Phải chăng "Giấc mơ Mỹ" đang ngày một xói mòn?

25/06/2017 09:02 AM | Kinh tế vĩ mô

Mỹ là nền kinh tế số 1 thế giới và rất nhiều người dân tại các quốc gia khác muốn nhập cư vào đây để theo đuổi “Giấc mơ Mỹ”. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy cái gọi là “Giấc mơ Mỹ” dường như đang dần chấm dứt.

Giấc mơ Mỹ là một cụm từ nói lên quan điểm tự do, bình đẳng, cơ hội… của những người dân sống tại Mỹ. Quan điểm này bắt nguồn từ bản ghi chú của thống đốc hoàng gia bang Virginia năm 1774 và đã được sửa đổi nhiều lần cho đến bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ vào ngày 4/7/1776 khi bảo vệ quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi công dân bất kể họ là ai.

Quan điểm này cũng là nguồn gốc của tinh thần tư bản hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như mở cửa thị trường Mỹ.

Ban đầu, quyền mưu cầu hạnh phúc này vẫn chỉ giới hạn trong số những người da trắng tại Mỹ nhưng sau đó được Tổng thống Abraham Lincoln mở rộng cho những nô lệ da đen trong thời kỳ nội chiến. Đến thế kỷ 19, Tổng thống Woodrow Wilson mở rộng quyền mưu cầu hạnh phúc cho phái nữ bằng quyết định cho phép họ tham gia bầu cử.


Bà Hillary Clinton

Bà Hillary Clinton

Trong những đời tổng thống sau đó, quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân tiếp tục được cải thiện. Gần đây nhất, Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đã trở thành biểu tượng của cộng đồng giới tính thứ 3 khi có hàng loạt các chính sách bảo vệ quyền hạnh phúc của những người đồng tính và chuyển giới.

Mặc dù những cuộc khủng hoảng kinh tế và bất bình đẳng thu nhập khiến nhiều người nghĩ rằng Giấc mơ Mỹ đã chấm dứt nhưng nhiều chính trị gia lại cho rằng nó chỉ tác động nhất thời và cho dù thế nào thì giấc mơ mưu cầu hạnh phúc của người dân Mỹ vẫn tồn tại.

Cả Cựu tổng thống Bill Clinton và George Bush đều đã nhắc tới việc sở hữu bất động sản tại Mỹ là một phần của giấc mơ Mỹ trong khi ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton liệt kê những yếu tố như bảo hiểm, sở hữu nhà cửa, được giáo dục đầy đủ và có lương hưu là một phần của Giấc mơ Mỹ.

Dẫu vậy, những nghiên cứu gần đây cho thấy Giấc mơ Mỹ theo khía cạnh nào đó đang bị xói mòn dù nền kinh tế số 1 thế giới đang lấy lại đà tăng trưởng.

Một trong những tiêu chí đánh giá Giấc mơ Mỹ là tiêu chuẩn sống của thế hệ sau phải hơn thế hệ trước. Tuy nhiên, Dự án nghiên cứu của các chuyên gia trường đại học Harvard và Stanford cho thấy thế hệ trẻ ngày nay dường như có thu nhập ngày càng kém hơn so với thế hệ trước.

Khi so sánh thu nhập của các thế hệ ở độ tuổi 30, mức lương của thế hệ hiện nay đã qua điều chỉnh lạm phát thấp hơn 90% so với thời kỳ thập niên 1940 và thấp hơn 50% so với thời kỳ thập niên 1980. Mức sụt giảm này diễn ra ở hầu hết các tầng lớp thu nhập, đặc biệt là ở tầng lớp trung lưu Mỹ.


Tỷ lệ thế hệ sau kiếm nhiều hơn thế hệ trước tại Mỹ giảm qua từng năm

Tỷ lệ thế hệ sau kiếm nhiều hơn thế hệ trước tại Mỹ giảm qua từng năm

Tình trạng này diễn ra ở 50 bang của Mỹ và đặc biệt nghiêm trọng ở những bang như Michigan hay Illinois. Khi so sánh mức thu nhập của con cái với cha mẹ, những người sinh trong thập niên 1940 có thu nhập giảm tới 95% với thế hệ trước trong khi những người sinh năm 1984 giảm tới 41%.

Nguyên nhân chính được các chuyên gia đưa ra là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ không đến được mọi người dân. Nói cách khác, dù kinh tế Mỹ đã dần lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước nhưng phần lớn lợi ích lại tập trung vào tầng lớp thượng lưu trong khi mức lương của giới trung lưu lại tăng chậm.

BT

Cùng chuyên mục
XEM