PGS.TS Trần Đắc Phu: "Đề xuất cho F0, F1 đi làm là hợp lý"

07/03/2022 15:00 PM | Xã hội

Theo ông Phu, việc cho F0 không triệu chứng và F1 quay trở lại làm việc là hợp lý, giải quyết được vấn đề thiếu hụt nhân sự tại nhiều công ty, xí nghiệp.

Ngày 5/3, Bộ Y tế đã gửi tờ trình, kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc cho F0 không có triệu chứng và F1 được tự nguyện tham gia làm việc trong thời gian cách ly.

Mong được đến cơ quan làm việc

Chị Nguyễn Thúy Quỳnh (27 tuổi, nhân viên công nghệ sống tại Cầu Giấy ,Hà Nội) vừa mừng, vừa lo khi đọc được kiến nghị của Bộ Y tế.

Quỳnh cho biết mình mắc Covid-19 hôm 1/3, đến nay được 6 ngày. Ngày đầu tiên cô bị ho, đau đầu, những ngày sau hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên Quỳnh vẫn thực hiện cách ly, không tiếp xúc với ai. Mọi công việc tại công ty của cô bị bỏ dở khi nhiễm bệnh.

"Công việc của tôi bị tồn đọng lại rất nhiều, chỉ một phần nhỏ được đồng nghiệp giúp đỡ", Quỳnh nói và cho biết tuy vẫn làm online tại nhà, nhưng công việc thường ngày cô phụ trách yêu cầu phải xử lý tại cơ quan. Quỳnh mong được trở lại công ty, nhưng cũng lo sẽ lây nhiễm cho người khác.

"Sức khỏe của tôi hoàn toàn ổn định để làm việc, tuy nhiên tôi lo lắng mình sẽ lây bệnh cho đồng nghiệp, nếu có một phòng riêng cho F0 thì tốt", Quỳnh chia sẻ.

Trở thành F1 sau khi tiếp xúc với đồng nghiệp nhiễm bệnh tại cơ quan, Phạm Chính Thắng (31 tuổi, quản lý một trung tâm gia sư tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) rất mong chờ kiến nghị của Bộ Y tế được chấp thuận.

Anh Thắng cho rằng hiện nay số người nhiễm bệnh tăng nhanh không kiểm soát, tuy nhiên đa phần triệu chứng không nặng, thậm chí có người không có triệu chứng, sức khỏe hoàn toàn khỏe mạnh để làm việc.

"Tỷ lệ phủ vaccine trong cả nước cao, tôi và các đồng nghiệp làm chung tiêm đủ 3 mũi, nên tôi nghĩ tỷ lệ lây nhiễm sẽ thấp hơn, hoặc nếu bị lây nhiễm biểu hiện bệnh cũng nhẹ hơn", anh Thắng nói.

Anh Thắng cho biết mình tiếp xúc với F0 đến nay được 5 ngày, qua 3 lần xét nghiệm vẫn âm tính. Việc tự cách ly tại nhà 5 ngày để đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Y tế, tuy nhiên nó làm ảnh hưởng lớn đến công việc của anh.

"Tôi không biết có nhiễm bệnh hay không, với tâm lý lo sợ và muốn đi làm, hai ngày lại test Covid-19 một lần", anh Thắng cho hay và nói thêm rằng việc cách ly tại nhà khiến anh cảm thấy tù túng, trong khi công việc tại trung tâm bị ứ đọng, không người giải quyết.

Anh Thắng cho rằng việc F0 và F1 nếu đáp ứng được sức khỏe và phòng bệnh tại cơ quan thì nên được đi làm, tránh việc cơ quan có quá nhiều ca nhiễm, F1 đều nghỉ việc ảnh hưởng lớn đến công việc và thu nhập của công ty.

PGS.TS Trần Đắc Phu: Đề xuất cho F0, F1 đi làm là hợp lý - Ảnh 1.

