PGĐ ABC Bakery Kao Huy Phương: Có những lúc tôi và ba không biết làm gì, vì Covid-19 là một cuộc thi mà chúng tôi không hề có chuẩn bị!

31/12/2020 08:37 AM | Kinh doanh

Dù ABC Bakery là một trong những thương hiệu được viral nhiều nhất trên mạng xã hội suốt năm 2020. Tuy nhiên, theo chị Kao Huy Phương – con gái lớn của ông chủ bánh ABC kiêm Phó Giám đốc, thì doanh nghiệp này chỉ là đang cố sống sót qua mùa dịch. Với chị, Covid-19 là một bài kiểm tra quá khắt nghiệt.

Chị Kao Huy Phương – Phó Giám đốc ABC
Chị Kao Huy Phương – Phó Giám đốc ABC

Có thể nói, trong năm 2020, ABC Bakery là một doanh nghiệp nổi bật nhất trên thương trường, khi các sản phẩm đổi mới & sáng tạo của họ thường xuyên được viral trên truyền thông và các mạng xã hội.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc thương hiệu bánh này có một năm 2020 rất tuyệt vời. Trước đại dịch, doanh thu của bánh ABC đến từ 3 nguồn: bán lẻ thông qua các cửa hàng, bán sỉ - đối tác cung cấp của các cửa hàng và doanh nghiệp trong ngành F&B và xuất khẩu. Khi Covid-19 bùng phát, 2 kênh doanh thu ở phía sau gần như không còn, nhất là trong các giai đoạn mà cả xã hội thực hiện giãn cách xã hội.

Về phần bán lẻ, lúc đầu doanh thu của ABC cũng bị ảnh hưởng xấu bởi nhu cầu tiêu dùng của xã hội xuống thấp; nhưng chính nhờ những sản phẩm như bánh mì thanh long, bánh mì dinh dưỡng hay bánh mì nhân sầu riêng… đã giúp doanh số của họ không bị giảm sút so với lúc bình thường.

Thế nên, với ABC và cả Kao Huy Phương – Phó Giám đốc phụ trách mảng đối ngoại (chủ yếu là thị trường xuất khẩu), thì Covid-19 vẫn là một cái gì đó rất ‘khủng khiếp’. Bởi lẽ, đây là đầu tiên, chị Kao Huy Phương cùng ba và em gái mình phải dẫn dắt ABC Bakery vượt qua giai đoạn khủng hoảng, mà còn là khủng hoảng nặng nề nhất trong lịch sử nền kinh tế Việt Nam và cả thế giới.

Đầu năm 2019, nhờ những nỗ lực của Kao Huy Phương cùng team của mình, bánh ABC đã chốt xong hợp đồng trị giá 35 tỷ đồng xuất khẩu bánh mì và bánh bông lan đi Nhật. Năm 2018, ABC cũng đã thành công ký kết hợp đồng xuất sang thị trường Đông Nam Á, Nhật khoảng 80 container, tương đương 1.200 tấn bánh, chủ yếu là bánh mì và bánh bông lan.

Mặc dù, mảng xuất khẩu này dù chỉ mới được tập trung trong 2 năm gần đây nhưng đã đóng góp khoảng 16% doanh thu cho ABC Bakery. Ngoài ra, các loại bánh của ABC cũng được xuất sang các thị trường khác như Mỹ, Úc... với số lượng khá lớn.

Bên cạnh đó, ABC Bakery hiện cung cấp bánh cho hơn 50 thương hiệu quốc tế đang kinh doanh tại Việt Nam từ các chuỗi thức ăn nhanh KFC, Lotteria, Popeyes, Dunkin’ Donuts, Burger King, cho đến các chuỗi cà phê và thức uống như Kem DQ, Swensens, Starbucks, Angel-In-Us Coffee, The Coffee Bean & Tea Leaf, các chuỗi tiện lợi như FamilyMart, hay các hệ thống nhà hàng của Golden Gate, rạp chiếu phim CGV...

