PAN Pacific (Singapore) chính thức tiếp quản Sofitel Plaza Hà Nội

06/10/2016 22:14 PM | Kinh doanh

Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam của VinaCapital công bố tháng 9/2016 cho thấy trong nửa đầu năm nay các nhà đầu tư nước ngoài đã chi hàng trăm triệu USD thâu tóm các dự án bất động sản thương mại.

Cụ thể là dự án cao ốc Indochina RiversideTowers tại TP Đà Nẵng đã được tập đoàn Kajima (Nhật Bản) mua lại của Crescent Point với giá 17 triệu USD; cao ốc A&B Tower quận 1 TP.HCM được bán cho tập đoàn Fujita (Singapore) với giá 68 triệu USD.

Tòa nhà Keangnam Tower Hà Nội được AON mua lại với giá 382,5 triệu USD; tòa nhà Kumho Plaza quận 1 TP.HCM được Mapletree (Singapore) mua lại của Kumho (Hàn Quốc với giá 385 triệu USD. Ngoài ra tập đoàn Mitsubishi Estates đang đàm phán với Tiến Phước để mua lại dự án cao ốc văn phòng và khách sạn ở quận 1 với giá từ 41 – 43 triệu USD.

Còn tại Hà Nội, theo Công ty Tư vấn bất động sản CBRE, khách sạn 5 sao Sofitel Plaza Hanoi tại Hồ Tây sẽ đổi tên thành Pan Pacific vào tháng 10 tới đây. Khách sạn gồm 273 phòng và 56 căn hộ dịch vụ được tập đoàn Pan Pacific - PPHG (Singapore) tiếp quản thay thế Công ty Quốc tế Hồ Tây...

Gần đây nhất, Tập đoàn CapitaLand vừa công bố thông tin đã mua một dự án có vị trí tốt ở quận 1 TP.HCM, trị giá là 51,9 triệu USD. CapitaLand cho biết trên diện tích 0,5 ha đất của dự án và sẽ cho xây lên một tòa nhà có 302 căn hộ, thuộc 2 tháp. Trong đó tháp cao 22 tầng sẽ là căn hộ dịch vụ cho thuê mang thương hiệu Somerset, được quản lý bởi The Ascott Limited, công ty con của CapitaLand mảng căn hộ dịch vụ.

Theo nguồn tin riêng, đây chính là dự án VRG River View do liên doanh giữa Công ty Cổ phần Xây dựng - Địa ốc Cao su (Mã CK:RCC) thuộc Tập đoàn Công nghiệp – Cao su Việt Nam (VRG) và CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Vinacon thực hiện. Dự án này được VRG thực hiện từ năm tuy nhiên sau đó bị đình trệ vì thiếu vốn và được chuyển lại cho công ty con là RCC từ cuối năm 2016.

Theo nghiên cứu của CBRE, nhờ vào đà phục hồi kinh tế và nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỷ lệ hấp thụ thị trường văn phòng Việt Nam sẽ tăng mạnh từ năm 2017 trở đi khi có thêm nhiều nhu cầu từ các công ty ngoại quốc. Với triển vọng kinh tế tích cực, các công ty tại TP. HCM sẽ cân nhắc việc chuyển và mở rộng văn phòng của mình, với diện tích lý tưởng khoảng từ 1.000-2.000 m2 và nằm trong trung tâm thành phố.

Tăng trưởng nguồn cung văn phòng tại Hà Nội trong bốn năm vừa qua là nguyên nhân chính cho việc giá thuê thị trường giảm. Với tỷ lệ hấp thụ hiện tại chậm hơn so với tốc độ tăng nguồn cung mới, tỷ lệ trống cho các tòa nhà Hạng A được dự báo sẽ tăng bảy điểm, đạt mức 24,7% vào năm 2016.

Ngoài ra, nguồn cung mới Hạng A ở phía Tây và khu vực Đống Đa, Ba Đình sẽ phải chào giá thấp hơn hẳn so với trung tâm để có thể cạnh tranh với các nguồn cung hạng B tương lai gần đấy. Nhu cầu từ việc mở rộng của các tập đoàn đa quốc gia cũng như các công ty địa phương dự kiến sẽ tăng trong một vài năm tới.

Nhóm nghiên cứu Diễn đàn Mua bán sáp nhập doanh nghiệp 2016 (MAF) nhận định trong năm 2016 và những năm tới, thị trường bất động sản Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các hoạt động M&A.

Sau khi thâu tóm Kumho Asiana Plaza Saigon, CEO của Mapletree cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm các cơ hội đầu tư vào các dự án đã hoàn tất với chất lượng cao, có thể thu lợi nhuận tức thời ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội. Chúng tôi cũng mong muốn đầu tư vào lĩnh vực phát triển các dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ chung cư, căn hộ dịch vụ và các dự án phức hợp bằng 100% vốn của tập đoàn hay thông qua hợp tác với đối tác địa phương”.

Theo các công ty tư vấn đầu tư, khi dòng vốn đầu tư vào khu vực châu Á -Thái Bình Dương có dấu hiệu chững lại, thị trường bất động sản Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư. Yếu tố tích cực thúc đẩy hoạt động M&A ở Việt Nam chính là triển vọng phát triển kinh tế khi tăng trưởng GDP được duy trì ở mức cao so với các nước khác trong khu vực và thị trường bất động sản đang cải thiện nhờ hai sắc luật là Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực.

Tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông, trẻ với sự gia tăng mức thu nhập và các loại nhu cầu cũng góp phần gia tăng sức hút cho thị trường bất động sản Việt Nam. Đặc biệt, tỷ suất sinh lợi nhuận hấp dẫn là một trong những yếu tố quan trọng trong các quyết định của nhà đầu tư.

Theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, khi các thị trường khác có biến động về chính trị, kinh tế..., ngay lập tức, các nhà đầu tư bất động sản đổ vào Việt Nam như một nơi trú ẩn an toàn.

Theo Duy khánh

Cùng chuyên mục
XEM