Bộ Y tế đề xuất F0, F1 nếu đảm bảo sức khỏe trong thời gian cách ly có thể quay lại làm việc. Ảnh minh họa

Đề xuất cho F0, F1 đi làm phải kiểm soát rủi ro

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay sau quyết định nới lỏng xã hội thì các ca bệnh tăng lên nhanh chóng, nhiều công ty có phân nửa nhân viên là F0, F1, không đủ người làm việc. Một số nhân viên phải tăng ca để làm hộ phần việc của các F0, F1 đang nghỉ việc cách ly.

Ông Phu nói: "Việc Bộ Y tế đề xuất cho F0, F1 đi làm là hợp lý". Tuy nhiên, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, nới lỏng để F0, F1 được đi làm là cần thiết, nhưng không thể buông xuôi, thả lỏng, phải chuyển từ việc cấm đoán, cách ly sang kiểm soát rủi ro.

"Bộ Y tế đề xuất và cho phép như vậy, nhưng quyết định chính vẫn ở các cơ quan, xí nghiệp, địa phương. Vì nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, cả cơ quan nhiễm bệnh sẽ không còn ai đi làm", ông Phu nói và cho biết đối với các trường hợp F0, F1 nếu quay trở lại công ty làm việc phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng bệnh để kiểm soát được sự lây nhiễm.

Khi đi làm, F0, F1 phải thường xuyên theo dõi sức khỏe, nếu có triệu chứng cần xét nghiệm ngay và có những biện pháp điều trị, cách ly phù hợp.

Đối với cơ quan xí nghiệp khi cho F0, F1 trở lại làm việc, ông Phu cho rằng cần có phương án, kịch bản trong việc sắp xếp nhân sự, để vừa có nhân lực phục vụ sản xuất mà vẫn đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

"Luôn phải có phương án dự phòng khi để người nhiễm bệnh và F1 trở lại làm việc, tránh trường hợp dịch bùng phát mạnh gây đứt chuỗi lao động sản xuất", ông Phu nhấn mạnh.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện nay chủng Omicron đang chiếm ưu thế, lây lan nhanh. Ông Phu cho rằng chúng ta nên chấp nhận sự lây lan và có thể cho lây lan để thay thế dần chủng Delta. Tuy nhiên phải kiểm soát sự lây nhiễm, chứ không để ồ ạt dẫn đến quá tải hệ thống y tế, sẽ có nhiều người chuyển biến nặng dẫn đến tử vong.

"Chấp nhận cho sự lây lan nhưng phải kiểm soát được", ông Phu nhấn mạnh.

Ông Phu cho biết thêm, chắc chắn Covid-19 sẽ trở thành bệnh lưu hành, nhưng thời điểm này thì chưa. Vì còn nhiều yếu tố chưa đạt được như việc lây nhiễm không ổn định, biến chủng có thể bùng phát không kiểm soát được, quá tải hệ thống y tế làm ảnh hưởng đến xã hội; xã hội vẫn phải sử dụng những biện pháp để đáp ứng hơn mức bình thường so với các bệnh truyền nhiễm khác.

Trước đó, trong tờ trình gửi Thủ tướng chỉnh phủ ngày 5/3, Bộ Y tế kiến nghị, F0 không có triệu chứng, trong thời gian 7 ngày cách ly, được tự nguyện tham gia làm việc. Các đơn vị, địa phương bố trí cho F0 làm việc trực tuyến, không tiếp xúc với người xung quanh. F0 cũng được tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm Covid-19 tại gia đình, tại cơ sở lưu trú hoặc bệnh viện; tuân thủ 5K.

F0 làm việc tại bệnh viện phải có biện pháp phòng hộ, thường xuyên xét nghiệm; không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với người bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao.

F1 được tham gia thực hiện các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Nếu đến cơ quan làm việc, F1 cần được bố trí khu vực riêng, đảm bảo khoảng cách, thoáng khí; không tập trung đông. F1 được di chuyển bằng phương tiện cá nhân từ nhà đến nơi làm việc; quá trình di chuyển không tiếp xúc với cộng đồng; đeo khẩu trang...

Theo Đăng Khoa

Cùng chuyên mục
XEM