Đề xuất F0 đi làm, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất
Thời điểm này nhiều doanh nghiệp khủng hoảng nhân lực. Các doanh nghiệp đề xuất cho F0, F1 đáp ứng điều kiện đi làm sẽ giúp họ vượt qua khó khăn.
Xin lùi thời hạn giao hàng
Trong 1 tuần qua, doanh nghiệp sản xuất miến dong xuất khẩu M.H tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) trải qua cơn khủng hoảng hơn cả đợt thực hiện Chỉ thị 15. Anh Hải (chủ doanh nghiệp) cho biết, phân xưởng của anh giờ chỉ có 30% lao động làm việc, còn lại đều là F0 nghỉ ở nhà. Các đơn hàng sau Tết của doanh nghiệp tăng nhanh, khiến anh phải xin đàm phán lại để kéo dài thời hạn giao hàng.
“Đợt thực hiện 3 tại chỗ, dù kinh phí tăng nhiều chúng tôi vẫn có thể cố tăng ca để đáp ứng đơn hàng. Thời điểm hiện tại nhân viên mắc COVID-19 bắt buộc phải nghỉ, không cách nào khác. Nếu F0 được đi làm chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn này”, anh Hải nói.
Các FO, F1 đi làm phải thực hiện 5K tối đa để tránh sự lây nhiễm trong cộng đồng (Ảnh minh họa) |
Từ đợt thực hiện 3 tại chỗ, chỗ ăn ngủ sinh hoạt tại nhà máy cho công nhân đầy đủ, an toàn. Anh Hải đề xuất cho các F0 làm việc một khu vực riêng mà không bị lây lan dịch bệnh.
Chị Lê Minh Hạnh (chủ doanh nghiệp bất động sản tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, công ty có 50 người mà hiện loanh quanh chỉ có 5 người làm việc tại trụ sở, còn lại làm việc online. Ban đầu có 2 nhân viên F0, sau đó cách ly F1, rồi tiếp tục “nổ” thêm hàng chục ca khiến cho các nhân viên đều đăng ký làm việc trực tuyến.
“Dù làm việc online nhưng có những việc như ký kết hợp đồng vẫn phải trực tiếp. Làm việc online không thể hiệu quả như làm việc trực tiếp được. Nếu muốn phục hồi kinh tế thì làm việc trực tiếp phải được đảm bảo, không thể trì trệ thế này”, chị Hạnh nêu ý kiến.
Lãng phí nguồn nhân lực
BS. Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho rằng, việc cách ly F1, F0, không triệu chứng gây lãng phí nguồn nhân lực. Khiến cơ quan, công xưởng rơi vào tình trạng thiếu lao động, công việc trì trệ.
Theo đại diện Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, việc cho F0, F1 đi làm là không thể chậm trễ, đặc biệt khi các ca COVID-19 thể nặng nhập viện nhiều hơn. Do đó, Bệnh viện đã yêu cầu các y bác sĩ F0 không triệu chứng, sau 4 ngày điều trị có thể quay lại phục vụ điều trị COVID-19. Đây là biện pháp bắt buộc để đảm bảo nhân lực cho bệnh viện thời điểm này.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, cơ sở đang điều trị hơn 400 bệnh nhân COVID-19, đa số là người cao tuổi, có bệnh lý nền, chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin. Dù chỉ tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 thể nặng nhưng bệnh viện đang gặp khó khăn do hao hụt nhân sự vì y bác sĩ mắc COVID-19 khá nhiều. Tính đến thời điểm này Bệnh viện có đến 200 y bác sĩ mắc COVID-19, ảnh hưởng đến hoạt động điều trị cho bệnh nhân. “Do đó, việc cho F0 không triệu chứng đi điều trị bệnh nhân COVID-19 là rất cấp bách tránh khủng hoảng nhân sự”, đại diện Bệnh viện nói.
Bộ Y tế vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách li, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh COVID-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến.
Ði làm là hợp lí
Trước đó, trong hướng dẫn cách li và điều trị COVID-19 của Bộ Y tế, thời gian cách li tại nhà của F1 hiện nay là 5 ngày với người đã tiêm đủ liều vắc xin và 7 ngày với người chưa tiêm đủ liều. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất chuyển F1 sang theo dõi sức khỏe 10 ngày tính từ ngày phơi nhiễm thay vì cách li. Đáng chú ý, Bộ Y tế đề xuất F1, F0 đang trong thời gian cách li được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách li đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm 5K.
Với F1 tiếp xúc gần F0 nhưng chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm. Những người này được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân, đi thẳng từ nơi cách li đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại.
Trao đổi với PV Tiền Phong về đề xuất này của Bộ Y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Đây là đề xuất hợp lí. Bởi lẽ hiện nay trường hợp F0 và F1 nhiều nên có thể gây quá tải, không có người làm việc. Tuy nhiên nới lỏng nhưng không được buông xuôi. Chúng ta muốn kiểm soát được dịch thì phải thả lỏng, phải chuyển từ việc cấm đoán sang kiểm soát rủi ro”.
Theo ông Phu, Bộ Y tế đề xuất là một việc nhưng quyết định thế nào lại do các cơ quan, doanh nghiệp. Chuyên gia dịch tễ đặc biệt lưu ý các F0, F1 đi làm nhưng phải thực hiện 5K tối đa, để kiểm soát sự lây nhiễm, giảm sự lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu có triệu chứng cần xét nghiệm ngay và cần có những biện pháp điều trị, cách li phù hợp. “Nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, cả cơ quan đó nhiễm bệnh trở thành F0 hết thì sẽ không còn ai đi làm”, TS Phu nói.