PGĐ ABC Bakery Kao Huy Phương: Có những lúc tôi và ba không biết làm gì, vì Covid-19 là một cuộc thi mà chúng tôi không hề có chuẩn bị! - Ảnh 1.

Ông Kao Siêu Lực đang nhận giấy chứng nhận Xác lập kỷ lục.

"Phương không dám nói năm nay công ty mình đã có phát triển gì đó đột phá, Phương hay nói với nhân viên của mình ‘năm nay phải sống sót là quan trọng nhất’. Do đó, trước mắt phải kêu mọi người giữ sức khỏe. Sức khỏe tốt là ổn rồi.

Năm nay, bên Phương cũng không dám đầu tư cái gì/dự án gì quá lớn vì rủi ro khá cao. Có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn trên thị trường mà mình không thấy được, vì vậy chúng tôi không dám làm gì mới. Cứ bình thản và sống sót qua năm nay rồi tính tiếp", chị Kao Huy Phương chia sẻ trong tọa đàm Tư duy đột phá – kiến tạo tương lai do HAWEE tổ chức.

Chị còn nói thêm: trong khủng hoảng, đôi khi, trong lúc mình làm gì đó cũng tạo được một vài bước đi nho nhỏ khác biệt so với bình thường. Như trong năm nay, như chúng ta đều biết, ABC có bánh mì thanh long - đó là đột phá của thương hiệu. Mới đầu, đây chỉ là thành tựu riêng của công ty nhưng may mắn nó lại tạo một trend – xu hướng mới cho ngành ẩm thực Việt Nam.

"Trong nguy có cơ", thật ra, ban đầu ba của chị (ông chủ Kao Siêu Lực) sáng tạo ra sản phẩm này chỉ muốn giúp nông dân trồng thanh long, nhưng không ngờ hành động này lan tỏa nhanh để trở thành một làn sóng lớn. Điều đó, khiến mọi người trong công ty rất hứng khởi và chăm chỉ làm R&D hơn. Nên sau này, ACB có nhiều sản phẩm liên quan đến thanh long.

"Sau đó mình suy nghĩ, kết hợp với nông sản của Việt Nam sẽ là đường hướng mình nên tập trung nhiều hơn trong tương lai khi ra mắt các sản phẩm bánh hay thực phẩm mới. Có thể nói, với điểm đột phá này, nếu không vì Covid-19 mình không bao giờ thấy được. Có thể xem, các sản phẩm của ABC trong mùa dịch đã có những đột phá đến từ nông sản Việt Nam. Chắn chắn trong tương lai, ABC sẽ phát huy khía cạnh này nhiều hơn", chị Kao Huy Phương nhận định.

Với chị, Covid-19 là một khoá huấn luyện đặc biệt tới rất bất ngờ và là cuộc thi, mà xác suất thi rớt rất cao. Chị Phương từng sống vào giai đoạn SARS 2003 - 2004, lúc đó trường học đóng cửa và chị Phương cũng chưa chính thức vào làm ở ABC. Nên lúc đầu nghĩ, Covid-19 cũng sẽ như SARS, là chuyện bình thường mình nhìn thấy và có thể ứng phó được.

Nhưng rồi không ngờ, các sân bay được lệnh ngừng hoạt động, những chỗ khác lần lượt đóng cửa. Có những đơn hàng ABC nhận và đã sản xuất xong, chỉ còn đợi chất hàng lên xe để giao, thì người ta gọi điện bảo: "Chị ơi khoan giao, 6 giờ là người ta bắt đóng cửa rồi".

"Ở những trường hợp này, mình phải ứng phó như thế nào với một lượng hàng tồn kho lớn như thế? Thời điểm đó, chúng ta không đi ra nước ngoài được và ngược lại. Tại thời điểm đó, ABC rất hoang mang, mình và ba không biết phải đi như thế nào. Một vài ngày, 2 cha con gặp nhau không biết phải làm gì, khi hàng hóa bị ngừng vận chuyển và phải làm bánh trên những nguyên liệu ít ỏi đang có. Với Covid-19, như kiểu mình bước vào một cuộc thi mà chưa chuẩn bị được gì và nên không biết phải ứng phó thế nào.

