vấn đề nhưng trên thực tế nó chỉ tạo ra vô số khó khăn khác mà thôi. Bạn lúc đó sẽ dễ bị mất phương hướng hơn cả thời kỳ đầu khởi nghiệp", nhà khởi nghiệp này cho biết.