Parkson có thể phải trả cho ông chủ Khai Silk 200 tỷ đồng vì đóng cửa trung tâm Paragon
Cắt hợp đồng thuê 19 năm sau khi mới tồn tại ở Paragon vỏn vẹn 5 năm, số tiền Parkson phải trả vi phạm hợp đồng lên tới 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả 2 bên đang tìm cách để giảm bớt khoản phí phạt này.
Doanh nhân Khai Silk mở cửa tòa nhà Saigon Paragon vào năm 2009 ngay tại trung tâm của một trong những khu đô thị sầm uất và sang trọng nhất TP HCM - khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Năm 2011, Parkson, thương hiệu bán lẻ cao cấp hàng đầu tại Malaysia đặt chân tới đây. Họ thuê 5 trong số 9 tầng tại Saigon Paragon, bỏ 5 triệu USD để làm mới toàn bộ nội thất, thu hút 130 nhãn hàng đến kinh doanh, với niềm tin 10.000 hộ dân thu nhập cao của Phú Mỹ Hưng sẽ trở thành đối tượng khách hàng chính, biến Parkson Paragon trở thành điểm thu lợi lớn cho tập đoàn.
Tuy nhiên, tháng 10/2015, Parkson trả lại mặt bằng tầng 1 cho Khai Silk. Đơn vị này sau đó sửa chữa lại mặt bằng và cho một công ty dầu khí thuê lại làm văn phòng. Lúc đó, trong nhận định của ông Hoàng Khải, vị khách đến từ Malaysia đã rơi vào cảnh khó khăn, kinh doanh ế ẩm, không hiệu quả.
Gần 1 năm sau, ngày 16/5/2016, Parkson thông báo rời khỏi 4 tầng còn lại của trung tâm thương mại tại quận 7 này mà không nêu ra lý do cũng như những vấn đề hậu trường của các nhãn hàng. Thời điểm đơn vị này thông báo trả mặt bằng, Parkson mới chỉ hoàn tất 5 trong số 19 năm của thỏa thuận với Paragon. Chiếu theo hợp đồng, đơn vị này có thể sẽ bị phạt vi phạm tới 200 tỷ đồng.
"Nếu chiếu đúng luật mà thực hiện thì họ phải trả phí phạt hợp đồng cho tôi, nhưng tôi không làm vậy. Kinh doanh ai chẳng có lúc khó khăn. Chúng tôi đang làm mọi cách có thể để đôi bên giảm thiệt hại. Hướng của chúng tôi là phía Parkson sẽ chịu chi phí mặt bằng cho đến khi có đơn vị khác thuê toàn bộ diện tích này", ông Hoàng Khải cho biết.
Parkson có thể là đối tác kinh doanh trung tâm thương mại cuối cùng mà ông chủ Khai Silk ký hợp đồng cho thuê Paragon. Ảnh: Internet.
Theo phân tích của vị này, việc Parkson Paragon gặp khó không thể có nguyên nhân từ thiết kế của công trình này. Theo đó, thiết kế đã được cơ quan chuyên môn phê duyệt, vấn đề về tầng hầm không phải là điểm mấu chốt của khó khăn, trong khi việc xây trần cao như cách làm của Hoàng Khải "đáng ra phải được khen, vì không tận thu, không ăn gian".
Với chủ tịch Khai Silk, Parkson gặp khó vì doanh nghiệp này không chịu thay đổi, và đó là vấn đề ở cả hệ thống chứ không riêng một đơn vị kinh doanh lẻ nào của hãng. "Ban đầu Parkson kinh doanh tốt, ai cũng công nhận vậy. Nhưng rồi họ không theo xu hướng. Họ đã tự già cỗi".
Sau khi Parkson ra đi, ông Hoàng Khải cho viết sẽ sửa lại mặt bằng để cho các đơn vị khác thuê, ưu tiên đối với ngân hàng, công ty tài chính hoặc showroom ô tô. Sau trường hợp của Parkson, đơn vị này sẽ "né" những doanh nghiệp kinh doanh trung tâm thương mại khỏi nhóm khách hàng tiềm năng.
"Tôi không có ý định cho thuê kinh doanh trung tâm thương mại nữa, và tôi nghĩ cũng không ai dại gì làm trung tâm thương mại tại đây nữa. Bởi xung quanh, trong bán kính 1-2 cây số quanh Phú Mỹ Hưng giờ đã có 4-5 trung tâm thương mại lớn, hiện đại với đủ các dịch vụ từ vui chơi giải trí cho đến mua sắm rồi", ông chủ Khai Silk phân tích.
Hiện tại, theo một số trang giới thiệu cho thuê văn phòng, mặt bằng tại Saigon Paragon có giá khoảng 14 USD/m2/tháng (chưa bao gồm VAT). Khách hàng sẽ phải trả thêm 5 USD/tháng cho mỗi m2. Ngoài ra, chi phí gửi xe là 6 USD/tháng với xe máy và 60 USD/tháng với ô tô. Có 4 loại diện tích được rao cho thuê, từ 100m2 đến 1.000 m2, và khách phải ký hợp đồng tối thiểu 2 năm.