Cho đến thời điểm diện tại, các cửa hàng ở sân bay vẫn chưa hoạt động bình thường, doanh số từ bán sỉ và làm nhà cung cấp của ABC đã rớt hơn 60%", Phó Giám đốc ABC kể tiếp.

Ngoài ra, vì Covid-19 buộc họ phải dịch chuyển phương thức bán hàng thuần truyền thống sang kênh online. Bên cạnh đó, việc tăng cường các dây chuyền công nghệ mới nhằm để tăng năng suất cũng đã được ABC triển khai và có cơ hội phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh. Và hơn hết, sự gắn kết của "người ABC Barkery" cũng là nền tảng để doanh nghiệp vượt qua "thử lửa" Covid-19.

PGĐ ABC Bakery Kao Huy Phương: Có những lúc tôi và ba không biết làm gì, vì Covid-19 là một cuộc thi mà chúng tôi không hề có chuẩn bị! - Ảnh 2.

Chị Kao Huy Phương (ngoài cùng bên phải) trong một lần theo ba đi làm từ thiện.

"Trong gia đình, ba hay nói với chị em chúng tôi: chúng ta không nên xem công nhân là nhân viên, mà phải xem họ như những người anh em trong gia đình. Do đó, chúng ta phải chăm lo cho họ cả khi công ty ở trên đỉnh cao hay dưới vực sâu.

Đuổi việc hay thay người một ai đó đồng nghĩa với ‘đuổi việc’ cả gia đình họ. Vậy nên, trong nguyên 1 năm 2020, chúng tôi không khai trừ - giảm nhân sự nào. Nhưng vì ai cũng khó khăn, nên trong năm nay ABC sẽ không tăng lương cho mọi người như những năm trước, song cũng không giảm lương. Công nhân họ đi làm, cũng phải sống và có khi còn phải nuôi sống ai đó. Hơn nữa, nhiều người trong số họ đã cùng mình vượt qua thời gian khó khăn và vất vả, không thể vì khó khăn nhất thời mà ‘qua cầu rút ván’", chị Kao Huy Phương kể thêm.

Có thể nói, tấm lòng của cha con chị Phương đã được đền đáp, khi trong một lần đến công ty, chị vô tình nghe các công nhân đang làm bánh trung thu tự nói với nhau, ‘năm nay công ty mình đang gặp rất nhiều khó khăn, mình nên cố gắng làm việc để giúp công ty sống sót – giúp ba con ông chủ’. Chị Phương nghe xong cảm thấy vô cùng cảm động và có niềm tin rằng, doanh nghiệp của gia đình mình sẽ vượt qua được đại dịch.

Còn với cá nhân chị Phương, Covid-19 không chỉ toàn điều xấu mà nó phần nào đó giúp chị thực hiện vài nguyện vọng trước đó chưa thể hoặc học những bài học quan trọng.

"Kết năm 2020, mình rút ra một điều: cái gì cũng có thể xảy ra được và xảy ra quá nhanh. May mắn nhất trong năm nay, vì phải đi chậm nên mình có nhiều thời gian để nhìn lại nhiều thứ, suy nghĩ thấu đáo về một vài thứ khác. Nhờ về được Việt Nam từ Singapore trước khi cả thế giới lock-down – mình hay nói vui là mình đã chạy kịp, nên mình có nhiều thời gian sống chung với gia đình hơn trước đây rất nhiều.

Năm nay, chúng ta cũng phải học cách tiết kiệm, cả trong gia đình và công ty. Bình thường quen thói tiêu xài, bây giờ phải học cách kiềm chế những thứ mình thích mà tốn quá nhiều tiền không cần thiết. Trong công ty, phải suy nghĩ cũng như cơ cấu lại mảng tài chính để có thể vượt qua 3 tháng và 6 tháng. Bây giờ, như chúng ta hay nói, không ai biết điểm dừng của Covid-19 ở đâu. Rồi tập trung chăm sóc nội bộ trong công ty và gia đình", chị Kao Huy Phương kết luận.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM